Ngành hàng nào hưởng lợi khi Việt Nam - UAE ký CEPA?
Nhiều mặt hàng nông nghiệp có thể bứt phá khi nhận nhiều ưu đãi thuế quan
Theo thông tin từ Bộ Công thương, năm 2023, UAE là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ hai (sau Kuwait) của Việt Nam tại Tây Á. Trong giai đoạn 2019-2023, tổng trao đổi thương mại giữa hai nước bình quân đạt khoảng 4,8 tỷ USD/năm. Về cán cân thương mại, Việt Nam luôn xuất siêu sang thị trường UAE với giá trị lớn (trên 3 tỷ USD/năm).
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá: "Việt Nam luôn coi UAE là một trong những đối tác quan trọng nhất tại khu vực Trung Đông. Việt Nam đánh giá cao vai trò, vị trí của UAE, là một trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính, du lịch, logistics hàng đầu của khu vực Trung Đông và thế giới", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin và cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, hai bên đã ghi nhận nhiều kết quả hợp tác tốt đẹp về thương mại và đầu tư.
Tính đến hết quý III, tổng trao đổi thương mại song phương đạt gần 5 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 4,3 tỷ USD, tăng 7,5% và nhập khẩu đạt trên 650 triệu USD, tăng 10%.
Việt Nam xuất khẩu sang UAE các mặt hàng chính như: điện thoại di động và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; giày dép, hàng dệt may; hạt điều, hạt tiêu; phương tiện vận tải và phụ tùng; hàng rau quả; hàng thủy sản… Trong những năm gần đây, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường UAE đã đạt được những kết quả khả quan, trong đó có thể kể đến một số mặt hàng như: gạo (20-30 triệu USD/năm), rau quả, thủy sản, hạt điều, hạt tiêu (30-50 triệu USD/năm).
Về nhập khẩu, các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam từ UAE không quá đa dạng, chủ yếu là các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp dầu mỏ như: chất dẻo nguyên liệu, khí đốt hóa lỏng, sản phẩm khác từ dầu mỏ. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu từ UAE một số nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước, gồm kim loại thường khác; thức ăn gia súc và nguyên liệu; quặng và khoáng sản khác.
Theo Phòng Thương mại Quốc tế Dubai (Dubai Chambers), tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và UAE còn rất lớn, bởi hai nền kinh tế có thế mạnh bổ sung cho nhau. Hai nước đã tiến hành đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-UAE (CEPA) từ tháng 6/2023 và dự kiến hoàn tất đàm phán, ký kết CEPA nhân chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ tới UAE dịp này.
Chia sẻ trên Báo Nhân dân, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: “Trong khuôn khổ Hiệp định, UAE cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với nhiều ngành hàng chủ lực và có tiềm năng xuất khẩu lớn của Việt Nam, tạo cơ sở thuận lợi cho việc xúc tiến xuất khẩu của ta sang thị trường này và từ đó sang các nước Trung Đông. UAE sẽ mở cửa cho gần như toàn bộ các mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu. Có thể kể đến các ngành hàng chính như:
Thứ nhất là về nông sản: Các sản phẩm nông nghiệp như hạt điều, hạt tiêu và mật ong sẽ có cơ hội thâm nhập mạnh mẽ hơn vào thị trường UAE và Trung Đông nhờ thuế giảm. Hơn nữa, đây là khu vực có nhu cầu lớn về nông sản chất lượng cao, đặc biệt là sản phẩm sạch và hữu cơ cũng như có chứng chỉ Halal.
Thứ hai là hàng tiêu dùng bao gồm dệt may, da giày, điện tử... Đây là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, và việc cắt giảm thuế quan từ CEPA sẽ giúp các sản phẩm này cạnh tranh tốt hơn về giá cả và mở rộng thị phần tại UAE, một thị trường có nhu cầu cao về thời trang và hàng tiêu dùng chất lượng.
Thứ ba là hàng thủy sản: Với nhu cầu tiêu thụ thủy sản cao cấp tại UAE, đặc biệt là các sản phẩm tôm và cá, ngành thủy sản Việt Nam sẽ có thêm cơ hội tăng cường xuất khẩu và nâng cao giá trị sản phẩm nhờ vào ưu đãi từ CEPA.
Thứ tư là gỗ và các sản phẩm từ gỗ: Đây là mặt hàng cũng sẽ được hưởng lợi đáng kể từ CEPA. Với tốc độ đô thị hóa nhanh và các dự án bất động sản cao cấp tại UAE, nhu cầu đối với các sản phẩm gỗ, đặc biệt là đồ nội thất và vật liệu xây dựng là rất lớn.
Ngoài ra, hai bên cũng thống nhất các cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ, minh bạch hoá mua sắm của Chính phủ... từ đó tạo thuận lợi cho các động trao đổi đầu tư qua lại”.
Doanh nghiệp cần thận trọng để tránh rủi ro
Dù có nhiều cơ hội để bứt phá tăng trưởng, thế nhưng hàng hóa nhập khẩu vào UAE cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, đối với nhóm thực phẩm và đồ uống, mỹ phẩm… cần phải có giấy chứng nhận tiêu chuẩn Halal.
Đồng thời, doanh nghiệp Việt phải cạnh tranh với các doanh nghiệp từ một số quốc gia mà UAE đã ký CEPA với UAE như Ấn Độ, Indonesia, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ… do doanh nghiệp của các nước này đã được hưởng ưu đãi khi xuất hàng vào UAE. Theo Thương vụ Việt Nam tại UAE, khi xem báo giá cho cùng một sản phẩm từ các nhà cung cấp khác nhau, UAE sẽ chỉ chọn nhà cung cấp có báo giá thấp nhất. Do đó, nếu nhà cung cấp nào báo giá cao là bị loại ngay. Hàng hóa Việt Nam cũng gặp thách thức bởi chi phí vận chuyển từ Việt Nam sang UAE cao hơn so với cước phí từ các nước có vị trí địa lý gần UAE hơn.
Ngoài ra, trao đổi với báo chí, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cảnh báo: "Để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam cần có bước đi thận trọng để tránh rủi ro. Một số giải pháp có thể sử dụng như ký hợp đồng với đại lý, nhà phân phối tại UAE, hoặc mở văn phòng đại diện, chi nhánh, hay có thể nhượng quyền thương mại...Hiện Bộ Công thương đang tích cực phối hợp các cơ quan chức năng hỗ trợ doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, giao thương, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm khách hàng tại khu vực thị trường đầy tiềm năng này".