Maybank gọi tên 4 mã cổ phiếu sáng giá nhất trong tháng 7
Chứng khoán Maybank nhận định, với mức tăng trưởng lợi nhuận 34% của các doanh nghiệp niêm yết trong quý I/2022 và dự báo cả năm là +25%, kết quả quý II sẽ không nhiều bất ngờ. Với nhu cầu bị dồn nén và tiêu dùng thúc đẩy tăng trưởng GDP trong quý II, các công ty hưởng lợi từ động lực mở cửa trở lại có thể trở thành tâm điểm của thị trường.
Đối với ngành ngân hàng , Maybank cho rằng mức tăng trưởng lợi nhuận 30% trong quý I có thể được duy trì trong quý II. Còn ngành bán lẻ có thể mang lại mức tăng trưởng lợi nhuận khoảng 20%, trong đó PNJ có thể là ngôi sao với mức tăng trưởng ước tính là 83%.
Trong khi dịch vụ hậu cần hàng hải trong quý II sẽ vượt mức tăng trưởng 57% của quý I thì ngành hậu cần hàng không lần đầu tiên có lãi trong quý II kể từ năm 2019. Ngoài ra, Maybank cho rằng giá cả hàng hóa tăng sẽ giúp năng lượng và thủy sản có thêm một quý kinh doanh hiệu quả.
Do đó, Maybank khuyến nghị các mã cổ phiếu VJC (logistics hàng không), PNJ (bán lẻ) và MBB, VPB (ngân hàng) cho các ý tưởng giao dịch trong tháng 7.
Theo đó, trong ngành ngân hàng, Maybank lựa chọn 2 cổ phiếu tiềm năng của MBBank và VPBank. Với Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (mã: VPB), kết quả kinh doanh khả quan trong quý I/2022 và vượt mục tiêu của ban lãnh đạo đề ra. Lợi nhuận trước thuế tăng 178% so với cùng kỳ, nhờ hoạt động kinh doanh chính phục hồi và khoản thu nhập phí trả trước (tức là 5.500 tỷ đồng) từ thỏa thuận gia hạn bancassurance với AIA.
VPB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 29.600 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 107% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng đang chuẩn bị cho hai kịch bản tăng trưởng tín dụng, một là 23% và một là 35%.
VPB đang giao dịch ở mức 1,3 lần P/BV năm 2022 với ROE là 22% và 6,4 lần PER năm 2022, theo kế hoạch lợi nhuận của ban lãnh đạo.
Còn Ngân hàng TMCP Quân Đội (mã: MBB), giá cổ phiếu này đã giảm 16% so với đầu năm, theo thị trường chung, đang giao dịch ở mức 1,2 lần P/B năm 2022 (ROE 23,5%).
Trong lần phân bổ hạn mức tín dụng tiếp theo, Maybank cho rằng MBB nằm trong số các ngân hàng được cấp hạn mức tín dụng cao nhất để đổi lại việc tham gia tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém. Đây sẽ là chất xúc tác phục hồi trung hạn cho ngân hàng, vì “tăng trưởng tín dụng” là điều quan trọng mà thị trường đang chờ đợi.
MBB là ngân hàng duy nhất tại Việt Nam có nền tảng ngân hàng toàn diện tập trung vào tất cả các phân khúc tăng trưởng cao, bao gồm: cho vay bán lẻ, tài chính tiêu dùng, bảo hiểm nhân thọ, môi giới và ngân hàng đầu tư…
Maybank dự báo MBB có thể đạt được tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 27% trong năm nay để duy trì ROE 23,8%. Theo chiến lược phát triển 2022-2026 hiện tại, MBB đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 20-25% và ROE trên 20%, CAR 11-12%.
Hai mã cổ phiếu triển vọng còn lại là VJC (logistics hàng không), PNJ (bán lẻ).
Đối với ngành hậu cần hàng không thuận lợi nhờ việc mở lại bầu trời, lượng hành khách hàng không nội địa của Việt Nam đã đạt mức trước COVID-19. VJC (Vietjet) với vị thế là hãng hàng không giá rẻ (LCC), sẽ là lựa chọn phù hợp nhất trong câu chuyện trở lại hậu Covid. Do đó, Maybank kỳ vọng lợi nhuận cốt lõi của công ty có thể nhanh chóng tăng vọt lên 1.250 tỷ đồng so với mức lỗ 3.500 tỷ đồng (lợi nhuận sau thuế năm ngoái không bao gồm lãi một lần do thoái vốn).
Trong quý I/2022, VJC đạt 3 triệu khách so với tổng cộng 5,4 triệu khách trong năm 2021. Con số này có thể tiếp tục tăng ấn tượng trong thời gian còn lại của năm, chủ yếu do nhu cầu du lịch nội địa tăng cao, đặc biệt là trong quý 3, mùa của kỳ nghỉ gia đình. Ngoài ra, theo IATA, hàng không nội địa tại Việt Nam sẽ phục hồi nhanh nhất trong ngành hàng không toàn cầu.
Về việc đi lại bằng đường hàng không quốc tế, Trung Quốc phong tỏa sẽ cản trở sự phục hồi của VJC vì chiếm 40% lượng khách quốc tế của VJC. Tuy nhiên, chiến lược chuyển hướng tạm thời sang thị trường Ấn Độ sẽ tiếp thêm động lực tăng trưởng cho công ty trong tương lai khi Trung Quốc mở cửa trở lại.
Giá dầu tăng có thể là một trở ngại khác đối với công ty. Nhưng VJC có thể dễ dàng chuyển một phần chi phí này sang khách hàng; kết hợp với một chiến lược phòng ngừa rủi ro sẽ giúp giảm thiểu tác động.
VJC đang giao dịch ở mức PE FY22 là 55,6 lần, không rẻ so với trước dịch Covid-19. Tuy nhiên, công ty vừa mới vượt qua đáy và có một tương lai tươi sáng hơn nhiều. Vì vậy, với mức tăng trưởng thu nhập tiềm năng, sau cơn bão sẽ xuất hiện cầu vồng, theo dự báo của Maybank.
Trong khi đó, thu nhập của PNJ (Vàng bạc đá quý Phú Nhuận) có tiềm lực tăng trưởng nhiều nhất trong số các nhà bán lẻ niêm yết của Việt Nam trong năm 2022, ở mức 91,5% so với 30-40% của các công ty khác.
Thực tế, đà tăng trưởng doanh thu của PNJ được kéo dài trong tháng 5/2022 (+68% so với cùng kỳ), trái ngược với lo ngại của thị trường về tác động của lạm phát. Doanh số bán hàng vẫn ổn định trên tất cả các phân khúc, đặc biệt là phân khúc bán lẻ, tăng gần 89% so với cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng đầu năm, cả doanh thu và lợi nhuận của PNJ tăng trưởng ấn tượng 47% so với cùng kỳ năm ngoái.
Câu chuyện phục hồi lợi nhuận sẽ được phản ánh nhiều hơn trong quý II (+ 83% so với cùng kỳ) và đặc biệt là quý III sẽ có tăng trưởng mạnh do quý III/2021 chịu ảnh hưởng giãn cách đã khiến PNJ lỗ 160 tỷ đồng.
PNJ đang giao dịch ở mức P/E năm 2022 lần là 16 lần, thấp hơn một chút so với mức 17 lần – bình quân của 1 năm. Maybank cho rằng lợi nhuận phục hồi mạnh mẽ trong quý 2 và quý 3 cũng như đợt chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 3: 1 sẽ giúp cổ phiếu tăng giá trở lại.