Ngành thuế `có chuyên đề` nhắm vào hoạt động kinh doanh trên Internet
Thu thuế từ online, ngành thuế cũng vụng
Những hình thức kinh doanh và kiếm lời từ mạng Internet đang nở rộ và có phần lấn át các mô hình kinh doanh truyền thống. Chẳng hạn như: Lập hội nhóm bán hàng online trên Facebook, sàn thương mại điện tử, hay từ việc đăng tải video và thu lợi từ quảng cáo trên Youtube...
Tuy nhiên, việc thu thuế của những đối tượng này gặp nhiều khó khăn bởi thiếu các hành lang pháp lý. Và vì người kinh doanh cũng có nhiều "chiêu trò" để lách thuế, hoặc lẩn tránh nghĩa vụ đóng thuế nếu phát sinh thu nhập trên 100 triệu đồng.
Trả lời Báo Công Thương về quản lý thuế với các tổ chức cá nhân bán hàng qua mạng xã hội Facebook, Zalo... , đại diện Cục Thuế Nghệ An cho biết những thành phần này thường không xuất hóa đơn bán hàng, khi giao hàng thì nhờ bên giao thu tiền hộ, tự lập kênh thanh toán riêng.
Nhiều trường hợp cố tình lách thuế
Các doanh nghiệp và cá nhân có dịch vụ xuyên biên giới, có thu nhập phát sinh từ các mạng xã hội Youtube, Faceboook... về Việt Nam, các khoản thu nhập kiểu này đều được chuyển về tài khoản trong nước cho người thụ hưởng.
Một số tổ chức, cá nhân thì chưa phải kê khai nộp thuế, vì cơ quan chức năng cũng chưa có cách giám sát các khoản thu qua hình thức chuyển tiền hộ. Trong khi một số khác nghĩ ra cách lách luật bằng việc khai là dịch vụ xuất khẩu, để được hưởng mức thuế suất giá trị gia tăng 0% (theo luật quy định là 10%)
Cũng có các tổ chức, cá nhân có khai báo thu nhập, nhưng chỉ làm tượng trưng, khiến cơ quan thuế bị khó khăn trong khi kiểm soát được doanh thu và tính thuế của người nộp thuế.
Vì sự phức tạp ấy, ngành thuế gặp khó khi chưa thể thu kịp thời các nguồn thuế phát sinh, dẫn đến tình trạng còn thất thu thuế đối với kinh doanh trên nền tảng internet.
Để tăng thu, bắt đầu từ "soi" thông tin
Tất nhiên, đối diện với thực tế này, cơ quan thuế phải tìm ra cách để có thể quản lý được môi trường kinh doanh trên internet. Mục tiêu không chỉ là nếu quản được thì sẽ chống thất thu ngân thu ngân sách, mà còn vì với sự gia tăng của các các hoạt động phát sinh doanh thu từ internet, nếu không quản lý được sẽ trở thành rủi ro tiềm tàng với chính sách thuế của nhà nước.
Đó là một trong các lý do khiến Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện và triển khai hàng loạt chuyên đề chống trốn thuế, trong đó có mục Quản lý thu đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT).
Một loạt sàn thương mại điện tử sẽ được nhắm đến như: chotot.com, vatgia.com, muaban.net; lazada.vn; Shopee.vn…; các đơn vị trực tiếp đứng ra bán hàng trên các trang web trong và ngoài nước như Shein.com.vn, Lazada.vn, Tiki.vn, adayroi.vn…
Bên cạnh đó là các tổ chức trong và ngoài lãnh thổ đứng sau các những dịch vụ quảng cáo, du lịch, đặt phòng, đào tạo trực tuyến, vé máy bay, tổ chức sự kiện như Vntrip.vn, Topica.vn, edumall, Trivago.vn, traveloka, book.com, ticketbox, Google, Apple…
Các đối tượng kinh doanh qua mạng sẽ được cơ quan thuế "quan tâm" trong thời gian tới
Bên cạnh đó, chuyên đề lần này cũng mở rộng ra các doanh nghiệp, cá nhân mở trang web bán hàng, hay kiếm tiền từ các mạng xã hội mà vẫn đang lách thuế.
Trước mắt, cơ quan thuế thanh tra hàng loạt các DN cung cấp dịch vụ giao nhận hàng hóa cho các DN kinh doanh TMĐT, tập trung vào những đơn vị giao nhận được uỷ quyền thu tiền khi giao hàng (hình thức thu hộ) để tìm ra thông tin về các tổ chức, cá nhân đứng sau hoạt động kinh doanh TMĐT và doanh thu của họ.
Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng sẽ tổ chức phối hợp với ngân hàng truy ra thông tin các tài khoản, lịch sử giao dịch của các tổ chức, cá nhân thanh toán qua kênh này nhưng không đăng ký với cơ quan thuế.
Các doanh nghiệp bán hàng nhập khẩu từ nước ngoài bằng con đường chuyển phát nhanh sẽ được Cục Hải Quan sưu tra dữ liệu hàng hóa nhập khẩu, và đối chiếu doanh thu các sản phẩm với việc thực hiện khai nộp thuế.
Với những cá nhân cư trú trong nước hoạt động kinh doanh TMĐT, cơ quan thuế sẽ kiểm tra các nội dung số tại các trang Youtube. Ngoài ra sẽ tiến hành tìm ra tên tuổi, địa chỉ của các Youtuber, tìm ra người thụ hưởng, yêu cầu các ngân hàng tiến hành biện pháp xác minh tài khoản nhận tiền để có thể truy thu thuế.
Như vậy là, từ tài khoản ngân hàng, kê khai xuất nhập khẩu, thông tin cá nhân của các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên internet sẽ được cơ quan thuế "có chuyên đề" để xác minh cụ thể. Vấn đề bây giờ là giới kinh doanh internet sẽ tự giác kê khai, hay sẽ bị buộc chấp nhận số liệu ấn định từ cơ quan thuế mà thôi.
H.S
Xem thêm: Bài 1: Chuyên gia đề xuất giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu để `ghìm cương` giá thép