Ngập trong thua lỗ và nợ nần, HoSE đưa cổ phiếu Vietnam Airlines vào diện kiểm soát

12:00 | 28/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cụ thể, từ ngày 3/11 sắp tới thì cổ phiếu hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines sẽ bị chuyển sang diện hạn chế về thời gian giao dịch trong phiên chiều

Được biết, ngay từ giữa tháng 4, cổ phiếu Vietnam Airlines đã bị đưa vào diện cảnh báo. Theo thông báo của HoSE, cổ phiếu HVN sẽ bị chuyển sang diện kiểm soát. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) có kết quả kinh doanh tồi tệ. 

Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm nay của cổ đông công ty mẹ Vietnam Airlines ghi nhận ở mức âm 8.458 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6 tiếp tục ghi nhận âm 17.808 - vượt quá vốn điều lệ thực góp căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2021.

Phụ thuộc quá lớn vào việc trở khách, không có nguồn thu dự phòng trong dịch COVID đã gây ảnh hưởng nặng nề đến tình hình tài chính của HVN 

Do đó, nhà quản lý đưa ra thông báo HVN sẽ bị hạn chế thời gian giao dịch, chỉ được giao dịch trong phiên chiều. Căn cứ giải trình của công ty, HoSE sẽ thông báo việc cổ phiếu được giao dịch toàn thời gian trở lại dưới dạng chứng khoán bị kiểm soát. 

Tổ chức Deloitte Việt Nam từng nghi ngờ về  khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines khi xét tới báo cáo tài chính bán niên của doanh nghiệp này. Một phần là bởi phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ và được gia hạn các khoản vay từ ngân hàng, tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho nhà cung cấp, cho thuê, hoạt động kinh doanh cũng lệ thuộc vào diễn biến của đại dịch COVID-19. 

Tính đến hết tháng 6/2021, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 34.664 tỷ đồng. Các khoản phải trả quá hạn 14.805 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm gần 2.800 tỷ đồng.

Gần đây, vào cuối tháng 9 thì hãng bay đã phải tìm lối thoát với việc phát hành thành công gần 800 triệu cổ phiếu để bổ sung tăng vốn điều lệ gần 8.000 tỷ đồng. Đồng thời cho biết đàm phán quyết liệt với nhà cung cấp, đặc biệt là các chủ sở hữu tàu bay, các cơ sở bảo dưỡng ở nước ngoài để giảm giá, giãn hoãn thanh toán giúp hãng vượt qua giai đoạn khó khăn - văn bản giải trình với HoSE cho biết. 

Bên cạnh đó, hãng cũng bày tỏ hy vọng tình hình kinh doanh sẽ được cải thiện từ việc thị trường sẽ sớm phục hồi. Vietnam Airlines và các đơn vị khác từng bước ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh các địa phương dần kiểm soát tốt dịch bệnh, các chuyến bay nội địa bắt đầu được nối lại.

Cũng trong một diễn biến liên quan, hội nghị trực tuyến của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp ngày 26/9 vừa qua, Vietnam Airlines đã kiến nghị Chính phủ cho phép xem xét doanh nghiệp này là trường hợp đặc biệt được duy trì niêm yết cổ phiếu trên HSX trong giai đoạn ngắn có thể bị âm vốn chủ sở hữu.

Song song với đó, doanh nghiệp đề xuất các cơ quan có thẩm quyền có chủ trương xây dựng gói giải pháp hỗ trợ tiếp theo cho và đề án tái cơ cấu tổng thể Vietnam Airlines. 

Trên diễn biến thị trường cổ phiếu, trong phiên giao dịch ngày 27/10 VN-Index chứng kiến vượt mốc đỉnh lịch sử thì cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines vẫn giảm 0,58% còn 25.650 đồng. Nhờ đà tăng tích cực trong tháng 9, HVN vẫn đạt được mức tăng hơn 36% tính trong một quý giao dịch trở lại đây.

 

Trông chờ vào sự trở lại của đường bay quốc tế 

“Chúng tôi không mong gì hơn là các cơ quan quản lý nhà nước sớm thông qua lộ trình khôi phục các đường bay quốc tế. Việc mở lại thị trường hàng không quốc tế không chỉ giúp kết nối thông thương, mà còn tạo điều kiện cho các hãng bay có thêm doanh thu, phục hồi nhanh hơn” - đó là lời chia sẻ của ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sau khi Cục Hàng không Việt Nam đệ trình kế hoạch khôi phục hoạt động bay quốc tế có chở khách lên Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vào cuối tuần trước.

Việc mở lại các đường bay quốc tế, nếu không thực hiện sớm sẽ lỡ mất cơ hội cạnh tranh điểm đến. Nhiều nước xung quanh Việt Nam kiểm soát dịch tốt đã mở hẳn, thậm chí không cần tiêm 2 mũi vaccine, mà chỉ cần xét nghiệm PCR âm tính là được nhập cảnh.

Vào thời điểm cuối năm 2019, các đường bay quốc tế đã mang lại khoảng 40% doanh thu và 50% lợi nhuận cho các hãng bay Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn thu đáng kể này đã gần như bị đóng băng suốt 2 năm qua do tác động của COVID. 

Do đó, các hãng hàng nói chung và HVN nói riêng đang sốt ruột mở cửa trở lại, trước mắt là thông qua Cục Hàng không Việt Nam với lộ trình dự kiến trở lại với 4 bước.