Vietnam Airlines xin đặc cách không huỷ niêm yết nếu âm vốn chủ: Luật sư nói gì?

07:59 | 30/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Luật sư Nguyễn Huy An nói rằng, nếu đặc cách cho VNA thì có tạo tiền lệ để những những doanh nghiệp khác cũng xin cơ chế để không bị hủy niêm yết. Điều này có thực sự bình đẳng?

Âm vốn chủ 2.750 tỷ đồng vẫn xin đặc cách không hủy niêm yết

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa gửi kiến nghị tới Thủ tướng tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp ngày 26/9 cho phép xem xét doanh nghiệp này là trường hợp đặc biệt được duy trì niêm yết cổ phiếu trên Sàn giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) trong giai đoạn ngắn có thể âm vốn chủ sở hữu.

Hãng hàng không quốc gia cũng kiến nghị Chính phủ cho chủ trương xây dựng gói giải pháp hỗ trợ tiếp theo cho doanh nghiệp cùng với đề án tái cơ cấu tổng thể Vietnam Airlines. Cùng với đó, hãng kiến nghị Chính phủ cho phép sớm mở lại đường bay quốc tế đi/đến các quốc gia được coi là an toàn với COVID-19.

Ảnh minh họa. 

Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2021, tính đến ngày cuối quý 2 vừa qua, Vietnam Airlines lỗ lũy kế hơn 17.770 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ xấp xỉ 14.183 tỉ đồng. Trải qua khó khăn của đại dịch, lần đầu tiên hãng bay này bị âm vốn chủ sở hữu hơn 2.750 tỉ đồng.

Như vậy, sức khỏe tài chính của Vietnam Airlines đang gặp "nguy hiểm". Nếu đến ngày 31-12-2021 khoản lỗ lũy kế vẫn vượt quá số vốn điều lệ, thì cổ phiếu HVN sẽ rơi vào diện hủy niêm yết bắt buộc.

Lo sợ bất bình đẳng

Trao đổi với Doanh nhân Việt Nam, Luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Khoản 1, Điều 120, Nghị định 155/2020, cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc nếu "Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong ba năm liên tục; tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp; vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét".

Luật sư Huy An nói rằng, từ trước đến nay, thị trường chứng khoán chưa ghi nhận trường hợp được duy trì niêm yết cổ phiếu đối với những doanh nghiệp kinh doanh âm vốn. Nếu Vietnam Airlines được đặc cách duy trì niêm yết cổ phiếu ở HOSE bất chấp vốn chủ sở hữu âm, đây sẽ là trường hợp đầu tiên.

“Nhiều người sẽ đặt câu hỏi nếu đặc cách cho VNA thì có tạo tiền lệ để những những doanh nghiệp khác cũng xin cơ chế để không bị hủy niêm yết. Điều này có thực sự bình đẳng, có thể sẽ tạo dư luận không tốt”, Luật sư Huy An nói.

Trả lời báo chí, PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, việc Vietnam Airlines thua lỗ khủng là do các nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan. Khách quan là tác động của đại dịch Covid-19. Còn chủ quan là do năng lực quản trị hoạt động của doanh nghiệp này. Từ nhiều năm nay, trước khi dịch bệnh xảy ra, tài chính của Vietnam Airlines đã bị mất cân bằng khi nợ ngắn hạn luôn cao hơn tài sản ngắn hạn. Doanh nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào đòn bẩy tài chính, lấy nợ ngắn hạn nuôi dài hạn, đầu tư dàn trải.

Trên báo Tuổi Trẻ, còn chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng nếu Vietnam Airlines được đặc cách thì sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt nhà đầu tư trong nước và thế giới, bởi tính chuẩn mực, ổn định và tuân thủ luật lệ không được đảm bảo.

Khi đó không tránh khỏi trường hợp nhà đầu tư ỷ lại, nghĩ "đầu tư vào đây chẳng sợ gì hết, được can thiệp", ông Hiển nói và cho biết điều này không phù hợp cơ chế thị trường.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, nếu không được đặc cách, cổ phiếu của Vietnam Airlines nhiều khả năng sẽ chuyển từ sàn HoSE xuống sàn UPCoM, khi đó giá cổ phiếu nhiều khả năng sẽ biến động vì các quỹ đầu tư bán ra.

VNA “tự cứu” mình bằng cách nào?

Ngày 28/9, Vietnam Ailines phát thông cáo báo chí cho biết bổ sung thành công gần 8.000 tỉ đồng tăng vốn, Vietnam Airlines “thoát” âm vốn chủ sở hữu.

Cụ thể, đợt phát hành đã chào bán 800 triệu cổ phiếu từ ngày 5/8 đến 14/9 và kết thúc với 796,1 triệu cổ phiếu được phân phối cho 27.627 cổ đông, tương ứng 99,51% tổng số cổ phiếu chào bán với số tiền thu được là hơn 7.961 tỉ đồng.

Sau khi hoàn thành đợt phát hành cổ phiếu này, vốn điều lệ của Vietnam Airlines tăng lên 22.143 tỉ đồng, tương đương gần 1 tỉ USD.

Các cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines với tỷ lệ sở hữu tương ứng là Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (55,20%), Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (31,14%) và Tập đoàn ANA (5,62%).

"Với kết quả đợt phát hành cổ phiếu này, Vietnam Airlines đã được bổ sung đáng kể nguồn vốn và dòng tiền, các chỉ số tài chính được cải thiện đảm bảo đáp ứng các điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán HoSE.

Việc cổ phiếu niêm yết trên sàn sẽ bảo vệ giá trị vốn đầu tư của các cổ đông, tiếp tục huy động các nguồn vốn trong tương lai" - thông cáo Vietnam Airlines nêu.

Mới đây, tại toạ đàm tham vấn ý kiến các chuyên gia kinh tế ngày 27/9 của Văn phòng Quốc hội, ông Đặng Ngọc Hoà - Chủ tịch VietnamAirlines đã có phát biểu gây tranh cãi. 

Ông Hòa nói rằng, nếu các hãng hạ giá vé thấp hơn cả giá xăng dầu cho một chuyến bay sẽ ảnh hưởng tới chi phí an toàn hàng không, nguy cơ sự cố an toàn hàng không và ảnh hưởng tới quốc gia.

Vị này giải thích, hiện giá vé máy bay chỉ còn khoảng 40% so với giai đoạn 2018-2019, do tất cả các hãng đều không bay được. Việt Nam có 250 máy bay đang đậu ở tất cả các sân bay, thậm chí nhiều sân bay không còn chỗ đậu.

Giá vé máy bay trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp hiện nay đang rất thấp, các hãng vẫn phải bay vì "nếu không sân bay hết chỗ đậu, máy bay hỏng và để có ít dòng tiền trợ giúp hãng hàng không".

Chủ tịch VietnamAirlines dẫn chứng trường hợp Indonesia, việc một số hãng hàng không nước này hạ giá vé máy bay xuống thấp đã bị phía châu Âu, Mỹ cấm vận bay và sau khi có một số tai nạn, nước này phải đưa ra mức giá vé máy bay không quá thấp để đảm bảo an toàn hàng không.

 

Năm 2020, Vietnam Airlines kiến nghị gói trợ cấp trị giá 12.000 tỉ đồng, gồm việc cho vay tái cấp vốn (4.000 tỉ đồng) và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ (8.000 tỉ đồng) để tháo gỡ khó khăn vì Covid-19. Ngoài ra, trong giai đoạn trung và dài hạn, Chính phủ bảo lãnh cho Vietnam Airlines phát hành trái phiếu 10 năm, quy mô 10.000 tỉ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội bay giai đoạn 2021-2025.

Cuối tháng 11-2020, Quốc hội đồng ý "giải cứu" Vietnam Airlines với việc cho phép Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần với ngân hàng để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ.