Nghệ An: Mở đường cho hàng ngàn tấn hải sản tồn đọng do dịch COVID-19

07:12 | 22/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp, việc giãn cách để phòng chống dịch Covid-19 thực sự là cấp thiết. Thế nhưng hệ luỵ mang lại khiến hàng ngàn tấn hải sản tồn đọng trong các kho đông lạnh trên toàn tỉnh Nghệ An làm nhiều doanh nghiệp lao đao.

Tồn đọng hàng ngàn tấn hải sản

Thị xã Cửa Lò là trung tâm du lịch tỉnh Nghệ An. Tại đây, hàng năm tiêu tốn hàng ngàn tấn hải sản các loại để phục vụ du lịch. Nhiều hộ kinh doanh thu mua cá biển của ngư dân từ trước mùa du lịch đang lưu trữ tại kho đông lạnh với số lượng lên đến hàng trăm tấn. Do dịch Covid-19, khu du lịch ở đây đóng cửa nên hàng hóa nằm lại trong kho.

Thị xã biển Cửa Lò được xem là trung tâm du lịch của tỉnh Nghệ An. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 , tất cả các nhà hàng khách sạn đóng cửa nên tồn đọng hàng ngàn tấn Hải Sản

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Quyên, trú tại khối Hải Giang 2, xã Nghi Hải (TX. Cửa Lò) cho biết, gia đình chủ yếu kinh doanh tôm và mực. Từ đầu năm, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, nhà chị đã tích trữ hàng chục tấn tôm cá để phục vụ du lịch dịp lễ 30/4-1/5.

Đúng dịp cao điểm du lịch thì dịch bùng phát mạnh ở nhiều địa phương, hải sản dồn lại trong kho hàng chục tấn. Nhu cầu tiêu thụ của khách hàng trên cả nước đều chậm lại.

"Các hộ kinh doanh như gia đình tôi thật sự đang rất khó khăn. 7 công nhân của gia đình phải nghỉ việc, tôi cũng phải hỗ trợ anh em lúc khó khăn”, chị Quyên bộc bạch.

Theo chị Quyên, trong hai kho đang cấp đông của gia đình có khoảng 70 tấn chủ yếu tôm, mực, một số ít cá phục vụ hàng ngày nhu cầu của người dân.

Chị Nguyễn Thị Huyền, một hộ kinh doanh khác tại xã Nghi Hải, chia sẻ, thời điểm này dịch bệnh bùng phát, việc kinh doanh hải sản chỉ cầm cự, nguồn thu không đủ chi phí tiền điện và lương công nhân.

“Trong đợt dịch thứ 4 lần này, hàng hoá gần như đóng băng, trong đó có hàng hải sản phục vụ khách du lịch, lễ hội, khách sạn, tiệc cưới. Riêng các mặt hàng thiết yếu hàng ngày thì vẫn tiêu thụ bình thường. Có mặt hàng bảo quản được ngắn hạn như cá cháo thì chỉ cấp đông vài tháng là phải bỏ”, chị Huyền cho hay.

Gia đình chị Huyền đang lưu trữ tại kho đông lạnh khoảng 100 tấn tôm, mực, cá. Khi các hoạt động trở lại bình thường, hàng hoá sẽ tiêu thụ nhanh hơn, chỉ 1 đến 2 tháng là hết.

Hàng trăm tấn hải sản đang được chất đầy kho cần được giải cứu

Trưởng phòng Quản lý Đô thị TX. Cửa Lò Hoàng Năng Hiệp cho biết, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm của nhiều ngành nghề trên địa bàn thị xã. Địa phương đã gửi văn bản tới các huyện, thị trong toàn tỉnh Nghệ An đề nghị tạo điều kiện để các phương tiện lưu thông lương thực, thực phẩm thiết yếu đi lại thuận tiện trong thời gian giãn cách xã hội.

"Các phương tiện chỉ được xuất phát từ điểm đi và điểm đến, trong vòng một ngày. Quá trình di chuyển, cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu người và phương tiện phải tuân thủ 5K”, ông Hiệp nói.

Do tồn đọng hàng ngàn tấn hải sản trong kho nên nhiều tàu thuyền không thể ra khơi đánh bắt

Ông Hoàng Ngọc Thủy, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng TX. Hoàng Mai, thông tin, toàn thị xã có 1.000 tàu thuyền các loại đánh bắt cá trên biển. Tàu thuyền đánh bắt xa bờ bình quân mỗi tháng cập bến 1-2 lần.

Toàn thị xã Hoàng Mai hiện có 76 kho cấp động của người dân, doanh nghiệp thu mua cá từ tàu đánh bắt hải sản trên biển. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, giãn cách xã hội nên số lượng tôm, cá, mực ở còn tồn trong kho cấp đông lên tới hơn 2.000 tấn.

“Ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hàng hoá lưu thông của người dân bị chậm lại. Các quy định phân luồng xanh, luồng đỏ khiến hải sản không thể đưa đi tiêu thụ tại các tỉnh, thành trong cả nước” - ông Thủy cho hay.

Theo ông Thủy, thị trường tiêu thụ cá biển của Hoàng Mai trải dài từ Hải Phòng đến TP. HCM. Địa phương này cũng đặt một cơ sở tiếp nhận hải sản tại nước bạn Lào. Ngoài ra, các doanh nghiệp ở Trung Quốc cũng thường xuyên sang tận nơi để thu mua và đóng container chở về.

Huyện Diễn Châu có 1.283 tàu thuyền đánh bắt cá, với 125 cơ sở kho đông lạnh. Ông Lê Thế Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, cho biết, nhiều chợ phải đóng cửa, người mua hạn chế khiến mặt hàng hải sản tiêu thụ chậm và các hộ kinh doanh nhỏ gặp nhiều rất nhiều khó khăn.

Huyện có 15 xe đông lạnh chở cá đi các địa phương miền núi tiêu thụ. Tuy nhiên, xe luồng xanh chỉ được cấp phép đi đến duy nhất một điểm nên việc cung ứng hàng hoá không khó tiếp cận khách hàng, ông Hiếu chia sẻ.

Nhiều hộ kinh doanh đã nghĩ ra cách chế biến thành phẩm để bán lẻ cho khách hàng nhưng hiệu quản mang lại cũng không cao

Cũng theo ông Hiếu, toàn huyện Diễn Châu đang tồn khoảng 2.000 tấn hải sản các loại, như tôm, mực, cá thu, cá nục, cá bạc má,... cấp đông chờ tiêu thụ. Với phương châm chỉ đạo chung của tỉnh Nghệ An, huyện luôn tạo điều kiện giấy đi đường để người dân chủ động phương tiện, hàng hoá lưu thông đều có mã QR.

Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 3.438 tàu thuyền đánh cá, với 17.190 lao động sống nhờ nghề đi biển.

“Mở đường” cho hải sản đông lạnh

Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu Tăng Văn Luyện cho biết, việc tôm cá chưa tiêu thụ được đó là khó khăn dịch bệnh của tỉnh Nghệ An nói chung và huyện nói riêng.

“Trong phạm vi toàn huyện, địa phương luôn tạo điều kiện để cung ứng kịp thời cho người dân, kể cả lúc áp dụng Chỉ thị 16. Vấn đề nằm ở chỗ sức mua hạn chế nên gặp khó khăn trong tiêu thụ. Cụ thể, các khu du lịch vui chơi giải trí, khách sạn phải đóng cửa do dịch bệnh nên không còn ai mua bán. Trong khi ở trên địa bàn chỉ tiêu thụ được 1/3 sản lượng, còn lại 2/3 thì bán ra ngoài”- ông Luyện chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, sau khi nắm bắt thông tin từ việc hàng nghìn tấn tôm, cá đang ở trong kho đông lạnh của bà con buôn bán ở vùng biển. Chúng tôi đã giao Sở Công thương nắm bắt từ thông tin từ các địa phương để kết nối các doanh nghiệp tìm hướng tiêu thụ.

“Lúc khai báo xe luồng xanh thì cần phải nói rõ về hàng hoá tồn kho, điểm đi và điểm đến trong thời gian bao nhiêu. Trường hợp xe đi ngoài tỉnh trở về phải xét nghiệm, sinh hoạt riêng để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài trở vào”- ông Hoa nói.

Theo ông Hoa, tỉnh Nghệ An quyết liệt trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 nhưng cũng phải quan tâm đến các doanh nghiệp. Ngoài ra, tỉnh đã thành lập tổ công tác hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh.

“Cuối tháng này Nghệ An sẽ tổ chức cuộc họp triển khai nhằm tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp”, ông Hoa khẳng định.

Cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động liên kết tìm mối hàng và khi gặp khó khăn thì gửi thông tin đến UBND tỉnh. Hoặc thông qua các hội doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn. Hơn lúc nào hết bây giờ phải giúp doanh nghiệp vượt khó bước qua mùa dịch. Để doanh nghiệp phải phá sản thì rất nguy hiểm” – ông Hoa nhấn mạnh.

Giám đốc Sở GTVT tỉnh Nghệ An Hoàng Phú Hiền cho biết, chủ xe chỉ cần ngồi ở nhà cung cấp thông tin trực tuyến với Tổng cục đường bộ để nhận mã QR và tự in dán lên trên phương tiện.

Kiểm tra mã vạch cho các phương tiện đủ điều kiện lưu thông hàng hóa từ vùng có dịch ra ngoài.

"Tài xế khi có mã QR với đầy đủ thông tin phương tiện, xét nghiệm PCR âm tính thì được phép chở hàng hoá không cấm. Những xe này được di chuyển đến tất cả các tỉnh, thành trong cả nước trong thời gian 72 tiếng" - ông Hiền thông tin.

Với những tín hiệu vui khi mà dịch Covid-19 dần được khống chế, cùng với sự chỉ đạo của cả hệ thống chính trị tỉnh Nghệ An. Hi vọng, sắp tới hàng ngàn tấn hải sản đông lạnh sẽ được giải cứu, hàng trăm doanh nghiệp được giải phóng nguồn vốn và hoạt động bình thường trở lại.