Lặng thầm những hi sinh trong bệnh viện dã chiến số 2 Nghệ An

16:28 | 19/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong cuộc chiến chống lại sự lây lan của đại dịch COVID 19, ngoài những vất vả hi sinh của lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch. Thì ở vòng trong, những "thiên thần" không mệt mỏi của bệnh viện dã chiến số 2 vẫn ngày đêm tiếp nhận, cách ly và điều trị cho BN Covid-19.

Bệnh viện dã chiến số 2 được kích hoạt ngày 13/8/2021. Tiền thân là TTYT huyện Nghĩa Đàn. Với quy mô 150 giường bệnh, có thể tăng lên trên 200 giường bệnh khi cần thiết. Bệnh viện sẽ thực hiện thu dung, tiến hành điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở mức nhẹ và trung bình trong tỉnh và chính thức thu nhận điều trị bệnh nhân vào ngày 14/8/2021.

Bên trong bệnh viện dã chiến số 2 Nghệ An, rất ít người thấu hiểu được những khó khăn vất vả mà 82 cán bộ đang làm nhiệm vụ tại đây phải đối mặt. Họ luôn sẵn sàng cho mọi tình huống xấu nhất có thể đến với bản thân, chấp nhận khó khăn, hi sinh hạnh phúc riêng vì sức khoẻ của người bệnh. 

Lương y hơn từ mẫu

Từ ngày thành lâp đến nay, bệnh viện dã chiến số 2 đã tiếp nhận 336 bệnh nhân nhiễm covid 19 trên tuyến và các vùng phụ cận. điều trị khỏi bệnh cho 230 bệnh nhân không để lại di chứng, hiện tại phía bệnh viện đang điều trị cho 75 bệnh nhân trong đó 1 người đang phải sử dụng máy thở.

Bệnh nhân COVID 19 làm thủ tục nhập viện tại bệnh viện dã chiến Số 2.

Những cán bộ đang công tác tại đây đã không còn nghĩ đến những khó khăn, mệt nhọc và cả những mất mát đau thương. Cái mà họ đang nghĩ đến là những BN COVID-19 đang điều trị sớm được trở về với người thân và cộng đồng.


Sau mỗi kíp trực.

Có lẽ, những ngày tháng trong bệnh viện dã chiến số 2, mọi người đều không thể quên được hình ảnh quỳ gối viếng di ảnh cha của chị Lê Thị Hiền – Phó trưởng khoa Xét nghiệm và Chuẩn đoán Hình ảnh thuộc bệnh viện dã chiến số 2.

Chị Hiền có hai đứa con nhỏ thì gửi lại cho chồng và người thân chăm sóc, xung phong vào làm nhiệm vụ tại bệnh viện dã chiến số 2 để được điều trị và chăm sóc cho những bệnh nhân mắc COVID 19 từ những ngày đầu mới có chủ trương thành lập.

Vào công tác được gần 1 tháng thì bố đẻ của chị Hiền đột ngột qua đời. Cơ quan dọn dẹp cho chị một góc, kê cái bàn cũ lên, đặt cái di ảnh của cha vào. Như vậy chị cũng có cái bàn thờ dã chiến để viếng cha trong nấc nghẹn. Không người thân, chị Hiền cũng chỉ kịp đau thương một lúc rồi đứng dậy đi làm nhiệm vụ vì bệnh nhân đông, ai cũng xót thương nhưng không có thời gian để buồn” .

Chị Lê Thị Hiền chỉ kịp quỳ gối thắp vội nén nhang bên di ảnh người cha quá cố rồi nhanh chóng trở về làm nhiệm vụ...

Chị Đặng Thị Phương (công tác tại TTYT huyện Anh Sơn) được điều động qua bệnh viện dã chiến số 2 tăng cường từ những ngày đầu. Khi đi cũng chỉ kịp gửi hai đứa con nhỏ cho cho hai bên nội ngoại. Đứa nhỏ nhất chỉ mới hơn 3 tuổi, chồng chị cũng nằm trong ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID 19 của huyện Anh Sơn. Những ngày đầu qua đây, chị đã cảm nhận và thấu hiểu hơn ai hết những khó khăn vất vả đang phải đối diện phía trước.

“Ở đây không phải là vất vả mà là quá vất vả, căng thẳng  mệt mỏi nhưng luôn luôn phải tập trung cao. Hàng ngày bắt đầu công việc từ 5h sáng và thay nhau nghỉ ngơi, có hôm nhiều kíp trực phải làm xuyên đêm vì sức khỏe của bệnh nhân chẳng dám lơ là một phút giây nào bởi trong môi trường này, nếu không cận thận thì chúng ta sẽ trở thành bệnh nhân bất cứ lúc nào”. Chị Phương chia sẻ.

"Đây là lần đầu tiên em xa hai đứa nhỏ, cũng chỉ biết trông chờ vào hai bên nội ngoại chứ như chúng em đây không biết bao giờ về"...  Chị Đặng Thị Phương nói.

“Trong này vất vả lắm ạ, thương nhất là có mẹ con người ở huyện miền núi Kỳ Sơn. Cháu bé mới 9 tháng tuổi, người mẹ thì không biết tiếng phổ thông và chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc con nhỏ. Lúc vào viện, ho sốt không chịu bú mẹ, không ăn cháo,khát sữa khóc vang cả dãy. Ngay trong đêm, kíp trực liên lạc kịp thời cho tổ hậu cần ở ngoài tìm mua sữa dinh dưỡng cho em, mãi tới khi mang sữa vào cháu uống vào mới đỡ cơn khát và yên tâm chìm vào giấc ngủ”, Trần Thị Hồng Ngân (tổ hậu cần) nói nhỏ với chúng tôi.

Tổ hậu cần tận tình lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho BN COVID 19 và cán bộ y tế đang làm nhiệm vụ tại đây.
Nhiều Bệnh nhi nhiễm COVID 19 điều trị tại đây . Họ,  không chỉ làm nhiệm vụ là cán bộ Y, Bác sỹ mà còn làm nhiệm vụ như là người thân của các cháu.

"Xin cảm ơn tất cả, cảm ơn các anh chị"... Trước khi chia tay các y bác sỹ tại bệnh viện dã chiến số 2 để về với cộng đồng, chị T. và anh H. nghẹn ngào chia sẻ. 

Hai BN COVID 19 đã được điều trị gửi lời cảm ơn sâu sắc đến đội ngũ y Bác sỹ và cán bộ đang làm nhiệm vụ trong bệnh viện dã chiến số 2.

Chưa hẹn ngày về

Kể từ ngày tỉnh Nghệ An bùng phát dịch đến nay đã 6 tháng BS CKI Giám đốc bệnh viện dã chiến số 2 Đặng Ngọc Hà chưa về nhà, anh cũng chỉ tranh thủ nói chuyện với chúng tôi vài câu rồi vào chỉ đạo công tác khám chữa bệnh cho các bệnh nhân nhiễm COVID 19 đang điều trị tại đây.

Bác sỹ CK1 Đặng Xuân Hà, Giám đốc bệnh viện dã chiến số 2 kiểm tra hình ảnh chụp phổi của bệnh nhân  bệnh nhân mắc COVID 19 để  đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất. Bác Sỹ Hà đã 6 tháng chưa về nhà.

“Vất vả lắm chú ạ, tất cả có 82 cán bộ, y bác sỹ đang làm nhiệm vụ chăm sóc và điều trị cho hàng trăm bệnh nhân mắc COVID 19. Có những bệnh nhân còn không biết tiếng phổ thông. Mới đầu anh em cũng buồn và lo lắng nhưng lâu dần thành quen. Vừa chăm sóc cho bệnh nhân vừa chăm sóc cho bản thân lại có cái hay của nó. Cán bộ ở đây làm việc cật lực cả ngày đêm, nhiều người không được ngủ vì bệnh nhân có triệu chứng chuyển biến xấu bất cứ lúc nào” BS CKI Đặng Ngọc Hà Giám đốc bệnh viện dã chiến số 2 chia sẻ.

Không chỉ là Bác sỹ và bệnh nhân ..

“Ngay từ khi thành lập. Cán bộ y tế của BV đã chuẩn bị cả tâm lý lẫn kiến thức, tích cực học hỏi, tìm hiểu các biện pháp chăm sóc, điều trị BN Covid-19. Do đó, khi triển khai công việc, mỗi cán bộ, nhân viên y tế đều chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao, không bị lúng túng về chuyên môn. Toàn bộ kíp trực luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tiếp cận, chăm sóc BN, sử dụng phòng hộ đúng với yêu cầu công việc và luôn đồng sức, đồng lòng với quyết tâm cao nhất là chiến thắng dịch bệnh nhằm góp phần sớm mang lại cuộc sống bình yên cho người dân”, bác sỹ Hà cho biết thêm.

Có lẽ chỉ những bệnh nhân đã và đang điều trị tại đây mới thấu hiểu những khó khăn, vất vả mà 82 cán bộ chiến sỹ đang đối mặt  từng giờ, từng phút.

Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Dương Đình Chỉnh đã biểu dương tinh thần trách nhiệm của đội ngũ y, bác sĩ đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ; gửi lời cảm ơn lãnh đạo huyện Nghĩa Đàn đã luôn quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện ngành Y tế thực hiện tốt nhiệm vụ; bày tỏ mong muốn các y, bác sĩ nêu cao tính kỷ cương, kỷ luật, đoàn kết, chia sẻ, hoàn thành tốt nhiệm vụ điều trị bệnh nhân COVID-19, phòng, chống lây nhiễm chéo, bảo vệ tốt không để bản thân bị phơi nhiễm, và luôn là chỗ dựa vững chắc của người bệnh.

Trong cuộc chiến với đại dịch COVID 19, có lẽ trong chúng ta ít ai thấu hiểu hết những vất vả mà các mà 82 cán bộ trong bệnh viện dã chiến Số 2  phải trải qua. Họ để lại sau lưng gia đình, người thân, bạn bè xung phong lên làm nhiệm vụ. Chấp nhận những mất mát, hi sinh như trường Hợp của Chị Lê Thị Hiền. Chấp nhận lần đầu tiên trong đời xa hai đứa con nhỏ như chị Đặng Thị Phương hay gác lại tình yêu như cô gái hậu cần Trần Thị Hồng Ngân và  bỏ qua những ngày bình yên bên gia đình của vị giám đốc bệnh viện dã chiến... Tất cả những việc họ làm có lẽ chỉ đơn giản là để những bệnh nhân mắc COVID 19 sớm bước ra khỏi cánh cổng của Bệnh viện. Họa chăng, những người bước ra khỏi cánh cổng đó mới thấu hiểu được những hi sinh thầm lặng của họ trong cuộc chiến chống COVID-19. 

Chúng tôi nhận nhiệm vụ tại đây chưa biết bao giờ mới kết thúc, chỉ mong  bệnh nhân ở đây nhanh chóng khỏi  bệnh và sớm trở về với gia đình. Một Bác sỹ đang công tác tại đây chia sẻ.