Nghịch lý của nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới
Theo báo cáo của Quỹ Joseph Rowntree Foundation (JRF), số người thuộc diện thực sự nghèo tại Anh đã tăng năm thứ hai liên tiếp.
Số người thuộc diện này trong năm tính đến tháng 3/2023 tổng cộng là 12 triệu người, tăng khoảng 600.000 người so với năm trước đó. Điều đáng quan ngại là 50% con số tăng thêm này là trẻ em.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy bất bình đẳng xã hội gia tăng ở Anh đã ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em và ngày càng nhiều người buộc phải sử dụng ngân hàng thực phẩm cung cấp thức ăn miễn phí cho người nghèo.
Theo số liệu do Bộ Việc làm và Lương hưu của Anh tổng hợp, trong năm tính từ tháng 3/2022-3/2023, ước tính tại nước này có khoảng 4,33 triệu trẻ em sống trong các hộ gia đình có thu nhập thấp, tăng so với con số 4,22 triệu ghi nhận năm trước đó và cao hơn mức 4,28 triệu được ghi nhận trong năm tính đến tháng 3/2020.
Một hộ gia đình được xếp vào mức hộ tương đối nghèo ở Anh nếu có thu nhập dưới 60% thu nhập trung bình sau khi trừ chi phí nhà ở. Theo đó, tổng số người thuộc diện thu nhập tương đối thấp ở Anh trong năm tính đến tháng 3/2023 là 14,35 triệu người, giảm so với 14,40 triệu người trong năm trước đó.
Bên cạnh đó, số liệu thống kê cho thấy giá năng lượng tăng mạnh do tác động của cuộc xung đột tại Ukraine đã đẩy nhiều người Anh vào tình trạng nghèo đói.
Tuy nhiên, Chính phủ Anh cho biết những con số trên được thống kê vào giai đoạn lạm phát cao và hiện nay sức ép chi phí sinh hoạt đối với nhiều hộ gia đình đã giảm.
Trong khi đó, gần 4 triệu người lao động Anh có nguy cơ bỏ việc vĩnh viễn, khi các khoản trợ cấp tăng vọt sau đại dịch khiến những người được hưởng trợ cấp không phải tìm việc làm. Công ty phân tích dữ liệu và chính sách xã hội Policy in Practice cảnh báo rằng đã có một sự thay đổi “rõ rệt” về phúc lợi sau đại dịch: hiện 3,9 triệu người Anh đang nhận được trợ cấp thất nghiệp mà thậm chí không cần phải tìm việc làm - nhiều gấp đôi so với số lượng người nộp đơn đang cố gắng tìm việc làm.
Dựa trên phân tích dữ liệu của Bộ Lao động và Hưu trí (DWP), Policy in Practice cho biết đây là mức cao nhất kể từ ít nhất là năm 2015 và tăng từ mức hơn 3 triệu vào năm 2020.
Công ty nói thêm rằng điều này hoàn toàn trái ngược với sự sụt giảm lớn về số lượng người yêu cầu phúc lợi có lợi ích gắn liền với việc tìm kiếm việc làm. Cụ thể, số người phải đáp ứng cái gọi là “yêu cầu tìm kiếm việc làm” để nhận được phúc lợi xã hội đã giảm từ 2,5 triệu người sau đợt phong tỏa để chống dịch đầu tiên vào năm 2020 xuống còn 1,63 triệu người vào năm ngoái.
Ông Deven Ghelani, Giám đốc Policy in Practice, cho biết việc thiếu hỗ trợ cho những người đang tìm việc làm hoặc đang chờ điều trị sức khỏe, kết hợp với nỗi sợ phải đối mặt với các án phạt đã khiến nhiều người muốn tránh các phúc lợi đi kèm yêu cầu tìm việc. Thay vào đó, họ tìm kiếm những phúc lợi hào phóng hơn mà không kèm theo những điều kiện như vậy.
Policy in Practice cho biết thêm, những người đáng lẽ được điều trị bệnh tật và quay trở lại làm việc đang thấy mình bị đẩy vào tình trạng không thể tham gia hoạt động kinh tế và phải phụ thuộc vào trợ cấp khuyết tật.
Báo cáo của Policy in Practice được đưa ra khi một quan chức cấp cao của Ngân hàng trung uơng Anh (BoE) cảnh báo tình trạng gia tăng số lượng người mất việc đã trở thành một “vấn đề rất quan trọng” đối với nền kinh tế. Các quan chức cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng thất nghiệp ở Anh có thể sẽ trầm trọng hơn trong những năm tới.
Số người trưởng thành trong độ tuổi lao động không có việc làm hoặc không tìm việc làm đã tăng 700.000 người kể từ các đợt phong tỏa phòng dịch và lên mức cao nhất trong một thập kỷ là 9,3 triệu người. Số này bao gồm 2,8 triệu người không tham gia hoạt động kinh tế do ốm đau kéo dài - cũng là một con số kỷ lục khác.
Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR), cơ quan giám sát chi tiêu và thuế của Chính phủ Anh, đã mô tả đây là một xu hướng “đáng lo ngại”, cho thấy lực lượng lao động của Anh sẽ tiếp tục giảm so với tỷ lệ dân số trong vài năm tới.
Chính phủ đã công bố những cải cách sâu rộng đối với cái gọi là hệ thống đánh giá năng lực làm việc (WCA) để xác định xem người lao động có phù hợp với công việc hay không. Tuy nhiên, hầu hết những thay đổi sẽ chỉ bắt đầu được tiến hành tại Quốc hội của kỳ bầu cử tiếp theo.
Trong bối cảnh trên, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) ngày 21/3 vừa qua thông báo sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25%, mức cao nhất trong vòng 16 năm qua, khi lạm phát đã giảm song vẫn ở mức cao.
BoE cho biết cơ quan này cần duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt trong thời gian đủ dài nhằm đưa lạm phát tại Anh về mức mục tiêu 2% một cách bền vững. Lãi suất 5,25% là mức cao nhất kể từ tháng 2/2008. Quyết định này của BoE tương tự như động thái của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đưa ra một ngày trước đó.
Trước đó, Thống đốc BoE Andrew Bailey từng phát đi tín hiệu về một đợt cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay khi lạm phát giảm mạnh hơn. Trong tuyên bố cùng ngày, ông Bailey nhấn mạnh nền kinh tế Anh chưa đến ngưỡng để có thể cắt giảm lãi suất, song tình hình vẫn diễn ra theo đúng lộ trình.
BoE đưa ra quyết định trên chỉ một ngày sau khi Anh công bố thống kê chính thức cho thấy lạm phát hàng năm của nước này vào tháng 2 vừa qua đã giảm mạnh hơn so với dự báo, làm gia tăng đồn đoán về khả năng BoE hạ lãi suất cho vay vào mùa Hè này.
Thống kê cho thấy lạm phát của Anh trong tháng 2/2024 đã giảm xuống còn 3,4%. Đây là mức lạm phát thấp nhất được ghi nhận trong vòng hơn hai năm qua và giảm mạnh so với mức 4% của tháng trước đó.