Ngoài lạm phát, Fed có thể phải đối mặt với mối nguy lớn khác

Giang 09:07 | 04/06/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Lạm phát vẫn chưa quay trở về mục tiêu 2% của Fed. Tuy nhiên, trong bối cảnh có ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy nền kinh tế Mỹ đang giảm tốc, Fed có thể chịu áp lực phải giảm lãi suất.

(Hình minh họa: Shutterstock).

Xu hướng đáng lo

Nền kinh tế Mỹ đang suy yếu. Tốc độ tăng trưởng GDP chưa giảm xuống mức khiến các nhà hoạch định chính sách phải lo sốt vó, nhưng điều này có thể sớm thành hiện thực nếu xu hướng hiện tại tiếp diễn.

Tuần trước, ban đầu các nhà đầu tư đều tập trung vào báo cáo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) mà Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày 31/5.

Đây là điều hợp lý bởi PCEPI là thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các quan chức sẽ dựa vào đó để quyết định có nên cắt giảm lãi suất trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 hay không.

Song rốt cuộc, thị trường lại bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi dữ liệu hoạt động kinh tế được công bố cùng lúc, tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay.

PCEPI tháng 4 tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với dự báo của các nhà kinh tế mà Dow Jones khảo sát. PCEPI lõi -  không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng - tăng 2,8%, chỉ cao hơn chút ít so với kỳ vọng.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư lại tập trung hơn vào số liệu thu nhập và tiêu dùng cá nhân. Thu nhập cá nhân tháng 4 đi lên 0,3% so với tháng trước đó, bằng với ước tính và thấp hơn tốc độ tăng trưởng 0,5% trong tháng 3.

Chi tiêu cá nhân chỉ tăng 0,2%, kém kỳ vọng và cũng thấp hơn tốc độ 0,7% trong tháng 3. Xét về số liệu thực, chi tiêu và thu nhập khả dụng sau khi điều chỉnh cho lạm phát đều sụt 0,1%.

Có vẻ như cuối cùng lạm phát cũng đã làm nản lòng người tiêu dùng và bào mòn tiền tiết kiệm của họ. Doanh nghiệp bán các mặt hàng tiêu dùng tùy ý như Starbucks hay Kohl’s đều đã đề cập đến điều này trong báo cáo tài chính mới nhất.

Ông Scott Anderson, nhà kinh tế trưởng của BMO Capital Markets, lưu ý rằng tỷ lệ tiết kiệm 3,6% trong tháng 4 thấp hơn hẳn mức trung bình trong 12 tháng là 5,2%.

PMI thấp hơn 50 cho thấy hoạt động sản xuất đang thu hẹp.

Một loạt tín hiệu

Cũng trong ngày 31/5, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) Chicago - thước đo dùng để đo lường hoạt động kinh tế ở khu vực này - giảm từ mức 37,9 của tháng 4 xuống còn 35,4 vào tháng 5. PMI của khu vực Chicago không có ý nghĩa quá lớn đối với nền kinh tế tổng thể, nhưng số liệu này có thể rất đáng chú ý.

Lý do là PMI Chicago chưa bao giờ rơi xuống thấp đến vậy kể từ tháng 5/2020 - khi Mỹ đang phong tỏa vì đại dịch COVID-19, theo FactSet.

Một ngày trước đó, Mỹ hạ số liệu tăng trưởng GDP quý I xuống còn 1,3%, thấp hơn kết quả sơ bộ là 1,6%. Cả hai đều là tốc độ đã được chuẩn hóa theo năm.

So với lần công bố trước, Cục Phân tích Kinh tế Mỹ đã điều chỉnh giảm yếu tố tăng trưởng của tiêu dùng, một lần nữa báo hiệu rằng người tiêu dùng đang kiệt sức.

Các nhà kinh tế tại Capital Economics viết trong lưu ý gần đây rằng họ dự đoán tốc độ tăng trưởng GDP quý II sẽ chỉ đạt 1,2%, thấp hơn hẳn ước tính đưa ra vài tuần trước đó là 2,7%.

Nói tóm lại, các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế số một thế giới đang giảm tốc ngày càng trở nên rõ rệt. Điều này có thể sẽ không làm thay đổi các kế hoạch của Fed cho đến khi tác động được thể hiện qua số liệu việc làm hàng tháng.

Mỹ tạo ra 175.000 việc làm mới trong tháng 4 - con số không hề tệ dù không bằng ba tháng đầu năm. Số liệu việc làm tháng 5 sẽ được công bố vào ngày 7/6.

Tuy nhiên, các diễn biến trên thị trường lao động nổi tiếng là chỉ báo sau, có nghĩa là chúng xuất hiện muộn hơn những dấu hiệu khác khi nền kinh tế thay đổi. Trong khi đó, các tín hiệu sớm đang phát đi cảnh báo đáng ngại về nền kinh tế.