Ngược dòng chảy chung, vận tải dầu khí liên tiếp gặt hái thành công

Trang Mai 14:59 | 31/05/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sức cầu yếu do tín hiệu "kém tươi sáng" của kinh tế đã khiến giá cước vận tải hàng hoá giảm trong quý I/2023. Tuy nhiên, ngành vận tải dầu khí vẫn được hưởng lợi nhờ sự dịch chuyển trong dòng chảy năng lượng toàn cầu.

Bức tranh trái ngược của ngành vận tải biển

Tuần đầu tháng 3, chỉ số giá cước vận tải container quốc tế WCI cho container 40 feet là 1.859 USD, giảm 2% so với tuần cuối tháng 2 và giảm 80% so với cùng kỳ năm 2022. Tại thị trường trong nước, giá cước vận tải container và nhiều loại hàng hóa thông thường khác bằng đường biển cũng giảm theo xu hướng của thị trường vận tải thế giới.

Sự sụt giảm này diễn ra trong bối cảnh nút thắt của chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch Covid 19 được giải quyết, các hãng tàu đẩy mạnh đầu tư mở rộng số lượng tàu, trong khi nhu cầu vận tải sụt giảm do nhiều nền kinh tế lớn yếu đi, lãi suất và lạm phát tăng cao. 

Ngược lại, phân khúc vận tải sản phẩm dầu khí như tàu chở dầu, tàu chở khí hóa lỏng (LPG) lại duy trì được triển vọng kinh doanh khả quan nhờ giá và nhu cầu tiếp tục ở mức cao.

Nguyên nhân được đánh giá do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với ngành năng lượng của Nga đã định hình lại chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu. Sau khi áp dụng biện pháp trừng phạt với dầu thô của Nga, EU phải chuyển sang các nguồn cung dầu khác, đặc biệt là từ Mỹ và Trung Đông, trong khi dầu Nga được vận chuyển tới châu Á. Điều này khiến các tuyến đường vận tải dài hơn.

 

 

Theo Chứng khoán VNDirect, các tuyến đường vận chuyển dài hơn sẽ làm giảm khối lượng nhiên liệu có thể vận chuyển và gây ra tình trạng thiếu hụt trên thị trường tàu chở xăng dầu thành phẩm. Trong khi đó, nhu cầu tàu vận tải dầu thô tăng mạnh kể từ sau xung đột giữa Nga-Ukraine. Điều này góp phần đẩy giá cước vận tải dầu thô leo dốc từ cuối năm 2022.

Nhờ đó, các doanh nghiệp vận tải xăng dầu ghi nhận lãi tăng mạnh trong quý đầu năm.

Doanh nghiệp tận dụng cơ hội trong môi trường biến động

Điển hình như Tổng Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã: PVT), trong quý I/2023, doanh nghiệp ghi nhận lãi ròng 182 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Với việc giá cước tăng mạnh, biên lãi gộp của PVTrans cải thiện lên 16% so với mức 14% trong quý I/2022. Hiện PVTrans sở hữu 40 tàu chở dầu và nhiên liệu các loại, trong đó phần lớn đều hoạt động trên các tuyến quốc tế.

Hai công ty con của PVTrans là Vận tải Sản Phẩm Khí Quốc tế (mã: GSP) và Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương (mã: PVP) cũng ghi nhận kết quả khả quan với lãi ròng tăng trưởng tương ứng 29% và 223% trong quý I, lên 21 tỷ đồng và 47 tỷ đồng. 

Trong tập đoàn Petrolimex, 2 đơn vị là CTCP Vận tải Xăng dầu Vipco (mã: VIP) và CTCP Vận tải Xăng dầu Vitaco (mã: VTO) (quản lý đội tàu chở xăng dầu thành phẩm với tổng tải trọng trên 300.000 DWT, chủ yếu vận chuyển nhiên liệu cho công ty mẹ - PLX) đều ghi nhận con số khả quan. 

Tại VIP, doanh nghiệp này đã thoát lỗ với 27 tỷ đồng lãi sau thuế. Còn VTO thu lãi sau thuế tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ, đạt 14 tỷ đồng. 

Ngoài ra, Vận Tải Và Tiếp Vận Phương Đông Việt (mã: PDV) chứng kiến lãi ròng tăng gần 300% lên 24 tỷ đồng, dù doanh thu giảm 9%. Trong đó, biên lãi gộp tăng vọt lên 19%. Cũng lưu ý rằng mức tăng trưởng mạnh của các doanh nghiệp này còn đến từ việc so với mức nền thấp của cùng kỳ.

 

Triển vọng tươi sáng khi nắm bắt xu hướng

Về thị trường vận tải quốc tế, ban lãnh đạo PVTrans đánh giá triển vọng thị trường vận tải hàng lỏng gồm dầu thô, dầu sản phẩm trong năm nay nhìn chung vẫn tích cực nhờ nhu cầu vận chuyển tấn hải lý tăng trong bối cảnh nguồn cung tàu giới hạn. Thị trường vận tải hóa chất và LPG dự báo duy trì ổn định, trong khi đó thị trường vận tải hàng rời cũng tích cực hơn do Trung Quốc mở cửa và kinh tế ổn định. 

Đối với thị trường nội địa, nhu cầu vận tải dầu khí dự báo sẽ tăng dần trong vài năm tới nhờ việc Lọc Hóa dầu Bình Sơn và Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn hoạt động hết công suất, cùng với nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ngày càng tăng tại Việt Nam.

Tuy nhiên triển vọng tăng trưởng có thể bị ảnh hưởng do các rủi ro liên quan đến sự tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự báo và việc cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+. Đồng thời, giá cước vận tải năm 2023 dự kiến sẽ hạ nhiệt sau khi tăng cục bộ trong năm ngoái. Nhiều chuyên gia cũng nhận định, dù tình hình thị trường cước vận tải dầu trong giai đoạn từ 2023 - 2025 có thể phần nào cải thiện hơn nhưng vẫn khó có sự tăng trưởng đột biến. 

Do đó, các doanh nghiệp đã lên kế hoạch năm 2023 khá thận trọng. PVTrans đặt kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu 6.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 538 tỷ đồng, lần lượt giảm 25% và 53% so với kết quả năm 2022.

 Vận tải dầu khí đật kế hoạch thận trọng cho năm 2023 trong bối cảnh kinh tế thế giới còn sự khó lường. Nguồn:PVTrans

Tương tự, PVTrans Pacific (mã: PVP) đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay 160 tỷ đồng, giảm 26%.Xăng dầu Vipco cũng chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 là 98 tỷ đồng, giảm 68,26% so với năm trước.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra với các doanh nghiệp kinh doanh, khai thác tàu container. Theo đó, CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vosco, mã: VOS) cũng tỏ ra khá dè dặt khi đặt mục tiêu kinh doanh của năm 2023 có lợi nhuận trước thuế đạt 197,7 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 so với năm 2022 (605,6 tỷ đồng).

Việt Nam là một trong 3 nước có sản lượng hàng hóa thông qua và tuyến vận tải lớn nhất trong khu vực (cùng với Malaysia và Singapore). Năm 2022, sản lượng hàng qua cảng biển Việt Nam đạt hơn 733 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021; trong đó, sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam vận chuyển đạt 128,7 triệu tấn, giảm 13%. Tính đến tháng 12/2022, tổng số đội tàu biển Việt Nam là 1.477 tàu (giảm 17 tàu so với năm 2021), với tổng trọng tải khoảng 11,6 triệu DWT.