PVTrans (PVT): 9 tháng lãi ròng gần bằng cả năm 2021

Trang Mai 09:09 | 29/10/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mới đây, Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã: PVT), tiền thân là Công ty Vận tải Dầu khí, đơn vị thành viên của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc Gia Việt Nam) đã có báo cáo tài chính hợp nhất quý III với kết quả kinh doanh lạc quan.

Lãi ròng 9 tháng vượt 830 tỷ, tăng gần 40% so với cùng kỳ 

Trong quý III, PVT báo cáo doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 2.330 tỷ đồng, tăng 38,7% so với cùng kỳ. Trừ 1.915,6 tỷ đồng giá vốn, công ty thu về 414,7 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Biên lợi nhuận gộp đạt 17,8%, tăng so với 16,8% cùng kỳ năm trước. 

Trừ các chi phí, PVT thu về 481 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 142,9% và lãi ròng 386 tỷ đồng, tăng 152% so với quý III/2021. Theo giải trình, công ty cho biết lợi nhuận khởi sắc do tăng thu nhập từ thanh lý tài sản cố định và hiệu quả khai thác các tàu đầu tư mới. 

Luỹ kế 9 tháng, doanh nghiệp thu về 6.609 tỷ đồng doanh thu thuần. Lãi ròng đạt 831,5 tỷ đồng, tăng 38% so với 9 tháng 2021 và gần bằng mức lãi ròng thực hiện cả năm 2021 là 835 tỷ đồng.

 

Hiện PVT đang sở hữu đội tàu gồm 39 chiếc phục vụ an toàn và hiệu quả cho thị trường trong nước và quốc tế, cung cấp các dịch vụ chính: Tàu chở dầu thô, tàu chở dầu/hóa chất, tàu chở khí hóa lỏng, tàu chở hàng rời, tàu FSO/FPSO. 

PVT khai thác đội tàu vận tải dầu thô với 90 chuyến dầu thô đầu vào cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và các khách hàng khác, tổng khối lượng vận chuyển là 7 triệu tấn mỗi năm. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng lỏng lớn nhất Việt Nam với 100% thị phần vận tải dầu thô tại thị trường nội địa. 

Thông tin từ Bộ Công Thương cho hay vào đầu tháng 10, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã phối hợp rà soát và thống nhất sẽ điều chỉnh tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu vào kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/10 để bảo đảm phản ánh đúng mức chi phí phát sinh thực tế của doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tăng mức chiết khấu trong hệ thống phân phối xăng dầu và giảm thiểu mức tác động vào giá xăng dầu và việc kiểm soát lạm phát của Chính phủ. 

Tiền mặt và tiền gửi chiếm gần 50% tài sản ngắn hạn

Cũng theo báo cáo tài chính, tính đến 30/9, PVT có tổng tài sản 14.250 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm. Trong đó, tổng tiền mặt và tiền gửi các kỳ hạn của doanh nghiệp đạt tới 2.975 tỷ đồng, chiếm gần 50% tài sản ngắn hạn và 21% tổng tài sản; bao gồm: 396,5 tỷ đồng tiền mặt, 1.407 tỷ đồng tương đương tiền (tiền gửi có kỳ hạn gốc dưới 3 tháng tại các NHTM) và 1.891 tỷ đồng đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi có kỳ hạn gốc từ trên 3 tháng đến 12 tháng). 

Các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng 1.929 tỷ đồng; Hàng tồn kho còn 165 tỷ đồng; Tài sản cố định ghi nhận 7.663 tỷ đồng. Ngoài ra, PVT có 190 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, trong đó 144 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết. 

 

Đối ứng về phía nguồn vốn, tính đến 30/9/2022, PVT ghi nhận tổng nghĩa vụ nợ 6.615 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn tăng 21% lên 2.967 tỷ đồng. Nợ dài hạn cũng tăng 18% lên 3.648 tỷ đồng.

Khoản vay và nợ thuê tài chính (cả ngắn và dài hạn) tăng lên gần 3.995 tỷ đồng, chiếm hơn 60% tổng nợ và chủ yếu là vay các ngân hàng thương mại và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Vốn chủ sở hữu tính đến hết quý III là 7.635 tỷ đồng. Hệ số nợ trên vốn chủ là 0,87 lần.

Về lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền thuần từ kinh doanh tăng mạnh lên 1.113 tỷ đồng nhờ lợi nhuận trước thuế tăng lên hơn 1.035 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư hiện âm 1.341 tỷ đồng do doanh nghiệp chi hơn 1.663 tỷ đồng mua sắm, xây dựng tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác, thêm vào đó là khoản 3.061 tỷ đồng cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác. Bù lại, tiền thu hồi cho vay, bán lại công cụ nợ đạt 2.960 tỷ đồng. Dòng tiền tài chính dương 748 tỷ đồng . Kết quả, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ ghi nhận dương 521 tỷ đồng.