Người Việt chi gần 540.000 tỷ ăn ngoài và triển vọng ngành F&B năm 2024

Trang Mai 06:19 | 03/04/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đây là thông tin được đưa ra tại báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam năm 2023 của iPOS.vn. Bên cạnh những thói quen ăn uống của người tiêu dùng, thị trường F&B còn chịu ảnh hưởng từ các xu hướng ăn uống ẩm thực đường phố.

Báo cáo được công bố vào ngày 27/3, là dự án thường niên nghiên cứu chuyên sâu về thị trường F&B, do iPOS.vn phối hợp cùng CTCP Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), Hệ thống kênh thông tin và kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực F&B Việt Nam thực hiện.

Ông Vũ Thanh Hùng, Tổng Giám đốc CTCP iPOS.vn chia sẻ: “Năm 2023 được đánh giá là một năm đầy thách thức với ngành F&B Việt Nam, dưới ảnh hưởng chung của nền kinh tế vĩ mô. Tuy vậy, thị trường vẫn có những tín hiệu tích cực, cho thấy sức hấp dẫn và tiềm năng phát triển mạnh mẽ.”

Thị phần doanh thu của chuỗi dịch vụ F&B tăng trưởng nhẹ 0,2% trong năm 2023

Theo báo cáo, dịch vụ F&B gặp nhiều trở ngại trong môi trường kinh doanh năm 2023, thế nhưng vẫn tăng trưởng nhẹ 0,2% nhờ các cửa hàng tích cực mở rộng kinh doanh với các mặt bằng đắc địa, khi các đối thủ khác rời đi do không duy trì được hoạt động. Đồng thời, làn sóng nhượng quyền năm 2023 phát triển mạnh mẽ đặc biệt là ở những mô hình đồ uống đang góp phần thúc đẩy doanh thu của chuỗi dịch vụ ăn uống. 

 

Năm 2023 cũng chứng kiến một số các ông lớn rời bỏ mặt bằng có vị trí đắc địa, đơn cử như Golden Gate, Phúc Long Coffee & Tea, Highlands Coffee,… nhằm tối ưu lợi nhuận trên từng điểm bán hàng, loại bỏ các chi nhánh không hiệu quả. Ở chiều hướng ngược lại, các chuỗi F&B vừa và nhỏ lại tăng trưởng mạnh mẽ, nhờ chiến lược nhượng quyền và hợp tác kinh doanh. 

Ông Nguyễn Thái Bình, Chuyên gia vận hành F&B chia sẻ: “Năm 2023 được coi là đáy của nền kinh tế, vì vậy, mức chi tiêu ảnh hưởng là rất lớn. Sự ảnh hưởng được thể hiện rõ ràng nhất là người dân thành phố Hồ Chí Minh. Họ là những người có quỹ tiết kiệm nhỏ, mức chi tiêu cao, và chi phí sống đắt đỏ.

Theo tôi, sự sụt giảm của tiêu dùng được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu là 6 tháng đầu năm, ở mức không đáng kể do tâm lý người dân vẫn còn thoải mái. Tuy nhiên với giai đoạn 2, kể từ tháng 7 đến tháng 11, mức chi tiêu giảm đột biến. Một số thương hiệu đồ ăn và đồ uống ghi nhận doanh thu giảm tới 40%”.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường ăn ngoài và giao đồ trực tuyến

Theo số liệu từ báo cáo, trong giai đoạn 2021-2023, doanh thu thị trường ăn ngoài tại Việt Nam phục hồi nhanh chóng. Theo đó, doanh thu năm 2023 hồi phục sát mốc trước dịch COVID-19, với quy mô 538,5 nghìn tỷ đồng. 

 Nguồn: VIRAC, Euromonitor

Bên cạnh những thay đổi trong thói quen ăn uống của người tiêu dùng, thị trường F&B năm nay còn chịu ảnh hưởng lớn từ các trend (xu hướng) ẩm thực đường phố, như: Trà mãng cầu, cà phê muối, trà chanh giã tay, trà sữa đất nung,.... đóng góp một phần đáng kể vào sự gia tăng doanh thu thị trường này.

Trao đổi thêm với phóng viên, chị X. chủ cửa hàng bán trà sữa trên đường Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội cho biết: Sản phẩm chủ đạo của cửa hàng là các loại trà sữa, thế nhưng việc chạy theo xu hướng với những đồ uống như trà chanh giã tay, trà mãng cầu đã mang lại nguồn doanh thu không nhỏ, đặc biệt là khiến cửa hàng được nhiều bạn trẻ biết đến. “Có thời gian người xếp hàng đến vài trăm mét, nhân viên giã liên tục không nghỉ. Nhưng vì là đồ uống theo xu hướng nên chỉ “nóng” trong thời gian ngắn”, chị X. nói thêm. 

Bên cạnh ăn ngoài, quy mô thị trường giao đồ ăn trực tuyến đạt 52,4 nghìn tỷ đồng cho thấy thói quen đặt đồ ăn online của người Việt ngày càng phổ biến, bởi nhiều tiện ích. Đây cũng là “mảnh đất màu mỡ” mà các doanh nghiệp F&B có thể khai thác hiệu quả song song với hình thức bán hàng tại chỗ.

  Nguồn: VIRAC, Euromonitor

ShopeeFood là kênh bán hàng trực tuyến phổ biến nhất tại Việt Nam. Năm 2023 chứng kiến sự mở rộng thị trường mạnh mẽ của ShopeeFood tại các thành phố loại II, III. Với 42,94% doanh nghiệp sử dụng, ShopeeFood đang cao hơn 2,33% so với vị trí thứ hai là GrabFood.

Năm qua cũng chứng kiến khả năng mở rộng thị phần mạnh mẽ của BeFood, với hơn 10,84% doanh nghiệp đăng ký sử dụng. Ngạc nhiên hơn, BeFood mới chỉ hoạt động tại 2 đô thị đặc biệt tại Việt Nam là Hà Nội và TP HCM.

Gây nhiều tiếc nuối nhất là Baemin, với 7,52% doanh nghiệp đăng ký sử dụng. Tuyên bố rời thị trường Việt Nam từ 0h ngày 8/12/2023, Baemin đã khép lại hành trình gần 5 năm đầy thú vị. Theo khảo sát, ứng dụng này được nhiều thực khách trẻ tuổi yêu mến nhất, do có thiết kế đẹp và thông điệp truyền thông sáng tạo.

   Nguồn: VIRAC, Euromonitor

Ông Nguyễn Văn Hậu, CEO Cơm Thố Anh Nguyễn chia sẻ: “Trong năm 2023 vừa qua, nhu cầu đặt hàng trên các ứng dụng giao đồ ăn không những không giảm, mà còn tăng trưởng nhẹ. 6 tháng đầu vẫn chưa ghi nhận khó khăn về kinh tế, đồng thời các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến vẫn hào phóng dành tặng nhiều chương trình chiết khấu cho thực khách. 6  tháng cuối năm ghi n h ậ n giảm đôi chút do ngấm đòn kinh tế, đồng thời các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến ngừng “đốt tiền". Tuy vậy, nhu cầu đặt hàng chỉ giảm ở mức nhỏ”.

Năm 2024, ngành F&B dự kiến tăng 11%

Theo dự báo của Quỹ Tiền Tệ Thế Giới (IMF), Việt Nam là một trong những quốc gia có khả năng phát triển kinh tế vượt trội trong 5 năm tới. Các động lực về đầu tư, tiêu dùng, du lịch và xuất nhập khẩu được thúc đẩy mạnh mẽ là động lực để nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành F&B nói riêng thêm đà tăng trưởng.

Năm 2024, giá trị thị trường ngành F&B tại Việt Nam dự kiến tăng 10,92% so với năm 2023 và đạt mốc hơn 655.000 tỷ đồng. Sau khi hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ, ngành F&B sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2023 – 2027 đạt 10,25% và dự kiến sẽ đạt giá trị khoảng 873.000 tỷ. Dự báo từ nay đến năm 2027, cơ cấu doanh thu không có nhiều sự thay đổi khi cửa hàng F&B độc lập vẫn áp đảo với 93,9% thị phần.

 Nguồn: iPOS.vn, VIRAC

Các chuyên gia nhận định, tầng lớp trung lưu tiếp tục gia tăng cùng với nhu cầu tiêu thụ đa dạng các sản phẩm, dịch vụ là cơ hội lớn cho ngành F&B Việt Nam phát triển. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, thế hệ GenZ đang dần trở thành nhóm khách hàng chiếm lĩnh thị trường với đặc điểm “chịu chơi” và “chịu chi”.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến vai trò tương hỗ của du lịch đối với ngành F&B Việt Nam. Sự tăng trưởng ấn tượng của ngành du lịch trong năm 2023 với du lịch nội địa đạt hơn 108 triệu lượt người và 12,6 triệu lượt khách quốc tế đã gián tiếp góp phần đẩy mạnh doanh thu dịch vụ ẩm thực tại Việt Nam.

 Nguồn: iPOS.vn, VIRAC

Ông Nguyễn Thái Bình, chuyên gia vận hành F&B, cho biết: “Tôi đang nhìn thấy rất rõ sự trở lại mạnh mẽ của khách du lịch quốc tế. Năm 2023 chứng kiến 3 nhóm khách du lịch lớn nhất là Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ. Nhóm khách này đang mạnh tay chi tiêu cho các dịch vụ ẩm thực tại Việt Nam”.

Năm 2024 sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình đồ uống quy mô vừa và nhỏ. Sự tăng trưởng này sẽ theo sát xu thế tiện và lợi. Các cửa hàng này được mở ra đáp ứng với các tiêu chí: Có chi phí đầu tư vừa phải, vị trí cửa hàng thuận tiện, phù hợp với mua mang đi và giao hàng, và giá sản phẩm ở phân khúc tầm trung và bình dân.

Bên cạnh đó, xu hướng cạnh tranh giữa các nhà hàng phân khúc cao cấp để nhận giải thưởng Michelin bắt đầu bùng nổ. Nhận thức được tầm quan trọng của giải thưởng này, nhiều thương hiệu F&B đã và đang dốc sức cải thiện chất lượng món ăn, nâng cao dịch vụ và hoàn thiện trải nghiệm khách hàng để chinh phục "ngôi sao Michelin" danh giá.

Sự cạnh tranh này không chỉ mang đến lợi ích cho thực khách Việt Nam mà còn là đòn bẩy mạnh mẽ để các nhà hàng khẳng định vị thế trên bản đồ ẩm thực quốc tế.

Tiếp sau trào lưu món ăn Thái Lan và đồ chay hấp dẫn thực khách mấy năm gần đây, năm 2024 sẽ đón nhận làn sóng kinh doanh ẩm thực Trung Hoa đổ bộ thị trường Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á. Làn sóng này được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ và lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố cả về đồ ăn và đồ uống như: xúc xích Hà Khẩu, trà chanh giã tay, trà sữa nướng Vân Nam, hay Cotti Coffee – chuỗi cà phê Trung Quốc lớn thứ 4 trên thế giới.