Nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất thế giới báo lãi kỷ lục trong quý II
TSMC là nhà sản xuất chip hợp đồng cho các công ty lớn trên thế giới, từ Apple và Qualcomm đến Nvidia và Broadcom, và có một số quy trình sản xuất tiên tiến nhất trên thế giới.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2022, TSMC ghi nhận doanh thu đạt 18,16 tỷ USD, tăng 43,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi ròng 7,91 tỷ USD, tăng 76,4% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt kế hoạch đặt ra cho nửa đầu năm. Đây là con số lãi ròng kỷ lục của TSMC.
TSMC dự kiến sẽ đạt doanh thu từ 19,8 tỷ USD đến 20,6 tỷ USD trong quý III, tăng so với mức 14,8 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Hãng cũng cho biết có kế hoạch cắt giảm chi tiêu vốn cho năm 2022 xuống còn khoảng 40 tỷ USD, vì một số đợt giao thiết bị sản xuất chip của họ đã được lùi đến năm 2023.
Các kết quả và triển vọng mạnh mẽ nhưng chi tiêu thận trọng cho thấy con đường cẩn trọng các nhà sản xuất chip đang đi giữa bối cảnh lo ngại về tình trạng lạm phát tăng vọt tác động đến nhu cầu của người tiêu dùng.
Thị trường chip nói chung hiện đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đài Loan (Trung Quốc) - quê hương của TSMC - mới đây đã tuyên bố sẽ tăng giá điện thêm 15%. Trên thị trường quốc tế, hàng loạt nền kinh tế lớn đang ghi nhận lạm phát tăng kỷ lục. Dữ liệu vào hôm 13/7 cho thấy lạm phát của Mỹ đã đạt mức cao nhất trong 40 năm khi CPI đạt 9,1% vào tháng 6, làm trầm trọng thêm lo ngại về nguy cơ suy thoái.
Hàng loạt nhà sản xuất chip lớn, bao gồm Micron và Intel của Mỹ, đã cảnh báo về triển vọng kinh tế ảm đạm trong nửa cuối năm - điều có thể tác động đến nhu cầu chip. Samsung, nhà sản xuất điện thoại thông minh và TV lớn nhất thế giới, thậm chí đã yêu cầu các nhà cung cấp của mình giữ lại các lô hàng linh kiện khi họ cân nhắc lượng hàng tồn kho của mình.
Kristine Lau, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu đầu tư Third Bridge, cho biết: “Ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang chứng kiến mức tồn kho tăng lên trong bối cảnh nhu cầu cuối cùng yếu đi”. Tháng trước, nhà sản xuất chip Micron của Mỹ đã cảnh báo về nhu cầu đối với các sản phẩm tiêu dùng đang hạ dần. Bản thân TSMC cũng dự báo đang có những dấu hiệu về sự sụt giảm trong nhu cầu tiêu dùng đối với sản phẩm điện thoại thông minh và PC nhưng hoạt động kinh doanh ô tô và trung tâm dữ liệu vẫn ổn định.
Đối diện nhiều thách thức, các cổ phiếu chip đã giảm mạnh trong năm nay, trong đó cổ phiếu TSMC giảm hơn 23%.
Dù vậy nhìn chung, kết quả kinh doanh nửa đầu năm của TSMC đã xoa dịu một số lo lắng của nhà đầu tư cũng như thị trường chip. Sze Ho Ng, nhà phân tích tại China Renaissance, nới với CNBC rằng TSMC đang đi con đường riêng của mình và sẽ tiếp tục phát triển ngay cả trong bối cảnh thị trường chip nói chung đối diện thử thách.
Trước đó, giám đốc điều hành TSMC Zhejia Wei đã nói với các nhà đầu tư: "Kỳ vọng của chúng tôi là tình trạng lượng hàng tồn kho quá lớn trong chuỗi cung ứng chip bán dẫn sẽ mất vài quý để tái cân bằng ở mức lành mạnh hơn. Chúng tôi dự đoán sẽ có một vài quý điều chỉnh tồn kho vào nửa đầu năm 2023". Ông Wei cũng cho biết: “Các nhà cung cấp của chúng tôi đang phải đối mặt với những thách thức lớn hơn trong chuỗi cung ứng, khiến thời gian giao linh kiện kéo dài".
TSMC cũng đang chi lớn để mở rộng ra nước ngoài, xây dựng các nhà máy mới ở Mỹ và Nhật Bản, cũng như trong nước. Mark Li, một nhà phân tích chất bán dẫn tại Sanford C. Bernstein, cho rằng nếu tình huống xấu nhất của một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến TSMC.
"Nếu điều gì đó tồi tệ xảy ra, TSMC sẽ phải phản ứng với các biện pháp kiểm soát chi tiêu vốn và chi phí hoạt động nhanh chóng. Tuy nhiên, TSMC dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ, sẽ ổn định sau khi nền kinh tế phục hồi".