'Nhà sáng chế chân đất' và những sản phẩm xuất khẩu ra thế giới

20:29 | 07/12/2017 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Mặc dù chỉ học đến lớp 7 nhưng anh  Phạm Văn Hát (SN 1972, ngụ  thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỳ, Tứ Kỳ, Hải Dương) đã chế tạo thành công robot gieo hạt xuất khẩu đi 14 nước.

Sinh ra trong gia đình thuần nông có 8 anh chị em, vì kinh tế khó khăn nên anh Hát phải nghỉ học sớm để phụ giúp bố mẹ. Học hết lớp 7, anh được gửi đến xưởng cơ khí gần nhà vừa học vừa làm.

Sau gần hai năm làm việc, với sự cần cù chăm chỉ nên anh đã cơ bản nắm được các nguyên lý hoạt động của máy nổ và thành thạo nhiều công việc khác của ngành cơ khí.

Năm 35 tuổi, anh Hát ôm hoài bão phát triển trang trại “rau hữu cơ”, “rau an toàn” đầu tiên ở Hải Dương. Thế nhưng sau 4 năm triển khai, trang trại phá sản, ông chủ trẻ ôm khoản nợ hơn 3 tỷ đồng. 

'Nhà sáng chế chân đất' và những sản phẩm xuất khẩu ra thế giới - ảnh 1
Anh Phạm Văn Hát đã sang Israel với hy vọng tìm hiểu phương pháp trồng rau sạch. Ảnh: VnEconomy

Nhớ lại lúc trồng rau sạch có chuyên gia Israel sang tham quan, đây là quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến nên anh Hát quyết vay tiếp 200 triệu đồng nữa sang quốc gia này xuất khẩu lao động để tìm hiểu cách họ trồng rau sạch.

Thời gian đầu ở Israel, công việc chính của anh Hát là rải phân trên ruộng đất đã xử lý và đã cấy vi sinh. Dưới cái nóng 47-48 độ C của mùa hè Israel, việc rải phân một cách rất thủ công nhanh chóng làm người nông dân kiệt sức.

Không chịu nổi sự vất vả đó, anh Hát đề nghị chủ trang trại Israel cho anh được nghỉ làm việc để chế tạo máy với cam kết sẽ sản xuất được chiếc máy có khả năng thay thế cho 15 con người.

Hai ngày sau, chiếc máy được chế tạo thành công và bắt đầu áp dụng trên đồng ruộng Israel. Mặc dù đã nhìn thấy kết quả từ chiếc máy này, người chủ trang trại Israel vẫn muốn anh Hát tiếp tục cải tiến để hoàn thiện hơn khả năng làm việc của chiếc máy này. Máy rải phân đời thứ 2 và đời thứ 3 tiếp tục ra đời ngay sau đó. Anh Hát được thưởng số tiền tương ứng 200 triệu đồng và nâng lương.

Sau máy rắc phân, anh Hát còn chế tạo thêm cho ông chủ máy cắt rau, dọn cỏ và máy lên luống giúp tiết kiệm hàng trăm nhân công mỗi ngày: “Ông chủ tôi từ làm trang trại chuyển sang xưởng cơ khí, bán đại trà các máy móc do tôi sáng chế luôn”, anh kể.

Sau một năm làm thuê, anh thợ cơ khí quyết định trở về nước làm lại từ đầu. Anh quan niệm làm thuê không có chữ 'giàu', muốn giàu phải làm chủ dù thời hạn xuất khẩu lao động còn hơn 4 năm nữa. Biết ý định này, ông chủ nâng lương để giữ chân “nhà sáng chế chân đất”.

Anh Hát phải nói dối vợ ở quê mắc bệnh, muốn về thăm 1 tháng, lập tức ông chủ mua vé máy bay khứ hồi cho anh về nước. Hết thời gian không thấy người làm thuê quay lại, ông chủ ngoại quốc bay sang Việt Nam, liên hệ với công ty xuất khẩu lao động muốn gặp nói chuyện với anh Hát. Anh kể: “Lúc đó, tôi phải nhờ công ty nói giúp ông chủ thông cảm, ở bên đó hay có xung đột vũ trang nên sợ không muốn sang nữa”.

Từ sự đam mê nghề nghiệp kết hợp với những kiến thức, kinh nghiệm đã được tích lũy trong quá trình lao động tại Israel - một nước có nền nông nghiệp hiện đại, anh đã chế tạo ra bộ ép luống soi rạch trồng rau các loại và bộ ép luống chuyên dùng cho cà rốt. Đồng thời còn cải tiến một số bộ phận của máy làm đất như: Chế tạo cày 2 lưỡi thay thế cho cày 1 lưỡi, cày 4 lưỡi thay thế cho cày 3 lưỡi mà công suất không thay đổi.

Thấy rõ hiệu quả, anh Hát đã tập trung vào sản xuất rồi cung ứng ra thị trường hàng trăm sản phẩm mỗi năm và được nông dân các tỉnh tin dùng. Từ hiệu quả của cày 2 lưỡi và cày 4 lưỡi đã giúp người nông dân đỡ vất vả, đồng thời nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy quá trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Sau thời gian nỗ lực, đến cuối năm 2016 người nông dân từng thất bại đã thoát khỏi khoản nợ tiền tỷ, mua thêm được thửa đất hơn tỷ đồng mở rộng nhà xưởng.

'Nhà sáng chế chân đất' và những sản phẩm xuất khẩu ra thế giới - ảnh 2
Anh Hát bên một robot gieo hạt. Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam
 Ấn tượng nhất trong số các sáng chế của “kỹ sư chân đất” Phạm Văn Hát đó là robot gieo hạt. Trước đó trên thế giới chỉ có robot đứng một chỗ đặt hạt xuống khay để con người đem đi ươm giống. Còn robot do anh Hát chế tạo có thể di chuyển trên đồng ruộng, đặt hạt giống trực tiếp xuống luống.

Robot gieo hạt nặng chỉ 20 kg, cao khoảng 20 cm, rộng hơn 1 m2. Máy gồm bộ khung với 4 mô tơ. Quan trọng nhất là bộ phận đóng hút hơi. Thiết bị hoạt động theo nguyên tắc cơ học: Khi hút hơi, van đóng lại, đầu kim hút hạt chuyển sang máng rơi hạt. Lúc này van tự động mở, kết hợp với độ rung làm hạt rơi xuống luống.

Nhờ robot hoạt động cơ học, không có các vi mạch nên rất ít hư hỏng, dễ điều khiển: “Chỉ việc cắm điện vào là máy tự chạy. Nó được thiết kế đi trên mọi địa hình, mỗi lần gieo 40 hạt/luống, khoảng cách 3-4 cm và chỉ vài phút là xong. Máy đặt hạt vào khay chỉ thay thế khoảng 7 nhân công được bán với giá 60 triệu đồng, còn máy đặt hạt của tôi thay thế được 40 nhân công nhưng chỉ có giá 35 triệu đồng”, anh nói và cho biết máy chỉ tiêu tốn 1kw điện trong 100 giờ hoạt động.

Thông tin robot gieo hạt nhanh chóng lan truyền, hàng trăm nông dân khắp nước tìm về Hải Dương đặt hàng. Đặc biệt nhiều chủ trang trại ở nước ngoài qua mạng internet cũng tìm về Việt Nam hỏi mua. Tới nay robot gieo hạt của anh Hát đã được bán ra 14 quốc gia như Mỹ, Đức, Singapore, các nước Đông Nam Á với giá 3.500 USD/máy.