Vì sao Chaebol lâu đời nhất Hàn Quốc chọn Hải Dương để đầu tư?

Đông Bắc 13:13 | 27/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mới đây, UBND tỉnh Hải Dương đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Doosan (Hàn Quốc) về việc đầu tư mở rộng nhà máy linh kiện điện tử cho ô tô.

  

Được chaebol lâu đời nhất Hàn Quốc đầu tư 120 triệu USD

Theo thỏa thuận, Tập đoàn Doosan cam kết sẽ triển khai, thực hiện dự án đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất bảng mạch in dạng cáp dẻo (PFC) và linh kiện của hệ thống quản lý pin cho xe điện (EV) tại Hải Dương; thực hiện quyền xuất khẩu/nhập khẩu/bán buôn liên quan đến các sản phẩm nói trên theo luật và quy định hiện hành.

Trong khi đó, Hải Dương cam kết cung cấp hướng dẫn và tạo điều kiện cho Doosan hoàn thành các thủ tục đầu tư cần thiết phù hợp với quy định, pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Doosan thành lập chi nhánh Việt Nam vào năm 2020 và xây dựng nhà máy sản xuất hàng loạt PFC tại Hải Dương vào tháng 10/2022.

 

 Tập đoàn Doosan ký kết thỏa thuận hợp tác với UBND tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Doosan).

PFC được xem là vật liệu điện tử thế hệ mới thay thế dây đồng hay còn gọi là dây điện vốn rất cần thiết cho ngành công nghiệp xe điện, từ ắc quy cho đến cửa, ghế ngồi và cáp neo giằng mái.

Doosan cho biết PFC có thể giảm 80% kích thước và trọng lượng của dây đồng được sử dụng cho xe điện, điều này sẽ giúp giảm chi phí sản xuất đồng thời tăng khoảng cách lái xe.

Kế hoạch mở rộng sản xuất của Doosan tại Việt Nam được xem là một phần trong chiến lược mở rộng thị trường quốc tế của công ty. Bằng cách tận dụng tiềm năng và cơ hội phát triển tại thị trường Việt Nam, Doosan hy vọng tăng cường sức mạnh cạnh tranh của mình và đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp ô tô điện.

 

Tập đoàn Doosan được thành lập vào năm 1896. Công ty khởi đầu là Cửa hàng Park Seung Jik vào năm tại Baeogai. Sau hơn một thế kỷ, Doosan đã phát triển thành tập đoàn đa ngành và được xếp hạng là một trong 10 nhà sản xuất thiết bị hạng nặng lớn nhất thế giới.

Doosan là tập đoàn đa ngành lớn và lâu đời nhất của Hàn Quốc. Doosan có mặt trong danh sách Forbes Global từ năm 2000. Năm 2009, Doosan đứng thứ 471 trong bảng xếp hạng Fortune Global 500, cùng năm đó, Doosan xếp thứ 4 trong danh sách 40 công ty xuất sắc nhất năm của tuần báo tài chính Business Week, Mỹ.

Đặc biệt, trong chuyến thăm cấp nhà nước Việt Nam vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cũng đã khuyến khích các doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc đầu tư vào các thị trường mới nổi của Việt Nam.

Ông cho rằng Việt Nam đang nắm giữ chìa khóa để vượt qua những khó khăn trong môi trường kinh doanh, bao gồm suy thoái kinh tế toàn cầu, gián đoạn chuỗi cung ứng, khủng hoảng năng lượng và khí hậu.

Việc Tập đoàn Doosan chọn Hải Dương là địa phương để đầu tư cũng không quá bất ngờ. Hải Dương hiện có 492 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 9,2 tỷ USD. Trong đó có 134 dự án đầu tư của Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư hơn 1,4 tỷ USD, đứng thứ nhất về số dự án đầu tư (dẫn đầu cả về số dự án mới (chiếm 17,4%), số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 25,2%) và góp vốn, mua cổ phần (chiếm 28,5%)) và đứng thứ ba về tổng vốn đầu tư FDI tại Hải Dương.

Các dự án đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc chủ yếu trong lĩnh vực điện, điện tử, khuôn mẫu, dịch vụ logistics, may mặc...

Trong đó, KCN Đại An đã thu hút được 97 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD, trong đó dự án của doanh nghiệp Hàn Quốc chiếm trên 37%. Đây là KCN có số lượng doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia đầu tư nhiều nhất tỉnh.

Hải Dương đàng là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư ngoại

Tỉnh Hải Dương có vị trí địa lý quan trọng nằm ở trung tâm Ðồng bằng Bắc Bộ, thuộc vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc, trong không gian phát triển vùng Thủ đô Hà Nội. Tỉnh cách thủ đô Hà Nội 57 km về phía Đông, cách trung tâm thành phố Hải Phòng 45 km về phía Tây. Với diện tích hơn 1.670 km2, dân số hơn 2,1 triệu người, Hải Dương hội tụ nhiều yếu tố cả thiên nhiên, lịch sử, cơ sở hạ tầng và con người, thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

 Hải Dương đang nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh BHD.

 

 Theo thống kê của UBND tỉnh Hải Dương, hiện có gần 500 dự án FDI với tổng vốn trên 9,2 tỷ USD đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mức đầu tư này đưa Hải Dương xếp thứ 4 trong khu vực Đồng bằng sông Hồng và đứng 11 toàn quốc.

Trong dòng vốn FDI đổ vào tỉnh, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có tổng số dự án là 437 với tổng vốn 8.672,6 triệu USD - chiếm 94% vốn đăng ký. Lĩnh vực dịch vụ có 42 dự án với số vốn 316,2 triệu USD - chiếm 3,4% tổng vốn đăng ký. Lĩnh vực nông nghiệp có 17 dự án với số vốn 226,9 triệu USD - chiếm 2,6% tổng vốn đăng ký.

Số vốn đầu tư từ nước ngoài đa phần đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á (90%), còn lại từ các nước châu Mỹ, châu Âu. Trong đó, Hồng Kông là nhà đầu tư FDI lớn nhất trong tỉnh Hải Dương với tỷ lệ 40% tổng vốn đăng ký, theo sau đó là Nhật Bản (16,3%). Vốn FDI từ Hàn Quốc chiếm 15,4% - đứng thứ ba và Đài Loan đứng thứ tư với (7,8%).

Nhiều năm qua, vốn FDI luôn chiếm từ 35% - 40% cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh Hải Dương. Các doanh nghiệp (DN) FDI đang đóng góp trên 60% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, góp phần nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp trên địa bàn, tạo thuận lợi cho quá trình thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Trên địa bàn tỉnh Hải Dương, nhiều DN FDI đã tích cực nghiên cứu, tìm kiếm, mở rộng thị trường, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, có đóng góp lớn vào ngân sách tỉnh. Có thể kể đến một số DN điển hình như: Công ty TNHH Ford Việt Nam, Công ty TNHH Huyndai Kefico, Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam, Công ty TNHH điện Jack Hải Dương, Công ty TNHH Taishodo...

Ngoài ra, có nhiều DN FDI thường xuyên quan tâm đến việc nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động (xây dựng khu nhà ở, khu vực giao lưu văn hóa, văn nghệ, sân tập thể thao...) như: Công ty TNHH Huyndai Kefico, Công ty TNHH Brother, Công ty TNHH Shint BVT, Công ty may Tinh Lợi...

Hải Dương hiện có 12 khu công nghiệp đã hoàn thiện hạ tầng và đi vào khai thác, kinh doanh, với tổng diện tích 1.650 ha. 12 khu công nghiệp này có tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt gần 80%, thu hút được 318 dự án của các nhà đầu tư đến từ 20 quốc gia và vùng, lãnh thổ; trong đó, có 250 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 5 tỷ USD và 68 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 10.982 tỷ đồng; tạo việc làm cho gần 11 vạn lao động.

Tới đây, tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục phấn đấu thu hút thêm 400 triệu USD vốn FDI. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai lập quy hoạch thời kỳ năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó, Hải Dương cũng tập trung thực hiện quy hoạch vùng công nghiệp động lực, phát triển các khu công nghiệp chuyên biệt công nghệ cao, dịch vụ và sinh thái nhằm hình thành vùng công nghiệp trọng điểm thu hút các dự án đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.