Nhà Trắng: Vỡ nợ có thể làm mất hơn 8 triệu việc làm ở Mỹ

Lan Phương (TTXVN/Vietnam+) 10:17 | 04/05/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nếu Chính phủ Mỹ không đáp ứng được các nghĩa vụ tài chính, các sú sốc kinh tế kéo theo đó có thể làm mất đi 8 triệu việc làm vào mùa Hè năm nay và khiến GDP của nước này giảm 6%.

Người dân tham gia hội chợ việc làm tại Arlington, Virginia, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chứng khoán lao dốc, tỷ lệ thất nghiệp tăng là hai trong số hệ lụy trước tiên mà Mỹ sẽ phải gánh chịu nếu nước này vỡ nợ và kịch bản này có thể xảy ra nếu cuộc tranh cãi về ngân sách chi tiêu quốc gia giữa các nhà lập pháp đảng Dân chủ và Cộng hòa không có hồi kết.

Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng (CEA) ngày 3/5 cảnh báo nếu Chính phủ Mỹ không đáp ứng được các nghĩa vụ tài chính, các sú sốc kinh tế kéo theo đó có thể làm mất đi 8 triệu việc làm vào mùa Hè năm nay và khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này giảm 6%.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ có thể "bốc hơi" tới 45% trong quý 3.

Một số thách thức với nền kinh tế nước Mỹ trong năm 2023

Theo các nhà kinh tế, ngay cả một sự gián đoạn ngắn trong các khoản thanh toán cũng sẽ làm tăng tỷ lệ thất nghiệp khi nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Hiện Tổng thống Mỹ Joe Biden và phe Cộng hòa vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về chi tiêu quốc gia và nợ công.

Trong khi ông Biden hối thúc Quốc hội Mỹ sớm thông qua dự luật nâng mức trần nợ công để nước này tránh được nguy cơ vỡ nợ, các nghị sỹ đảng Cộng hòa kiên quyết đề xuất cắt giảm mạnh tay chi tiêu công làm điều kiện thông qua dự luật trên.

Điều đáng quan ngại hai bên không còn nhiều thời gian để đảm phán khi Bộ Tài chính Mỹ ước tính quốc gia này sẽ chạm trần nợ vào ngày 1/6, dẫn đến việc cắt giảm mạnh chi tiêu của chính phủ, bao gồm cả việc trả nợ.

Về kỹ thuật, nợ công của Mỹ đã chạm trần vào tháng 1/2023 với khoản nợ lên tới 31.400 tỷ USD.

Bộ Tài chính Mỹ tại thời điểm đó đã phải thực hiện "các biện pháp đặc biệt" nhằm đảm bảo chính quyền liên bang có thể duy trì việc chi trả các hoạt động của chính phủ.

Trong khi đó, nhận định về tình hình kinh tế Mỹ, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ Jerome Powell cho rằng kinh tế Mỹ có một cơ hội lớn hơn để tránh suy thoái khi yếu tố tiền lương đang được điều chỉnh ở mức bền vững. Tuy nhiên ông không loại trừ kịch bản kinh tế Mỹ có thể rơi vào cuộc suy thoái nhẹ.

Trên thực tế, nhiều nhà kinh tế đã cảnh báo về cuộc suy thoái sắp xảy ra. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hồi đầu tháng 4 dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng 1,6% trong năm nay, tăng so với mức dự báo 1% vào năm 2022.

Tuy nhiên, IMF không loại trừ khả năng kinh tế Mỹ không thể thực hiện một pha “hạ cánh mềm”./.