Loạt lãnh đạo cấp cao tập đoàn bất động sản Evergrande từ chức

Phương Lê (theo Bloomberg) 15:00 | 24/07/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hàng loạt lãnh đạo cấp cao của tập đoàn bất động sản Evergrande - Trung Quốc sẽ phải rời ghế trong bối cảnh công ty đang tái cấu trúc sau khi bị gắn mác vỡ nợ từ tháng 12 năm ngoái.

Hôm 22/7, Tập đoàn bất động sản Trung Quốc Evegrande thông báo Giám đốc điều hành Xia Haijun và Giám đốc Tài chính Pan Darong đã từ chức. 

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Evergrande vẫn đang trong một cuộc điều tra về việc số tiền gửi 13,4 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,99 tỷ USD) của Evergrande Property Services lại được các bên thứ ba sử dụng như tài sản đảm bảo để vay tiền tại ngân hàng. Tuy nhiên, sau đó, một số bên đã không trả được nợ ngân hàng khiến số tiền gửi bị tịch thu. Điều này buộc Evergrande Property Service đứng trước nguy cơ bị thổi bay toàn bộ số tiền mặt của mình. 

Xia Haijun và Pan Darong cùng loạt lãnh đạo cấp cao buộc phải từ chức vì liên quan đến vụ việc này. Evergrnde cho biết ủy ban điều tra độc lập sẽ công bố báo cáo ngay sau khi kết thúc quá trình điều tra. 

Năm ngoái, nhà sáng lập Evergrande, ông Hứa Gia Ân đã từ chức chủ tịch. Tập đoàn đứng giữa cơn bão chấn động của khủng hoảng nợ bủa vây ngành bất động sản Trung Quốc. Evergrande đang tái cấu trúc sau khi bị gắn mác vỡ nợ từ tháng 12 năm ngoái. 

Ông Siu Shawn, một quan chức cấp cao, sẽ ngồi vào ghế CEO thay ông Xia. Ông Siu nói với truyền thông rằng Evergrande đã đạt được thỏa thuận cơ bản với các chủ nợ chính về kế hoạch tái cấu trúc nợ. Tập đoàn từng cam kết sẽ chính thức chốt lại kế hoạch này đến cuối tháng 7. 

Nguy cơ đổ vỡ của Evergrande làm dấy lên lo ngại trong giới đầu tư rằng hệ thống tài chính của Trung Quốc sẽ bị lung lay, đồng thời, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì mảng bất động sản đóng góp 1/4 GDP của nền kinh tế thứ hai thế giới. 

Ủy ban quản trị rủi ro tại Evergrande được thành lập vào tháng 12 năm ngoái, có nhiệm vụ "chủ động làm việc quyết liệt với các chủ nợ". Ủy ban này gồm 7 thành viên là các lãnh đạo cấp cao đến từ một vài doanh nghiệp nhà nước có trụ sở tại Quảng Đông, cùng với lãnh đạo của China Cinda Asset Management (công ty quản lý nợ xấu lớn nhất Trung Quốc).