Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mỗi năm thu hơn 1000 tỷ đồng từ sách giáo khoa nhưng vẫn phải bù lỗ

09:46 | 14/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tính đến hết năm 2019, Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam là đơn vị duy nhất được quyền biên soạn và xuất bản các bộ sách giáo khoa dùng trong trường học.
Với sản lượng hơn 100 triệu đầu sách giáo khoa được bán ra mỗi năm đã mang về cho doanh thu hơn nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp này. Mặc dù vậy, NXB Giáo dục Việt Nam cho biết hiện họ vẫn đang phải bù lỗ cho mỗi cuốn sách giáo khoa bán ra.
 
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mỗi năm thu hơn 1000 tỷ đồng từ sách giáo khoa nhưng vẫn phải bù lỗ - ảnh 1

Bắt đầu từ tháng 12/2019, Cánh Diều là bộ sách giáo khoa đầu tiên tại Việt Nam sau năm 1975 có sự tham gia của tư nhân, được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép sử dụng trong nhà trường. Trước đó, đơn vị duy nhất độc quyền biên soạn và xuất bản sách giáo khoa là Công ty TNHH MTV NXB Giáo dục Việt Nam (trước đây là NXB Giáo dục).

NXB Giáo dục Việt Nam trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo được thành lập từ tháng 6/1957. Đơn vị có nhiệm vụ tổ chức biên soạn, biên tập, in, phát hành sách giáo khoa và các sản phẩm giáo dục phục vụ nghiên cứu, giảng dạy, học tập cuat các ngành học, bậc học.

Theo thông tin doanh nghiệp công bố, trong những năm gần đây NXB Giáo dục Việt Nam liên tục đạt mức doanh thu hàng nghìn tỷ đồng, phần lớn đến từ hoạt động biên soạn, kinh doanh sách giáo khoa.

Tháng 5/2003, NXB Giáo dục chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Tháng 1/2004, Công ty TNHH MTV NXB Giáo dục Việt Nam được thành lập, thuộc sở hữu Nhà nước.

Vốn điều lệ của NXB Giáo dục Việt Nam khi ấy là 559 tỷ đồng, đến ngày 6/8/2015 được điều chỉnh tăng lên 596 tỷ đồng. Vốn pháp định là 6 tỷ đồng.

Đại diện pháp luật - Chủ tịch Hội đồng thành viên là ông Nguyễn Đức Thái (sinh năm 1962) tại Hà Nội. Ông Thái hiện cũng đang nắm giữ cổ phần tại CTCP Bất động sản Thái Thịnh và CTCP Đầu tư tài chính, Thương mại dịch vụ Fico (8,82%).

Năm 2017, NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản được 107 triệu bản sách giáo khoa, đạt doanh thu 1.203 tỷ đồng. Trong đó 58,5% doanh thu tương đương khoảng 704 tỷ đồng đến từ việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa.

Cuối năm 2019, lượng sách giáo khoa sản xuất là 122 triệu bản, doanh thu đạt 1.482 tỷ đồng, trong đó phần lớn vẫn đến từ các hoạt động kinh doanh sách giáo khoa, khoảng 967 tỷ đồng.
 
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mỗi năm thu hơn 1000 tỷ đồng từ sách giáo khoa nhưng vẫn phải bù lỗ - ảnh 2
Ảnh: Kinh Tế & Tiêu dùng
 
Theo Kinh tế & Tiêu dùng đưa tin, mặc dù doanh thu tăng đều, nhưng giá vốn hàng hoá mà NXB Giáo dục Việt Nam phải chịu cũng không ngừng tăng cao. Đơn cử năm 2016 giá vốn hàng hoá đơn vị này phải chịu là 845 tỷ đồng thì đến năm 2019, con số này đã tăng gần 32% lên 1.115 tỷ đồng.

Nguyên nhân là do giá vật tư, nguyên liệu, đặc biệt là giá giấy tăng rất cao (20% - 25%), chi phí vận chuyển ở mức cao, theo đó chi phí sản xuất lớn, đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất - kinh doanh.

Do đó, lợi nhuận trước thuế của NXB Giáo dục Việt Nam trong những năm gần đây có chiều hướng suy giảm. Từ 150 tỷ đồng năm 2017 xuống còn 129 tỷ đồng lợi nhuận năm 2018 và 132 tỷ đồng năm 2019, dự kiến năm 2020 là 125 tỷ đồng.

Đơn vị cũng cho biết, dù đã điều chỉnh giá sách giáo khoa cho những năm học gần đây, bù đắp một phần chi phí nhưng "vẫn không đủ giảm hết lỗ trong xuất bản sách giáo khoa".

Năm 2018, trả lời phỏng vấn trên Người lao động, ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch NXB Giáo dục Việt Nam khi ấy cũng thừa nhận: "Mỗi năm NXB Giáo dục còn bị lỗ trên dưới 40 tỷ từ việc in và phát hành sách giáo khoa" và cho biết đơn vị phải bù đắp bằng các nguồn thu khác, như sách tham khảo, sách bổ trợ, cho thuê bất động sản…

Liên quan đến hoạt động xuất bản sách giáo khoa, từ cuối năm 2019 với sự cấp phép sử dụng bộ sách Cánh Diều - bộ sách giáo khoa đầu tiên có sự tham gia của một doanh nghiệp tư nhân (CTCP Đầu tư Xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam), đã chính thức phá vỡ thế độc quyền trong biên soạn và xuất bản sách giáo khoa.

Tuy nhiên, trong 5 bộ sách giáo khoa được lưu hành tại Việt Nam theo chương trình phổ thông mới, NXB Giáo dục Việt Nam hiện vẫn đang chiếm ưu thế với 4 bộ sách độc quyền, được nhiều tỉnh lựa chọn để giảng dạy trong năm học 2020 - 2021.
 
Hải Yến