Nhân viên y tế chống dịch hưởng lương thế nào?
Hình ảnh các bác sỹ tuyến đầu lăn xả, tận tâm cho công cuộc chống dịch COVID-19 đang là hy vọng về một ngày Việt Nam sẽ sớm chiến thắng dịch bệnh. Tuy nhiên, đằng sau đó các bác sỹ vẫn phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày cũng như khi tham gia chống dịch.
Cụ thể, theo phản ánh của báo điện tử VnExpress, một nữ nhân viên y tế 32 tuổi, làm việc tại một trạm y tế, tham gia chống dịch từ khi Covid-19 bùng phát tại Tp.HCM chia sẻ rằng chị đang "chịu nhiều áp lực trong những tháng chống dịch vừa qua của thành phố".
Chị cho biết, nhiều người tưởng dịch bùng phát, công việc nhiều, nghĩ nhân viên y tế được tăng lương, nhưng thực ra đội ngũ không làm vì lương. Bên cạnh các khoản thu nhập bị cắt, lương giảm như trên, riêng phụ cấp, nếu trước đây một tháng nhận 800.000 đồng, giờ 3 tháng mới được 800.000.
Nhiều người nếu kinh tế dư giả thì không sao, tuy nhiên đối với những ai hoàn cảnh khó khăn thì mức thu nhập trên thật khó mà đảm bảo cuộc sống.
Một lãnh đạo Trung tâm y tế quận, huyện chia sẻ với báo Thanh niên: "Một cán bộ y tế làm lâu năm thì có mức lương tương đối, cộng thêm tiền phụ cấp chống dịch thì còn đỡ, còn người mới ra trường thì lương rất thấp, nhất là các nhân viên cao đẳng, trung cấp".
“Hằng tháng ký bảng lương trong đó cộng hết các khoản của các em nhìn rất xót, chỉ 5 - 6 triệu đồng. Các tháng trước thì có làm dịch vụ có thu nhập tăng thêm...". Về khoản thu nhập 800.000 đồng, các lãnh đạo thậm chí còn phải lấy quỹ để phụ cấp cho nhân viên. Thậm chí, nếu các y, bác sỹ tham gia chống dịch chẳng may bị nhiễm bệnh còn không nhận thêm chế độ gì và cao nhất chỉ được nhận 75% lương bảo hiểm xã hội.
Khi tham gia nhân viên y tế được nhận những khoản gì?
Chế độ ở các bệnh viện cho thấy nhân viên y tế được cử tham gia chống dịch, điều trị tại các bệnh viện COVID-19 thì được hưởng toàn bộ lương cơ bản, phụ cấp như nhân viên ở bệnh viện, tùy vào điều kiện của bệnh viện.
theo công văn 6401 của Bộ Y tế ngày 7.8 hướng dẫn thực hiện chế độ chi cho cán bộ y tế, tình nguyện viên đi hỗ trợ các tỉnh chống dịch COVID-19, cán bộ y tế chống dịch còn được hưởng chế độ ở các mức sau:
- 300.000 đồng/ngày nếu đi giám sát, điều tra, xác minh dịch, trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người dương tính, nghi mắc COVID-19 tại khu vực cách ly của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; người làm công việc lấy mẫu, gộp mẫu, phân tách mẫu, người trực tiếp làm xét nghiệm COVID tại cơ sở y tế; người làm công việc vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh tại khu điều trị người bệnh F0.
- 200.000 đồng/ngày đối với người vận chuyển người bệnh, bệnh phẩm; bảo quản tử thi người bệnh; người giặt đồ vải, quần áo bác sĩ, bệnh nhân; thu gom vỏ chai, lọ, hộp hóa chất; bảo vệ khu điều trị cách ly; vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh trong khu cách ly tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Người làm nhiệm vụ giám sát dịch tễ, theo dõi y tế tại cơ sở cách ly y tế tại nhà và cơ sở cách ly y tế theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước. Người làm công việc súc rửa dụng cụ, pha chế môi trường tại cơ sở y tế để phục vụ cho phòng xét nghiệm COVID-19
- 150.000 đồng/ngày đối với người làm nhiệm vụ tại cơ sở cách ly y tế tập trung (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú). Người làm nhiệm vụ cưỡng chế cách ly y tế, truy tìm đối tượng phải áp dụng biện pháp cách ly y tế nhưng không chấp hành biện pháp cách ly y tế. Người làm nhiệm vụ phân luồng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp nhận, điều trị người mắc COVID-19…
Riêng đối với Tp.HCM, các nhân viên y tế được hưởng thêm chính sách đặc thù hỗ trợ 1 lần nhằm động viên lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch (tính từ ngày ngày 26.5.2021) như sau:
Lực lượng y tế tuyến đầu thực hiện công việc trực tiếp với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/người, gồm: các nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm, thăm khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân dương tính tại các bệnh viện điều trị COVID-19 và các cơ sở cách ly tập trung; kíp cấp cứu 115, lực lượng tham gia vận chuyển F0.
Lực lượng tuyến đầu thực hiện công việc gián tiếp với mức hỗ trợ 4,5 triệu đồng/người, gồm: những người tham gia, quản lý, điều hành, điều phối trực tiếp hoạt động phòng chống dịch; lấy mẫu xét nghiệm, tiêm ngừa vắc xin, kiểm tra y tế thường xuyên tại địa bàn dân cư, các chốt, trạm kiểm soát, khu vực phong tỏa; lực lượng tuyến đầu không thuộc chuyên môn thực tế thực hiện công việc gián tiếp tại các bệnh viện điều trị Covid-19 và các cơ sở cách ly tập trung…
Với các địa phương khác, tùy theo điều kiện sẽ áp dụng những chính sách đặc thù riêng hỗ trợ cho nhân viên y tế chống dịch.
Đủ mọi loại áp lực
Bên cạnh thiếu thốn về tiền lương, các nhân viên y tế hàng ngày phải chịu đủ loại áp lực công việc khác nhau.
Nhiều nhân viên y tế cũng gặp áp lực từ người dân. Dịch bệnh bùng phát, y tế thiếu thốn, nhiều người không hiểu và cảm thông, nhiều người nóng nảy, la hét nhân viên y tế... Có nhân viên y tế có con nhỏ, đành phải nhờ người quen trông hộ để có thời gian cống hiến cho việc chống dịch.
Theo các bác sĩ, chế độ hỗ trợ giúp nhân viên y tế đỡ vất vả phần nào, yên tâm thực hiện chống dịch. Nhưng rõ ràng công sức của các y bác sĩ không thể đong đếm bằng tiền.
Một bác sĩ giấu tên tại Bệnh viện Dã chiến số 2 Tp.HCM, chia sẻ với VnExpress: Bệnh viện hiện có 1.700 bệnh nhân, 5 bác sỹ được phân công điều trị khoảng 200-250 bệnh nhân Covid-19. Dù lượng bệnh nhân có xu hướng giảm dần nhưng nhiều bệnh nhân có bệnh nền nên diễn tiến nặng hơn. Ngoài ca trực đã được phân sẵn nhân viên y tế vẫn phải làm những công việc khác, nên gần như không được nghỉ ngơi.
Các bác sỹ cũng phải đối mặt với các nguy cơ lây nhiễm, sự bất lực khi không cứu được bệnh nhân. Lượng bệnh nhân càng nhiều, một số người trong ngành muốn bỏ cuộc tuy nhiên đó chỉ là suy nghĩ nhất thời bởi thời điểm hiện tại, các y, bác sỹ đều muốn cống hiến cho đất nước.