Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU

00:38 | 06/12/2017 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Nhằm góp phần tăng cường phát triển quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với các nước Liên minh châu Âu (EU) cũng như cập nhật thông tin về thị trường cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, sáng 5/12, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại tổ chức Hội thảo “Thị trường EU cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong bối cảnh mới”.

Theo Bộ Công Thương, từ năm 2000 đến năm 2016, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-EU tăng gần 11 lần, từ mức 4,1 tỷ đô la Mỹ lên trên 45 tỷ đô la Mỹ. EU là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.  Tính đến tháng 10 năm 2017, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu sang EU đạt gần 42 tỷ đô la Mỹ, tăng hơn 14%. EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với các mặt hàng chủ lực như may mặc, giày dép, gỗ, sản phẩm từ gỗ.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU có hiệu lực trong năm tới,  sẽ xóa bỏ 99% số dòng thuế trong vòng 7 năm với EU và đối với Việt Nam là 10 năm. Về những dòng thuế còn lại, hai bên sẽ dành cho nhau những hạn ngạch thuế quan, cắt giảm một phần hoặc thời gian xóa bỏ thuế quan dài hơn. Hiện Việt Nam có 474 mặt hàng đang áp dụng thuế xuất khẩu thì sẽ xóa bỏ 417 dòng thuế với hàng xuất khẩu sang EU trong lộ trình 15 năm…

Tại hội thảo, ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) lưu ý, EU là một trong những thị trường có nhiều quy định hàng rào phi thuế quan về chất lượng sản phẩm, tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần đáp ứng tốt các yêu cầu tiếp cận thị trường. Đặc biệt, cần chủ động nắm vững các cam kết của Việt Nam và các nước đối tác, không chỉ các lĩnh vực truyền thống; thay đổi tư duy kinh doanh; tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác nước ngoài, tham gia dây chuyền cung ứng toàn cầu; Nâng cao năng suất lao động và tay nghề lao động.

Ông Trần Ngọc Quân khẳng định trong thời tới Chính phủ Việt Nam phải phổ biến, tuyên truyền về hiệp định, đồng thời nêu lên những yêu cầu kỹ thuật đi kèm hiệp định là gì. Để được hưởng đầy đủ ưu đãi của hiệp định này phải hướng dẫn cho cộng đồng doanh nghiệp biết và những người công dân, nông dân nắm được vấn đề là phải sản xuất theo những tiêu chuẩn như thế nào. Trong từng ngành hàng cần đưa ra những bộ quy tắc sản xuất, phải có sự chuẩn hóa, tiêu chuẩn ISO của toàn bộ quá trình, quá trình từ sản phẩm đầu vào đến sản phẩm đầu ra. Có nghĩa trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm, phải lưu giữ thật tốt sản phẩm vì EU yêu cầu phải trích xuất được nguồn gốc trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm./.