Nhiều cơ hội cho nông sản Việt gia tăng thị phần tại Mỹ
Mỹ vượt qua Trung Quốc trở thành khách hàng lớn nhất của nông sản Việt Nam xuất khẩu trong hai tháng đầu năm nay. Cơ hội xuất khẩu cho nông sản Việt tới Mỹ tiếp tục gia tăng.
Mỹ trở thành khách hàng lớn nhất của nông sản Việt
Báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản hai tháng đầu năm nay của cả nước ước đạt gần 11 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 6,17 tỷ USD, tăng 16,6%; nhập khẩu ước khoảng 4,8 tỷ USD, tăng 13,6%; xuất siêu khoảng 1,37 triệu USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Mỹ trở thành khách hàng lớn nhất của nông sản Việt Nam xuất khẩu.
Đáng chú ý, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp đều tăng trưởng mạnh. Cụ thể, giá trị xuất khẩu cao su đạt khoảng 516 triệu USD (tăng 9,9%); chè đạt 29 triệu USD (tăng 11,1%); hạt điều đạt 442 triệu USD (tăng 21,5%), rau quả khoảng 610 triệu USD (tăng 14,6%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 2,44 tỷ USD (tăng 51,0%); mây, tre, cói thảm đạt 128 triệu USD (tăng 43,0%).
Không chỉ vậy, hai tháng đầu năm nay, thị trường xuất khẩu nông sản Việt cũng có sự thay đổi. Theo đó, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 2,04 tỷ USD, tăng 57,3% so với cùng kỳ và chiếm khoảng hơn 33% thị phần, Mỹ trở thành khách hàng lớn nhất của nông sản Việt Nam xuất khẩu.
Xếp thứ hai là thị trường Trung Quốc. Trong 2 tháng qua, nông sản Việt xuất khẩu sang thị trường này ước đạt 1,88 triệu USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ và chiếm 30,53% thị phần.
Xuất khẩu sang các nước ASEAN đạt 606 triệu USD, tăng 25,2%, chiếm 9,82%, là khách hàng đứng thứ ba của nông sản Việt.
Chuyển hóa thuận lợi từ FTA thành vũ khí, tạo đột phá
Đây là nội dung trả lời phỏng vấn baodautu.vn của ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT).
Theo đó, những ngày đầu năm 2021, những lô hàng gạo, tôm và nhiều mặt hàng nông sản khác nối đuôi nhau xuất ngoại với giá cao.
Bộ Công Thương Việt Nam và Chính quyền bang West Virginia, Hoa Kỳ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và năng lượng.
Với thủy sản, ngành nông nghiệp đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, đẩy mạnh chế biến và có thêm nhiều mặt hàng có giá trị gia tăng lớn. Hy vọng năm 2021, xuất khẩu thủy sản sẽ cán mốc 9 tỷ USD. Ngoài ra, cơ hội cho mặt hàng gỗ, cao su, hồ tiêu, cà phê cũng rất sáng nhờ những doanh nghiệp vừa là nhà sản xuất uy tín với các sản phẩm chế biến sâu, vừa là nhà thương mại.
“Hiện hội nhập kinh tế quốc tế trong nông nghiệp đã rất sâu rộng. Đã đến lúc, phải chuyển đổi nhận thức, hiểu từng FTA, thích ứng và chuyển hóa mọi thuận lợi thành vũ khí để vượt qua chính mình và tạo đột phá cho xuất khẩu nông sản”, ông Nguyễn Quốc Toản nói.
Ông Toản nhấn mạnh: Nông nghiệp phải hiểu ngóc ngách của từng FTA. Thậm chí, phải hiểu bạn sẽ dùng những rào cản kỹ thuật nào với mình và Việt Nam có thể dùng những rào cản nào để đem lại lợi ích cho cả 2 phía. Từ đó, tận dụng tối đa thuận lợi về hàng rào thuế quan và chuẩn bị kỹ để vượt qua các rào cản kỹ thuật.
Năm 2021, ngành nông nghiệp phải thích nghi và chủ động ứng phó với biến đổi của COVID-19 . Tuyệt đối không làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu. Mặt khác, phải thể chế hóa những kế hoạch hành động của các FTA và triển khai đến các cấp, ngành, hiệp hội.
Đặc biệt, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế. Phải coi chế biến nông sản là một mũi nhọn có tính đột phá, thực hiện thông điệp của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản tầm cỡ của khu vực.
Hiểu từng FTA, thích ứng và chuyển hóa mọi thuận lợi thành vũ khí để vượt qua chính mình và tạo đột phá cho xuất khẩu nông sản, ngày 25 tháng 02 năm 2021, Bộ Công Thương Việt Nam và Chính quyền bang West Virginia, Hoa Kỳ đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và năng lượng.
Đây tiếp tục là một cơ hội để sản phẩm nông sản Việt tiếp tục chiếm lĩnh thị trường Mỹ cả về số lượng và chất lượng.
Minh Hoa