Nhiều doanh nghiệp thép, chứng khoán, phân bón hoàn thành kế hoạch năm chỉ trong 6 tháng

13:47 | 22/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mặc dù phải chịu tác động của dịch bệnh COVID-19, nhưng nhiều doanh nghiệp trong ngành thép, chứng khoán, phân bón đã hoàn thành, thậm chí vượt xa kế hoạch năm chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021.

Ngành thép lãi lớn nhờ giá thép tăng

Nhờ giá thép tăng mạnh cộng với việc tiêu thụ thép trong nước và xuất khẩu đều thuận lợi, Công ty cổ phần Thép Nam Kim (KNG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021  với lợi nhuận và doanh thu cao đột biến.

Theo đó, trong quý II/2021, doanh thu thuần của Thép Nam Kim đạt 7.009 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm 2020. Sau khi trừ giá vốn, lợi nhuận gộp của công ty đạt hơn 1.306 tỷ đồng, gấp 12 lần quý II/2020. Biên lãi gộp tăng vọt từ mức 4,6% (quý II/2020) lên 18,6%.

Tính luỹ kế, 6 tháng đầu năm, công ty đạt 11.862 tỷ đồng doanh thu, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.342 tỷ đồng, tăng gấp 23 lần so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế bán niên đạt 1.166 tỷ đồng, gấp hơn 20 lần cùng kỳ năm ngoái.

Năm nay, Thép Nam Kim đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 600 tỷ đồng và thời điểm này đã vượt 94% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Cũng được hưởng lợi về tình hình giá thép trong đầu năm nay, một ông lớn trong ngành thép là Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) ước tính doanh  thu quý II đạt gần 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế vào khoảng 1.700 tỷ đồng. Tăng trưởng lần lượt 90% và 435% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhiều doanh nghiệp thép, chứng khoán, phân bón hoàn thành kế hoạch năm chỉ trong 6 tháng - ảnh 1

Tính lũy kế 9 tháng đầu niên độ tài chính 2020-2021 (1/10/2020-30/6/2021), doanh thu của Tập đoàn Hoa Sen đạt 32.932 tỷ đồng, lãi sau thuế 3.371 tỷ, nhảy vọt lần lượt 72% và 381%. Với kết quả này, Hoa Sen đã hoàn thành 99,8% mục tiêu doanh thu và 225% mục tiêu lợi nhuận toàn niên độ.

Đại diện Hoa Sen cho biết: Để ứng phó với COVID-19, tập đoàn đã đưa toàn thể cán bộ công nhân viên (CBCNV) vào hệ thống các nhà máy và cửa hàng trên toàn quốc thực hiện “sản xuất tại chỗ - ăn uống tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ”, thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, xét nghiệm RT-PCR mỗi tuần một lần. Bởi vậy mà, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty diễn ra liên tục, không bị gián đoạn bởi COVID-19.

Không chỉ các doanh nghiệp lớn, mà cả những doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn như Công ty cổ phần Thép Thủ Đức (TDS) cũng ghi nhận mức tăng trưởng tốt, cụ thể trong báo cáo tài chính quý II/2021 vừa được doanh nghiệp này công bố cho thấy, doanh thu quý II đạt 655 tỷ đồng, tăng 36% so với quý I/2020, lãi gộp gần 39 tỷ đồng, cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm ngoái.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, TDS đạt 1.256 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế đạt 47 tỷ đồng, lần lượt tăng 29% và gấp gần 3 lần cùng giai đoạn năm trước.

Năm 2021, TDS đặt mục tiêu đạt 20 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp đã hoàn thành vượt 194% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Nhiều công ty chứng khoán đạt lợi nhuận theo cấp số nhân

Trong nửa đầu năm 2021 sức nóng của thị trường chứng khoán Việt Nam đã thu hút lượng lớn nhà đầu tư mới đổ tiền vào thị trường. Điều này phần nào đã giúp cho hoạt động kinh doanh của nhiều công ty chứng khoán đạt kết quả ấn tượng.

Mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng việt (VDSC) đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 với doanh thu ước đạt hơn 530 tỷ đồng, tăng trưởng gấp 3 lần so với 6 tháng đầu năm 2020. Đặc biệt, lãi trước thuế ước tính đạt hơn 310 tỷ đồng, gấp 19 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận cao nhất mà VDSC đạt được kể từ khi thành lập cho đến nay. Với kết quả này công ty đã hoàn thành chỉ tiêu về doanh thu và vượt 70% chỉ tiêu về lợi nhuận của cả năm 2021.

Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (VND) cũng vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng theo cấp số nhân. Theo đó, tổng doanh thu hoạt động bán niên đạt trên 2.150 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ. Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế đạt gần 1.140 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần. Như vậy, công ty này đã hoàn thành hơn 4% chỉ tiêu về kinh doanh và vượt chỉ tiêu về lợi nhuận hơn 3%.

Giá sản phẩm lập đỉnh giúp ngành phân bón tăng trưởng tốt

Nhờ ổn định sản xuất, giá sản phẩm lập đỉnh và tiết kiệm chi phí CTCP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS) duy trì lãi tăng cao trong cả 2 quý đầu năm 2021. Trong báo cáo tài chính vừa được công ty này công bố cho thấy doanh thu quý II đạt 846 tỷ đồng tăng 33% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp đạt gần 113 tỷ đồng, tăng gần 12% so với quý II/2020.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của công ty đạt 1.376 tỷ đồng tăng 44% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế đạt gần 67 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế đạt gần 53 tỷ đồng khả quan hơn rất nhiều khoản lỗ 10,8 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020.

Năm 2021, LAS lên kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu thuần đạt 2.719 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 36 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp đã hoàn thành 59% chỉ tiêu doanh thu và vượt 86% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm.

Là 1 doanh nghiệp phân bón có sản lượng lên tới hàng nghìn tấn, doanh thu 6 tháng đầu năm của Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (đạm Cà Mau) ước đạt 4.339 tỷ đồng, cùng với các hoạt động tiết kiệm chi phí hiệu quả giúp lợi nhuận trước thuế ước đạt 411 tỷ đồng, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ. Với kết quả này, Đạm Cà Mau đã hoàn thành hơn một nửa chỉ tiêu doanh thu và vượt gần 96% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.

Theo thống kê của FiinGroup cho biết tính đến ngày 20/7/2021, đã có 213/1.759 doanh nghiệp niêm yết trên ba sàn HOSE, HNX và UPCOM (chiếm 23% vốn hóa toàn thị trường) công bố báo cáo tài chính hoặc ước tính kết quả kinh doanh cho quý II/2021. Trong đó có 11 ngân hàng (chiếm 39,3% vốn hóa ngành) và 198 doanh nghiệp (chiếm 15% vốn hóa khối Phi tài chính).

Doanh thu thuần của 198 doanh nghiệp ước tăng 35,3% so với cùng kỳ năm trước và 19,5% so với quý quý I/2021. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt là 75,3% so với cùng kỳ năm 2020 và 22,6% so với quý liền trước.

Mức tăng chung chủ yếu đến từ ngành Tiện ích, Dầu khí và Thép, phần lớn nhờ giá hàng hóa (dầu, LPG và thép) tăng mạnh. Bất động sản, Xây dựng & Vật liệu, Hóa chất, Công nghệ Thông tin là những nhóm ngành có lợi nhuận sau thuế tăng chậm lại trong quý II này.

H.A

Xem thêm: Chứng khoán Bản Việt: Nửa đầu năm doanh thu và lợi nhuận đều tăng mạnh