Nhiều dự án bất động sản của Novaland, Hưng Thịnh ở Đồng Nai được gỡ vướng

Tân Thanh 13:52 | 28/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ Xây dựng đã có kết luận chỉ đạo gỡ khó những vướng mắc đối với 7 dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

 

Bộ Xây dựng vừa thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh tại cuộc họp giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với một số dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Theo đó, tổ công tác đã chia các dự án thành từng nhóm vướng mắc khác nhau để có những chỉ đạo tháo gỡ cụ thể.

Theo thông báo từ tổ công tác, trong nhóm 7 dự án xem xét gỡ vướng có nhóm 4 dự án gồm khu dân cư Long Hưng (227 ha), khu đô thị dịch vụ thương mại cù lao Phước Hưng (286 ha), khu đô thị Đồng Nai Waterfront (170 ha) và khu đô thị Aqua City (305 ha).

Đối với nhóm 4 dự án này, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết có hai vướng mắc chính. Đầu tiên là chưa có sự đồng bộ, thống nhất giữa quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết dự án đang triển khai thực hiện với quy hoạch chung TP Biên Hòa. Bên cạnh đó, một số dự án trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng có sai lệch, chưa phù hợp với quy hoạch 1/500 được duyệt.

Vướng mắc còn lại là các đồ án quy hoạch chi tiết của các dự án chưa bố trí nhà ở xã hội theo quy định. Đồng thời, các dự án này thuộc phạm vi đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu C4, TP Biên Hòa, do UBND tỉnh Đồng Nai đang xem xét phê duyệt.

 

  Hiện trạng khu đô thị Aqua City Đồng Nai. Ảnh BĐS.

Để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, tổ công tác đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai rà soát quy hoạch chi tiết 4 dự án thuộc khu vực phân khu C4, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về quy hoạch, xây dựng và pháp luật có liên quan. Đề xuất phương án, giải pháp điều chỉnh tại đồ án quy hoạch phân khu C4 và quy hoạch chi tiết các dự án liên quan.

Theo tổ công tác, hiện quy hoạch chung TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đến năm 2045 đang điều chỉnh, do đó tổ công tác đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo rà soát, đánh giá nội dung quy hoạch chi tiết các dự án và điều chỉnh quy hoạch phân khu C4 để báo cáo Thủ tướng xem xét điều chỉnh.

Đối với dự án khu đô thị du lịch Nhơn Phước (204 ha), đến nay chủ đầu tư Hưng Thịnh đã được giao khoảng 81,7 ha theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, trong đó có khoảng 36,6 ha đất cơ sở sản xuất kinh doanh và khoảng 45 ha đất ở.

Doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính và được cấp giấy chứng nhận đối với khoảng 75 ha nhưng chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư.

Tổ công tác cho rằng thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư khu đô thị du lịch Nhơn Phước thuộc UBND tỉnh Đồng Nai và đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan của địa phương, khẩn trương thực hiện các thủ tục hành chính để triển khai dự án.

Một dự án khác cũng thuộc Tập đoàn Hưng Thịnh là dự án trung tâm thương mại, dịch vụ, cao ốc văn phòng kết hợp khu dân cư, tại phường Hố Nai, TP Biên Hòa. Hiện dự án này đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đã hoàn thành các thủ tục về quy hoạch, nghĩa vụ về tài chính, đất đai, được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng.

Tổ công tác đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan của địa phương khẩn trương rà soát các thủ tục pháp lý dự án, thực hiện các thủ tục hành chính để triển khai dự án.

Dự án cuối cùng trong nhóm 7 dự án được tháo gỡ vướng mắc tại tỉnh Đồng Nai là dự án khu đô thị sinh thái Long Tân (phường Hố Nai, TP Biên Hòa). Đây là dự án được chủ đầu tư DIC khởi công vào năm 2009.

Phó Tổng Giám đốc Hưng Thịnh: Doanh nghiệp BĐS cần được hỗ trợ chứ không phải giải cứu

Chia sẻ tại Hội thảo "Vực dậy bất động sản, thúc đẩy phục hồi kinh tế" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng ngày 27/4, ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng Giám đốc Hưng Thịnh cho rằng: “Phải để doanh nghiệp bất động sản sống. Trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp chúng tôi cần được hỗ trợ chứ không phải giải cứu”, ông Dũng nhấn mạnh.

Vị này cho rằng, hiện nay, thị trường phải giải quyết được câu chuyện niềm tin. Đây là thời kì khủng hoảng niềm tin. Các sai phạm của tổ chức kinh doanh bất động sản, các chính sách ban hành về siết tín dụng, tăng lãi suất… đã khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường, tháo chạy khỏi bất động sản.

 

 Ông Trần Quốc Dũng - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh. Ảnh BTN.

Theo ông Dũng, khủng hoảng niềm tin đã ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế và thị trường bất động sản. Cho nên, thay vì cứ vài năm lại đi vực dậy thị trường, cần để doanh nghiệp được sống rồi khoẻ mạnh và trên đà phát triển bền vững. Bởi bất động sản là lĩnh vực đóng góp 12% GDP, ảnh hưởng đến 50 ngành nghề liên quan.

Phó Chủ tịch Hưng Thịnh cho rằng, vai trò của bất động sản trong nền kinh tế là rõ ràng. Tuy nhiên, có nhiều bên không thừa nhận vai trò của bất động sản, thậm chí có cái nhìn thiếu thiện cảm với ngành nghề kinh doanh bất động sản. Họ cho rằng, bất động sản nghĩa là mua rẻ bán đắt.

“Thế nhưng, ở góc độ doanh nghiệp làm thực tế dự án tôi cho rằng, hoạch toán hoạt động kinh doanh bất động sản rất minh bạch. Giá trị đầu vào cấu thành vào giá bán rõ ràng. Thậm chí, trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp không có lợi nhuận ở dự án; ăn vào lợi nhuận trong 10 năm phát triển vừa qua”, ông Dũng nhấn mạnh.

Vị này cho hay, doanh nghiệp bán sản phẩm trên thị trường sơ cấp. Các giao dịch thứ cấp tăng giá “vô tội vạ”, đây không phải là lợi nhuận của chủ đầu tư. Thị trường ghi nhận hoạt động gom đất rồi chờ tăng giá, đẩy giá thì nhà nước phải có giải pháp và công cụ kiểm soát.

“Trong bối cảnh hiện nay, nhà nước phải kiểm soát được giá bán, tạo ra các sản phẩm vừa túi tiền. Có như thế người dân mới quyết định mua bất động sản. Doanh nghiệp cũng mong muốn có nguồn tiền để tạo tính thanh khoản cho các dự án bất động sản”, Phó giám đốc Hưng Thịnh cho hay.

Chia sẻ về giải pháp, đại diện Hưng Thịnh cho rằng, các bên phải chung tay tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, để nhà đầu tư yên tâm quay trở lại thị trường. Với doanh nghiệp phải tái cấu trúc hoạt động, giảm giá để tiệm cận với nhu cầu thực của khách hàng.

Lãnh đạo Hưng Thịnh cũng gửi lời cảm ơn đến các cơ sơ ban ngành TP HCM đã gỡ vướng cho một số dự án của doanh nghiệp thời gian gần đây. Đồng thời, mong muốn được cơ cấu, gia hạn lại các khoản nợ, để doanh nghiệp giảm áp lực vay, tái khoản vay để khách hàng tiếp cận dòng tiền.

“Tôi đề xuất nới room tín dụng để doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn dễ dàng. Đồng thời, quyết liệt giảm lãi suất để các bên tham gia và quay trở lại thị trường bất động sản”, Phó Tổng Hưng Thịnh nhấn mạnh.