Sẽ tăng cường vốn cho doanh nghiệp bất động sản?

Tân Thanh 14:32 | 27/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngân hàng Nhà nước mới đây đã ban hành hàng loạt giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn, tăng nguồn vốn cho người dân và các doanh nghiệp bất động sản có nhu cầu.

 

Phát biểu tại hội thảo "Vực dậy bất động sản, thúc đẩy hồi phục kinh tế" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 27/4, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP HCM cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành một số cơ chế chính sách, trong đó có các giải pháp hỗ trợ về nguồn vốn cho doanh nghiệp, phục hồi kinh tế.

Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, NHNN đã 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành. Việc giảm lãi suất tiền gửi sẽ có tác động đến nền kinh tế. Mới đây là chính sách cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng gặp khó khăn. Đây là chính sách rất mạnh vì chỉ áp dụng cho giai đoạn kinh tế gặp khó khăn, khủng hoảng kinh tế toàn cầu như năm 2008 và gần nhất được thực hiện khi đại dịch Covid-19.

Việc gia hạn nợ nghĩa là kéo dài thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ giúp doanh nghiệp bất động sản có thời gian trả nợ, vẫn được vay vốn như thông thường. Việc thẩm định, cơ cấu lại nợ do chính ngân hàng quyết định nên vẫn có sự thuận lợi, đi vào thực tiễn cuộc sống ngay.

 

 Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc NHNN, Chi nhánh TP HCM. Ảnh Báo TN.

Ông Nguyễn Đức Lệnh cũng cho biết rằng, NHNN - Chi nhánh TP HCM đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng và theo dõi các ngân hàng thực hiện việc cơ cấu nợ cho doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn. Đồng thời cơ quan này cũng tăng cường thanh tra, giám sát để chính sách đi vào đúng địa chỉ, đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Đặc biệt, mới đây, NHNN đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng tăng cường nguồn vốn tốt nhất cho doanh nghiệp bất động sản. Cụ thể, đối với các dự án có đầy đủ pháp lý thì đảm bảo vốn vay khi doanh nghiệp có nhu cầu. Bên cạnh đó ngân hàng cũng chủ động phân loại doanh nghiệp, dự án bất động sản theo từng phân khúc để từ đó có giải pháp cho vay.

Ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết, giải pháp đảm bảo cung ứng tốt nhất nhu cầu vốn thì sẽ có tác động tích cực đến thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, 4 ngân hàng thương mại quốc doanh cũng đang thực hiện triển khai gói cho vay 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ động của mình để cho vay. Gói tín dụng này dành cho chủ đầu tư với lãi suất 8,7%/năm và người mua nhà xã hội 8,2%/năm. Đây cũng là một lãi suất mềm cho kỳ hạn vay trung dài hạn. Nhưng nếu so với lãi suất 5% của Ngân hàng Chính sách xã hội thì vẫn cao.

 Tuy nhiên, để hỗ trợ cho người dân thì phải có giải pháp tổng thể như phải có chính sách bù lãi suất như Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay. Nhưng mấu chốt là phải có nguồn cung, phải có dự án nhà ở xã hội hay chủ đầu tư cải tạo chung cư cũ thì ngân hàng mới có thể cho vay theo gói 120.000 tỷ đồng như đã nêu.

 Ông Nguyễn Đức Lệnh chia sẻ: "Hàng loạt giải pháp đã ban hành, vấn đề hiện tại là thực hiện. Các doanh nghiệp nếu có gì khó khăn, vướng mắc thì có thể phản ánh, thông qua đường dây nóng. Có thể NHNN - Chi nhánh TP HCM có thể kết nối giữa doanh nghiệp cùng ngân hàng để cùng bàn bạc, thỏa thuận vì vay vốn là theo cơ chế thỏa thuận". 

Nên mở room tín dụng cho người tham gia thị trường bất động sản sơ cấp

Cũng tại Hội thảo, TS Huỳnh Thanh Điền - Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nhận định rằng bất động sản (BĐS) liên quan đến nhiều ngành. Trong đó, những sản phẩm BĐS là chi phí đầu vào của rất nhiều lĩnh vực nên việc phải phát triển bền vững là điều quan trọng. Tuy nhiên, thời gian trước, dòng tín dụng chạy vào BĐS quá nhiều, dẫn đến giao dịch mạnh. Người có ít tiền vay ngân hàng, chờ giá lên sẽ bán ra nên đẩy giá lên cao. Từ đó, nhiều người càng tham gia đầu cơ vào BĐS. Nhà phát triển dự án cũng vay ngân hàng, phát hành trái phiếu ồ ạt để đẩy mạnh dự án, góp phần đẩy giá lên cao khiến nguy cơ lạm phát tăng...

Đến khi Chính phủ kiềm chế lạm phát thì tất yếu dòng tín dụng bị chặn lại, thị trường BĐS "đứng hình". Doanh nghiệp cũng không dám phát triển dự án vì bán không được; dự án dở dang thì không có vốn làm khi ngân hàng giảm cho vay, phát hành trái phiếu khó khăn. Đồng thời pháp lý bị vướng từ lâu vẫn chưa được gỡ.

TS Huỳnh Thanh Điền cũng đã đưa ra một số kiến nghị, trong đó liên quan đến vốn. Ông Điền cho rằng đầu tư BĐS luôn cần vốn lớn. Nếu chỉ vay lớn từ ngân hàng là không ổn nên doanh nghiệp phải xác định kênh vốn cho BĐS là từ thị trường tài chính, gồm cổ phiếu và trái phiếu. Phát hành trái phiếu doanh nghiệp là vay trực tiếp từ nhà đầu tư, không mất phí trung gian cho ngân hàng thì cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư đều có lời.

Đặc biệt, TS Điền nhấn mạnh: Trước mắt, không thể để lĩnh vực BĐS "chết" vì hệ lụy cho cả ngân hàng, nhà đầu tư. Cần mở room tín dụng cho các dự án và nhà đầu tư sơ cấp (mua bán lần đầu). BĐS đóng góp 12% GDP thì có thể mở room tín dụng cho BĐS thấp hơn con số này. Kế tiếp, phải xem xét đánh thuế đầu cơ BĐS. Đồng thời, tập trung tập trung gỡ vướng pháp lý cho lĩnh vực BĐS. Chính phủ có thể tạm thời ban hành văn bản gỡ vướng cho một số dự án trong khi về lâu dài chờ sửa các luật liên quan.