Nhiều dự án bất động sản tại Hải Phòng bị Thanh tra Chính phủ kết luận sai phạm

Đông Bắc 15:43 | 26/12/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra về công tác quản lý, sử dụng đất đai, quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng của UBND TP Hải Phòng, giai đoạn 2011-2023. Trong đó, có nhiều thiếu sót, vi phạm liên quan quy hoạch, giao đất, cho thuê đất.


Theo Cổng TTĐT Thanh tra Chính phủ, 18 dự án tại TP Hải Phòng bị thanh tra, gồm: Hoàng Huy - Sở Dầu, Khu đô thị Hoàng Huy Green River tại huyện Thủy Nguyên, dự án tại đảo Vũ Yên, cụm công nghiệp thị trấn Yên Lãng, giai đoạn 1 công viên hai đầu cầu Bính, nhà ở xã hội số 39 Lương Khánh Thiện, xây dựng nhà máy phân bón NPK, phát triển nhà ở tại số 80 Hạ Lý, khách sạn quốc tế Đồ Sơn, phát triển khu dân cư tại thị trấn Vĩnh Bảo, xây dựng khu nhà ở tại huyện An Dương, khu công nghiệp MP Đình Vũ, đầu tư tòa nhà Matexim Hải Phòng Plaza, xây dựng làng việt kiều quốc tế tại quận Lê Chân, xây dựng khu nhà ở thương mại tại 85 đường vòng Cầu Niệm, xây dựng khu nhà ở tại quận Hải An, khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng khu dịch vụ cuối tuyến Đình Vũ giai đoạn 1.

  Dự án Hoàng Huy - Sở Dầu bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra sai phạm. Ảnh BHP.

Một số dự án, chủ đầu tư thi công khi chưa có giấy phép xây dựng

Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hạn chế, thiếu sót, vi phạm của các dự án chủ yếu liên quan công tác quy hoạch, lựa chọn chủ đầu tư, giao đất, cho thuê đất, xác định tiền sử dụng đất. Tại một số dự án, chủ đầu tư thi công khi chưa có giấy phép xây dựng hoặc xây dựng không đúng quy hoạch chi tiết được phê duyệt.

Cụ thể, Thanh tra Chính phủ cho rằng, dự án đầu tư xây dựng nhà máy phân bón NPK (ở xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên) do Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp GFS Việt Nam làm chủ đầu tư, được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Mục tiêu của dự án nhằm đáp ứng nhu cầu phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp với công suất 360.000 tấn/năm, tiến độ thực hiện phân làm 2 giai đoạn.

Ngày 4/10/2016, UBND TP Hải Phòng quyết định cho phép Công ty cổ phần GFS Việt Nam thuê đất để xây dựng nhà máy. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ký hợp đồng thuê đất cho doanh nghiệp, hình thức thuê trả tiền hàng năm.

Dự án sau đó được UBND huyện Thủy Nguyên phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Quy hoạch này phù hợp với điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố đến năm 2025, tầm nhìn 2050…

Đến thời điểm thanh tra, Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp Việt Nam GFS, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về tiền thuê đất đến hết năm 2023. Tuy nhiên, qua kiểm tra, TTCP thấy còn một số hạn chế, thiếu sót như các công trình xây dựng dự án đều không có giấy phép.

Theo cơ quan thanh tra, dự án còn chậm tiến độ, không đạt mục tiêu, hiện đã tạm dừng hoạt động; báo cáo ngày 6/3/2024 thể hiện công ty mới đầu tư dây chuyển, chạy thử với tổng chi phí hơn 14 tỷ đồng (đạt 3,55% tổng mức đầu tư); từ năm 2017 đến nay, dự án dừng hoạt động, không triển khai tiếp (chậm 7 năm theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp.

Ngày 14/12/2016, Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng xử phạt hành chính số tiền 7,5 triệu đồng chủ đầu tư vì không lưu trữ đầy đủ hồ sơ chất lượng công trình xây dựng dự án. Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng trong tháng 11/2023 cũng kiểm tra và xử phạt Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp GFS Việt Nam 85 triệu đồng, do chưa thực hiện đúng tiến độ.

Trái lại, từ 2016 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất của Công ty GFS Việt Nam nên không có kiến nghị UBND Thành phố có biện pháp xử lý theo quy định Luật Đất đai.

Tương tự, Thanh tra Chính Phủ cũng nêu sai phạm tại những dự án khác như dự án Làng Việt kiều Quốc tế (của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Việt Anh) được chấp thuận chủ trương đầu tư không thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Đến thời điểm thanh tra, dự án cơ bản hoàn thành, chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất với Nhà nước, bán chuyển nhượng nhà, đất cho hộ gia đình, cá nhân...

Để đảm bảo ổn định cho người mua tránh phát sinh khiếu kiện, TTCP cho rằng, UBND TP Hải Phòng căn cứ vào các quy định pháp luật rà soát lại thủ tục pháp lý dự án… nếu phát hiện vi phạm hình sự thì chuyển sang cơ quan điều tra xử lý.

Kết luận thanh tra cũng chỉ ra 2 dự án gồm Hoàng Huy - Sở Dầu và khu đô thị mới Hoàng Huy Green Rive của Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ tài chính Hoàng Huy có hạn chế, thiếu sót, thực hiện không đúng quy định.

Dự án Hoàng Huy - Sở Dầu được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (BT), cải tạo lại chung cư cũ xuống cấp trên địa bàn TP Hải Phòng, xây dựng chung cư HH3, HH4 (phường Đổng Quốc Bình, quận Ngô Quyền). Công ty Hoàng Huy là đơn vị trúng thầu dự án này.

Quy mô dự án gồm 16 căn liền kề, cao 5 tầng và 1 nhà cao 37 tầng với 821 căn hộ, diện tích sử dụng đất hơn 10.000m², tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án từ quý IV/2019 đến quý IV/2024.

Ngày 10/6/2021, Công ty Hoàng Huy ký hợp đồng chuyển nhượng dự án đầu tư cho Công ty cổ phần xây dựng Đại Thịnh Vượng. Ba tháng sau, UBND TP Hải Phòng ban hành quyết định chấp thuận điều chỉnh nhà đầu tư thực hiện dự án Hoàng Huy - Sở Dầu.

Qua kiểm tra, Thanh tra Chính phủ phát hiện quá trình thực hiện dự án trên có một số hạn chế, thiếu sót. Cụ thể, UBND TP Hải Phòng phê duyệt điều chỉnh cục bộ lô đất CCQ-1 trong quy hoạch chi tiết 1/2.000 Q.Hồng Bàng "có một phần đất ở thấp tầng là không hoàn toàn phù hợp với quy hoạch chi tiết 1448 (quy hoạch là đất công cộng - trung tâm hỗn hợp cao tầng)".

Việc trên, theo cơ quan thanh tra là chưa đảm bảo thực hiện đúng quy định tại Luật Quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, đến năm 2023 dự án được cập nhật vào quy hoạch chi tiết 323.

Dự án khu đô thị mới Hoàng Huy Green River (tại xã Hoa Động, huyện Thủy Nguyên) là dự án đối ứng của dự án BT xây dựng lại chung cư cũ xuống cấp - công trình Goldenland 5, xây dựng chung cư HH1, HH2 mà Công ty Hoàng Huy trúng thầu.

Tháng 8/2023, UBND TP Hải Phòng có quyết định phê duyệt giá đất cụ thể tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trả tiền hằng năm cho dự án trên cơ sở chứng thư định giá đất của Công ty TNHH Tư vấn và thẩm định giá Phú Khang.

Tuy nhiên theo cơ quan thanh tra, chứng thư tính thời gian đầu tư xây dựng của dự án là 2 năm, không thống nhất với thời gian đầu tư xây dựng theo chủ trương đầu tư được phê duyệt trên 4 năm.

"Từ đó dẫn đến việc xác định chi phí đầu tư xây dựng trong chi phí phát triển của dự án khi quy đổi về giá trị hiện tại làm cơ sở xác định giá đất của dự án có sự thay đổi", kết luận nêu.

Đáng chú ý, theo kết luận đến thời điểm thanh tra, dự án chưa được cấp giấy phép xây dựng đối với các hạng mục, công trình phải có giấy phép xây dựng nhưng chủ đầu tư đã triển khai thi công san nền và thi công phần móng một số trục đường giao thông. Việc này bị Thanh tra Chính phủ kết luận là không đúng quy định tại Luật Xây dựng...

 Dự án khu đô thị mới Hoàng Huy Green River (tại xã Hoa Động, huyện Thủy Nguyên) thi công chưa có giấy phép. Ảnh HH. 

 Yêu cầu làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức vi phạm

Liên quan việc giao đất, cho thuê đất, Thanh tra Chính phủ cho hay, Hải Phòng cần rà soát, điều chỉnh ranh giới thực hiện dự án, diện tích đất giao cho chủ đầu tư, đảm bảo không chồng lấn phạm vi quy hoạch đường Vành đai 3 thành phố và đường sắt đô thị đối với một dự án khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái; xác định rõ vị trí, diện tích đất của từng mục đích sử dụng đất đối với Dự án Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền.

Kiểm tra thủ tục pháp lý về đất đai, đầu tư, liên doanh liên kết, nghĩa vụ tài chính về đất đối với Dự án đầu tư xây dựng Tòa nhà Matexim Hải Phòng Plaza.

UBND TP Hải Phòng cũng cần chỉ đạo kiểm tra, xác định lại và thu bổ sung ngân sách nhà nước tiền sử dụng đất, thuê đất với các Dự án: Hoàng Huy - Sở Dầu; Xây dựng khu nhà ở tại xã Lê Thiện; Làng Việt Kiều Quốc tế; Khu nhà ở thương mại tại 85 đường vòng Cầu Niệm; Khu nhà ở tại phường Nam Hải; Khu đô thị mới Hoàng Huy Green River; Khu dân cư tại thị trấn Vĩnh Bảo.

Đốn đốc chủ đầu tư Dự án Cụm công nghiệp thị trấn Tiên Lãng; Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất giầy dép tại Lô CN5 (thuộc Cụm công nghiệp thị trấn Tiên Lãng) nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa còn nợ ngân sách; khẩn trương chỉ đạo xác minh, thu tiền thuê đất từ khi giao đất đến khi UBND Thành phố thu hồi đất do nhà đầu tư tự nguyện trả lại đối với Dự án nhà máy chế biến rau củ quả tại Lô CN4 (thuộc Cụm công nghiệp thị trấn Tiên Lãng), do Công ty TNHH Haphofood làm chủ đầu tư.

Khẩn trương xác định tiền thuê đất từ tháng 7/2015-12/2017, nghĩa vụ tài chính đối với diện tích 246,79 ha thuê đất trả tiền hàng năm do điều chỉnh quy hoạch đối với một dự án khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái; Dự án Công viên hai đầu cầu Bính (giai đoạn 1) phía nam Sông Cấm.

Đối với các dự án đầu tư chậm tiến độ, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Hải Phòng xử lý dứt điểm việc tồn tại một số hộ dân chưa di chuyển tại Dự án đầu tư xây dựng Tòa nhà Matexim Hải Phòng Plaza của Công ty cổ phần Matexim Hải Phòng - Animex.

Một số dự án như: ĐTXD hạ tầng Khu dịch vụ cuối tuyến Đình Vũ giai đoạn I; Khách sạn Quốc tế Đồ Sơn, cần đánh giá nguyên nhân và có biện pháp xử lý việc chậm tiến độ, yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương phối hợp thực hiện thủ tục điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, quy mô đầu tư của dự án cho đúng luật.

Về quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, Thanh tra Chính phủ kết luận Dự án Khu dân cư tại thị trấn Vĩnh Bảo; Cụm công nghiệp thị trấn Tiên Lãng; Chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp MP Đình Vũ, đều có vướng mắc hoặc xây dựng một số hạng mục chưa phù hợp…

Theo Thanh tra Chính phủ, để xảy ra hạn chế, thiếu sót tại các dự án nêu trên có trách nhiệm của Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng phụ trách lĩnh vực và lãnh đạo các Sở, ngành, cục thuế, lãnh đạo quận, huyện thời kỳ có liên quan.

Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND TP Hải Phòng nhanh chóng khắc phục, tăng cường quản lý vi phạm đất đai; đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức, xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý.