Nhiều ngân hàng đã chốt thời điểm tăng vốn

13:14 | 03/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các kế hoạch phát hành tăng vốn nhiều nghìn tỷ đồng của khối ngân hàng đang dần rõ ràng hơn.

Chia cổ tức bằng cổ phiếu và gọi vốn mới

Hội đồng quản trị TPBank vừa thông qua Nghị quyết về việc triển khai phương án tăng vốn điều lệ dưới hình thức chào bán riêng lẻ. Phương án này đã được đại hội cổ đông thường niên 2021 của Ngân hàng thông qua.

Theo đó, TPBank sẽ chào bán 100 triệu cổ phần (tương đương 1.000 tỷ đồng) để tăng vốn từ hơn 10.716 tỷ đồng lên trên 11.716 tỷ đồng. Kế hoạch này sẽ được Ngân hàng triển khai trong 2021 sau khi được cơ quan quản lý chấp thuận. Số cổ phần này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Trong thông báo mới nhất, MBBank đã chốt 12/7 là ngày giao dịch không hưởng quyền để chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 35% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận thêm 35% cổ phiếu mới).

Nhiều ngân hàng đã chốt thời điểm tăng vốn - ảnh 1

Theo tính toán, chỉ riêng tháng 7 này, sẽ có hơn 2,2 tỷ cổ phiếu ngân hàng niêm yết mới trên thị trường, tương đương khoảng 22.000 tỷ đồng bổ sung vào vốn điều lệ các ngân hàng.

Theo đó, ngân hàng này sẽ phát hành hơn 979,5 triệu cổ phiếu mới để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận sau thuế giữ lại đến năm 2020. Ước tính, sau chia, vốn điều lệ của MBBank sẽ tăng thêm gần 10.000 tỷ, lên mức 37.800 tỷ đồng.

Đây là phương án tăng vốn lãnh đạo ngân hàng đã trình cổ đông và được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021.

Ngoài ra, MBBank cũng có kế hoạch tăng vốn thêm 2 lần nữa trong năm nay, bao gồm phát hành 70 triệu cổ phiếu mới cho nhà đầu tư chiến lược là nhóm cổ đông Viettel hoặc các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đáp ứng tiêu chí của ngân hàng. Bên cạnh đó, MBBank sẽ phát hành 19,2 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên.

Nếu thực hiện đủ 3 lần tăng vốn kể trên, vốn điều lệ đến cuối năm 2021 của MBBank có thể đạt 38.675 tỷ đồng.

MBBank không phải ngân hàng duy nhất chốt ngày tăng vốn trong đợt này, trước đó, VietinBank cũng đã chốt ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức là 8/7.

Theo đó, nhà băng này sẽ phát hành gần 1,1 tỷ cổ phiếu mới để trả cổ tức cho cổ đông tỷ lệ 29%, qua đó nâng vốn điều lệ từ 37.234 tỷ lên gần 48.058 tỷ đồng. Dự kiến, sau khi tăng vốn, VietinBank có thể đáp ứng toàn bộ tiêu chuẩn của Basel II theo Thông tư 41/NHNN.

Thậm chí, HĐQT VietinBank còn có kế hoạch nâng vốn điều lệ lên hơn 54.000 tỷ đồng vào cuối năm nay, thông qua chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu tỷ lệ 12,6%.

Ngoài ra, năm nay, ngân hàng dự kiến thu về 16.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng mẹ và cũng sẽ dùng toàn bộ số lợi nhuận này để chia cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu.

Chưa chốt ngày chia cổ tức tăng vốn, nhưng cuối tháng 6 vừa qua, một loạt ngân hàng như LienVietPostBank, TPBank, SeABank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ thông qua chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu riêng lẻ.

Trong đó, LienVietPostBank dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 12% bằng cổ phiếu, tăng thêm gần 1.300 tỷ đồng vốn điều lệ.

Với SeABank, nhà băng này được chấp thuận tăng thêm gần 2.700 tỷ đồng vốn điều lệ thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông. Trong khi đó, vốn tăng thêm của TPBank cũng là hơn 1.000 tỷ thông qua chào bán cổ phiếu riêng lẻ.

Ngoài nhóm ngân hàng kể trên, hơn 10 ngân hàng khác cũng đã có kế hoạch tăng vốn trong năm nay.

Theo tính toán, chỉ riêng tháng 7 này, sẽ có hơn 2,2 tỷ cổ phiếu ngân hàng niêm yết mới trên thị trường, tương đương khoảng 22.000 tỷ đồng bổ sung vào vốn điều lệ các ngân hàng.

Trong tháng 6 trước đó, cũng đã có hơn 1 tỷ cổ phiếu ngân hàng được phát hành theo hình thức chia cổ tức và cổ phiếu thưởng, tương đương hơn 10.000 tỷ bổ sung vốn điều lệ.

Thậm chí, lãnh đạo VPBank từng cho biết không có kế hoạch tăng vốn năm nay nhưng mới đây cũng đã phải xin ý kiến cổ đông để chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ.

Lãnh đạo nhà băng này ước tính, nếu hoàn thành hết kế hoạch kinh doanh năm nay, VPBank có thể tăng vốn điều lệ lên tối thiểu 75.000 tỷ đồng, tức gấp 3 lần mức vốn hiện tại.

Nhiều ngân hàng đã chốt thời điểm tăng vốn - ảnh 2

Trong bối cảnh quy mô tín dụng ngày càng mở rộng, các tiêu chuẩn an toàn vốn tăng lên, việc tăng vốn là yếu tố quyết định đến các chỉ số tăng trưởng của ngành ngân hàng.

Thực tế, trong một thập niên trở lại đây, trong khi tăng trưởng tín dụng bình quân toàn hệ thống ngân hàng đạt khoảng 14%/năm, thì tốc độ tăng vốn của các ngân hàng mới đạt 9%/năm.

Trong bối cảnh quy mô tín dụng ngày càng mở rộng, các tiêu chuẩn an toàn vốn tăng lên, việc tăng vốn là yếu tố quyết định đến các chỉ số tăng trưởng của ngành ngân hàng.

Cần bộ đệm vốn lớn hơn

Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp ngân hàng củng cố thêm hệ số an toàn vốn (CAR), nâng cao năng lực doanh nghiệp và tăng khả năng đề kháng trước những khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt khi TPBank đã hoàn thiện và áp dụng cả 3 trụ cột theo chuẩn Basel II.

Nguồn vốn bổ sung cũng sẽ giúp nhà băng có nền tảng để đạt mục tiêu 5.800 tỷ đồng lợi nhuận năm nay, cao hơn 32% so với năm 2020.

Ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MBBank cũng cho biết việc tăng vốn năm nay sẽ giúp ngân hàng tăng được hệ số CAR. Trên cơ sở đó, ngân hàng có thể phát triển hoạt động tín dụng cao hơn cũng như góp phần đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo tiêu chuẩn Basel II và hướng tới các tiêu chuẩn cao hơn.

Trong khi đó, lãnh đạo VietinBank nhấn mạnh vốn điều lệ là cơ sở để xác định giới hạn đầu tư tài sản cố định, đầu tư góp vón, giới hạn cấp tín dụng… Do đó, việc tăng vốn điều lệ là điều kiện tiên quyết để mở rộng hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, việc tăng vốn cũng là yêu cầu cần thiết đối với ngân hàng nhằm đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo chuẩn Basel II quy định tại Thông tư 41. Đồng thời, nâng cao mức độ tín nhiệm của ngân hàng theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế.

Còn theo tiến sĩ Cấn Văn Lực, hệ thống ngân hàng trong nước luôn khát vốn chủ sở hữu. Ông lực cho biết kể cả năm nay và một số năm tới, áp lực tăng vốn luôn luôn hiện hữu với các ngân hàng. Tuy vậy, nhờ sự phát triển của thị trường chứng khoán mà các ngân hàng đã có thể tăng vốn một cách thuận lợi hơn.

Nhiều ngân hàng đã chốt thời điểm tăng vốn - ảnh 3

Sau những đợt tăng vốn này, tốc độ tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng đã vượt tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu

Theo báo cáo về hoạt động tăng vốn ngành ngân hàng của Trung tâm phân tích Công ty Chứng khoán SSI - SSI Research, nhiều ngân hàng tư nhân (Techcombank, VPBank, TPBank…) đã có những đợt tăng vốn đáng kể để cải thiện các chỉ tiêu an toàn vốn giai đoạn 2017-2018, trong khi các ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV) tăng vốn trong năm 2019.

Sau những đợt tăng vốn này, tốc độ tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng đã vượt tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu. Đồng thời, toàn hệ thống bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn an toàn vốn nghiêm ngặt hơn theo Basel II từ năm 2019.

Do đó, các ngân hàng cần bộ đệm vốn lớn hơn để duy trì đà tăng trưởng hiện tại, trong khi vẫn đáp ứng biên độ an toàn vốn lớn hơn trong giai đoạn đại dịch

Hiện có khoảng 16 ngân hàng đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ năm nay, trong đó số vốn tăng thêm vào khoảng 82.700 tỷ đồng.

Các chuyên gia cho rằng việc tăng vốn các ngân hàng đều hướng tới cải thiện hệ số CAR cũng như các tiêu chuẩn Basel II, từ đó tạo điều kiện mở rộng bảng cân đối tài sản, cũng như chất lượng tài sản.

 

Thành Văn (T/H)

Xem thêm: Cuộc rượt đuổi thứ hạng gay cấn của các `ông lớn` ngân hàng