Ngành mía đường nửa đầu niên vụ 2022-2023: 2 mảng màu sáng - tối đan xen

Trang Mai 17:20 | 15/02/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trái ngược tình trạng nông dân ‘chán’ mía, chuyển đổi sang cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn của toàn ngành trong niên vụ 2021-2022 (1/7/2021 - 30/6/2022), bước sang niên vụ 2022-2023 (1/7/2022 - 30/6/2023), nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường và chính sách đã báo hiệu cho một tương lai sáng hơn với ngành mía đường. Tuy vậy, kết thúc 2 quý, nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh khá ảm đạm.

Niên vụ 2022-2023, ngành mía đường được nhiều chuyên gia dự báo tích cực, giá mía kỳ vọng tăng 50.000 - 80.000 VNĐ/tấn mía 10 CCS (chữ đường) khi Việt Nam áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại bằng hình thức áp thuế phòng vệ thương mại đối với 5 quốc gia khu vực ASEAN sau khi đã áp dụng đối với Thái Lan. Cùng với đó, giá đường trên thế giới duy trì ổn định mức 17 -18 cents/lb dù dự báo sản lượng đường thế giới có thể thặng dư nhẹ 1 - 2 triệu tấn.

Tuy nhiên, giá đường tăng vẫn chưa thể bù đắp các chi phí kinh doanh, đặc biệt là chi phí tài chính với các khoản vay có lãi suất tăng cao. Chính điều này đã khiến lãi sau thuế một số doanh nghiệp suy giảm so với cùng kỳ niên vụ trước. 

Thách thức vẫn hiện hữu, hai mảng màu sáng - tối đan xen với ngành mía đường nửa đầu niên vụ

Là công ty dẫn đầu ngành mía đường trong nước với 46% thị phần, Thành Thành Công - Biên Hòa (mã: SBT) ghi nhận doanh thu tăng nhưng lãi sau thuế giảm do sự đè nặng của các chi phí. Cụ thể, sau 2 quý trong năm tài chính 2022-2023 (kết thúc vào 30/6/2023), SBT thu về 12.281 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ niên độ trước. Lãi sau thuế đạt 384 tỷ đồng, giảm 13%. Trên 90% doanh thu vẫn đến từ hoạt động kinh doanh chính là các sản phẩm mía đường. 

Lợi nhuận sụt giảm chủ yếu do sự tác động lớn từ việc tăng các chi phí trong quý II tài chính (30/9 - 31/12/2022) khiến cho lãi ròng quý này chỉ đạt 122 tỷ đồng, bằng một nửa so với cùng kỳ và thấp nhất kể từ quý II/2020 (1/10 - 31/12/2020).

Tính riêng trong quý này, doanh thu tài chính của SBT giảm 9% xuống 297 tỷ đồng, thêm vào đó là hàng loạt chi phí tăng mạnh, đặc biệt là chi phí lãi vay. Cuối năm 2022, nợ vay tài chính của SBT ở mức 11.540 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu niên độ và chiếm 60% tổng nợ phải trả. Bao gồm vay nợ trái phiếu là 2.431 tỷ đồng, còn lại là vay từ các ngân hàng và các tổ chức tài chính. Trong hai quý đầu niên độ, doanh nghiệp trả hơn 540 tỷ đồng cho chi phí lãi vay.

Cùng xu hướng giảm lợi nhuận với SBT, Mía Đường Lam Sơn (mã: LSS) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt 699 tỷ và 8,8 tỷ đồng sau hai quý tài chính đầu tiên của niên độ, lần lượt giảm 12% và 35% so với cùng kỳ niên độ 2021-2022. Thêm vào đó, doanh thu tài chính tăng 26%, trong đó chi phí lãi vay tăng gấp đôi lên mức 9,5 tỷ đồng cũng góp phần khiến lợi nhuận suy giảm. Tại LSS, doanh thu từ sản phẩm đường và sản phẩm thu hồi chiếm tỷ trọng chủ yếu với hơn 80% tổng doanh thu bán hàng hợp nhất.

Theo thông tin từ doanh nghiệp, niên độ 2022-2023, toàn ngành nói chung và LSS nói riêng sẽ tiếp tục đối diện với những khó khăn đến từ sản lượng nguồn nguyên liệu có xu hướng giảm, giá đường nguyên liệu bị ảnh hưởng bởi các chính sách tài chính và biến động từ nguồn cung từ nước ngoài.

Trái ngược với tình hình ảm đạm này, tại Đường Quảng Ngãi (mã: QNS), doanh thu và lợi nhuận hai quý đầu niên độ tài chính 2022-2023 vẫn duy trì ở mức ổn định, thậm chí tăng nhẹ so với cùng kỳ nhờ đa dạng hoá sản phẩm, tối ưu hoá chi phí. Kết thúc 2 quý đầu niên độ 2022-2023, doanh nghiệp thu về doanh số và lãi sau thuế lần lượt 8.260 tỷ đồng và 1.285 tỷ đồng, tăng 13% và 2% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Về từng mảng kinh doanh, sản phẩm sữa đậu nành chiếm 52% tổng doanh thu, đem về 4.305 tỷ đồng doanh thu (tăng 5% so với cùng kỳ) và gần 1.752 tỷ đồng lãi gộp (tăng 6%); doanh thu từ sản phẩm đường là 1.973 tỷ đồng (tăng 25%) và thu được gần 376 tỷ đồng lãi gộp (tăng 1%).

Doanh nghiệp sở hữu thương hiệu sữa đậu nành Vinasoy cho biết, tình hình kinh doanh tăng do dịch bệnh đã được kiểm soát, kinh tế Việt Nam dần phục hồi và phát triển đã tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Đồng thời, Công ty tập trung phát triển vùng nguyên liệu theo hướng sản xuất công nghiệp làm tăng năng suất, chất lượng cây mía; dây chuyền sản xuất đường hoạt động ổn định, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành, góp phần làm tăng hiệu quả hoạt động sản xuất đường từ mía.

Tương tự, tại Mía đường Sơn La (mã: SLS), doanh thu luỹ kế 2 quý tăng mạnh 117% lên 715 tỷ đồng, thu lãi sau thuế gấp 3 lần, lên 189 tỷ đồng. Theo giải trình, SLS cho biết doanh thu bán hàng tăng, lợi nhuận gộp tăng, mặt khác các chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí tài chính giảm là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận tăng mạnh. 

Đường Kon Tum (mã: KTS) cũng báo cáo doanh nghiệp này đã thu về 105,4 tỷ đồng sau 2 quý, tăng hơn 5 lần cùng kỳ, lãi sau thuế đạt 2 tỷ đồng, tăng 147% so với 2 quý niên vụ trước. Đây cũng là mức lãi cao nhất của doanh nghiệp này từ 2019 đến nay. 

 Doanh thu và lợi nhuận sau thuế các doanh nghiệp ngành mía đường. Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ BCTC 

Triển vọng nào cho ngành đường nửa cuối niên vụ 2022-2023?

Trong niên độ 2022-2023, nhiều công ty chứng khoán dự báo rằng ngành đường sẽ có sự phục hồi nhờ các biện pháp chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Cùng với đó, nhu cầu tiêu thụ đường và các sản phẩm từ đường có xu hướng tăng vào dịp cuối năm, đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp phục hồi trong nửa cuối niên vụ. 

Theo dự báo từ Mirae Asset hồi cuối năm 2022, lạm phát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt tại nhiều quốc gia được dự báo sẽ đẩy giá hàng hóa trên thế giới tăng cao và giá đường cũng không ngoại lệ. Giá đường thế giới đã đạt mức cao nhất 5 năm và hiện đang quanh vùng đỉnh 2 năm. Tuy vậy, Mirae Asset vẫn kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng 12% so với cùng kỳ trong niên độ 2022-2023. Thêm nữa, việc áp thuế chống bán phá giá với đường Thái Lan sẽ hỗ trợ giá đường tại thị trường trong nước những tháng cuối niên vụ.

Mirae Asset dẫn nhận định của Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) rằng niên vụ 2022 - 2023 của quốc gia sản xuất mía hàng lớn nhất thế giới là Brazil đã đi qua nửa chặng đường (vụ mía bắt đầu từ tháng 4/2022 đến tháng 3/2023). Trong khi đó, nhu cầu sử dụng đường của thế giới vẫn ở mức cao. Điều này đóng vai trò chính đối với xu hướng tăng giá đường thế giới trong quý tới.