Nhìn lại giao thương nông nghiệp Việt - Trung trong hơn 1 thập kỷ

Trang Mai 15:49 | 11/12/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
2022 được coi là năm “mở cửa” thị trường Trung Quốc của ngành nông nghiệp Việt Nam khi nhiều loại nông sản được ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch như sầu riêng, khoai lang, chuối, tổ yến. Ngoài ra, chanh leo và ớt tươi cũng được nước bạn chấp nhận thí điểm xuất khẩu chính ngạch. Nhờ đó, 2023 được kỳ vọng là năm bứt phá với nông sản.

“Sức hút” từ thị trường tỷ dân

Từ lâu, Trung Quốc luôn nằm trong nhóm các thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông lâm thủy sản của Việt Nam. Sức hút lớn đến từ dân số đông với 1,4 tỷ dân, lại thêm vận chuyển dễ dàng bằng đường bộ và có phần “dễ tính” trong việc nhập khẩu. 

Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, quy mô và kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc có xu hướng tăng trong giai đoạn 2010 - 2019. Cụ thể, quy mô xuất khẩu hàng nông sản tăng 4,21 lần. Kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc năm 2010 đạt 2,9 tỷ USD, năm 2015 tăng lên 5,9 tỷ USD và đến năm 2019 lên tới 8,35 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường này bình quân 15,45%/năm.

Thế nhưng, từ năm 2019 đến nay, quốc gia này đã rơi xuống vị trí thứ 2. Nguyên nhân xuất phát từ việc bên cạnh việc ngành nông nghiệp nước ta đang có sự chuyển hướng mạnh đến các thị trường chất lượng cao như Mỹ, EU, thì còn có nguyên nhân từ việc Trung Quốc ngày càng siết chặt hơn các quy định đối với nông sản Việt Nam. 

Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 8,1 tỷ USD, chiếm 19,3% tổng thị phần xuất khẩu của ngành hàng nhưng đã giảm nhẹ 3% so với năm 2019.

Năm 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Là một nước theo đuổi chính sách “zero COVID”, Trung Quốc đã nhiều lần siết chặt quản lý hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới với Việt Nam nhằm ngăn ngừa sự xâm nhập của dịch bệnh. Việc này đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang nước này, đặc biệt là các mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu nông sản vẫn tăng trưởng tích cực, trong đó xuất khẩu rau quả chiếm tới 56% tổng xuất khẩu rau quả của cả nước.

Vào giữa năm 2022, Trung Quốc và Việt Nam đã ký Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng. Đây cũng là bước đà lớn cho việc tăng trưởng mạnh của sầu riêng trong năm 2023. 

Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê và Bộ NN-PTNT cho biết, trong 11 tháng 2023, giá trị xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp Việt Nam đạt 47,84 tỷ USD. Tuy so với cùng kỳ năm 2022 thì tổng kim ngạch xuất khẩu năm nay giảm khoảng 2,7%, nhưng so sánh với hàng loạt nhóm hàng khác (công nghiệp chế biến, nhiên liệu và khoáng sản… bị sụt giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu và giảm nhiều nhất là than đá lên tới 50,7%) thì có thể thấy, nông nghiệp vẫn tiếp tục là “điểm sáng”.

Nông sản trở thành ngành duy nhất có tăng trưởng xuất khẩu, với tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 29,5 tỷ USD. Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 23%, tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm 2022 và trở thành khách hàng lớn nhất đối với những mặt hàng này của Việt Nam.

Nếu không có những biến động thị trường, dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong năm 2024 có thể đạt hơn 6 tỷ USD. Cùng với rau quả thì xuất khẩu gạo sang Trung Quốc cũng tăng mạnh thời gian qua (tăng 55,2% so với cùng kỳ năm 2022). Tương tự, xuất khẩu các sản phẩm như hạt điều, cà phê, thức ăn chăn nuôi… sang thị trường Trung Quốc cũng tăng từ 11,4%-42,3%.

 Ảnh minh họa: Vneconomy

Cơ hội từ các nghị định thư

Phát biểu tại “Hội nghị hướng dẫn doanh nghiệp tăng cường năng lực yêu cầu đáp ứng an toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật khi xuất nhập khẩu nông sản - thực phẩm vào Trung Quốc” ngày 29/11 vừa qua, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là thị trường nhập khẩu, nhập siêu lớn nhất của Việt Nam; đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Mỹ). Thời gian qua, nhiều nhóm hàng nông sản, gạo, trái cây, cà phê xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường và giá để đẩy mạnh xuất khẩu nên tốc độ tăng trưởng đạt cao nhất trong các nhóm hàng. 

Bên cạnh đó, Trung Quốc đã cấp phép cho 12 mặt hàng rau quả, trên 800 cơ sở chế biến thủy sản, 40 cơ sở bao gói cua, tôm hùm sống và 5 cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ chân trắng; có 128 loài loại sản phẩm và 48 loài thủy sản của Việt Nam. Đặc biệt, nhiều nhận định cho rằng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc còn nhiều dư địa trong thời gian tới; đây là thời cơ cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động đầu tư sản xuất, tăng cường hội nhập, tìm kiếm đối tác, cũng như khai thác hết tiềm năng của thị trường này.

Thời gian qua, nhiều loại nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc có kim ngạch tăng trưởng kỷ lục là nhờ ký được các nghị định thư xuất khẩu chính ngạch. Đến nay, Việt Nam đã có 13 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng. Trong tháng 11, các lô tổ yến chính ngạch đầu tiên của Việt Nam đã xuất sang Trung Quốc.

Để tiếp tục khơi thông cho thị trường xuất khẩu của nhóm nông, lâm, thủy sản, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng khẳng định, Bộ Công thương sẽ phối hợp Bộ NN-PTNT đàm phán với cơ quan chức năng của Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…