Nhìn vào bức tranh cầu tiêu dùng: Vẫn cần thêm những 'cú hích'

Nguyễn Thị Thùy Dung 11:45 | 16/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Sỹ Cường cảnh báo nếu không có biện pháp tăng tổng cầu thì nguy cơ tăng trưởng GDP dưới 6-6,5% trong năm nay là hiện hữu.

Tại các nền kinh tế lớn, triển vọng tiêu dùng không chắc chắn

Mối quan ngại về suy thoái kinh tế đang phủ bóng phố Wall. Trong khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) thông báo một lộ trình tăng lãi suất liên tục để kiềm chế lạm phát, các vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng, tình trạng bất ổn địa chính trị và đợt bùng phát dịch COVID-19 gần đây tại Trung Quốc tiếp tục đặt những áp lực mới lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, bất chấp những bất định, dữ liệu gần đây cho thấy doanh số bán lẻ tại Mỹ trong tháng 3 tiếp tục tăng 0,5% so với tháng 2 và tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà phân tích dự báo xu hướng tăng trưởng doanh số bán lẻ sẽ được kéo dài trong tháng 4, với mức tăng dự phóng khoảng 0,7% so với tháng 3. 

Ông Mark Holman, nhà quản lý danh mục đầu tư của TwentyFour Asset Management cho biết trong một bài đăng trên blog: “Chúng tôi vẫn chưa thấy dấu hiệu suy thoái trong những dữ liệu kinh tế hiện tại. Doanh số bán lẻ vẫn đang được duy trì tích cực”. Doanh số bán lẻ phản ánh chi tiêu tiêu dùng của người Mỹ, một chỉ số quan trọng hàng đầu đóng góp vào tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn nhất hành tinh.

Ông James Conroy, Giám đốc điều hành nhà bán lẻ giày dép Boot Barn cho hay: “Tôi nghĩ rằng nhiều người đang lo lắng quá mức về tác động của lạm phát với chi tiêu của người dân, rằng liệu chúng ta có rơi vào suy thoái”. Vị này cho hay người tiêu dùng đến nay vẫn đang duy trì mức chi tiêu khá vững chắc, và rằng công ty đang nhận thấy động lực chi tiêu rất mạnh. 

Kết quả kinh doanh của các nhà bán lẻ Mỹ trong quý I cũng phản ánh chi tiêu bền bỉ của người tiêu dùng bất chấp những khó khăn kinh tế. Một số công ty thậm chí cho rằng họ có thể tăng giá hàng hóa do sức ép lạm phát đầu vào mà không ảnh hưởng đến doanh số bán hàng.

Chẳng hạn, bà Joanne Crevoiserat, Giám đốc điều hành của Tapestry, công ty sở hữu các thương hiệu thời trang cao cấp Coach và Kate Spade và Stuart Weitzman cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến ​​nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ ở tất cả các thương hiệu của công ty. Người tiêu dùng tiếp tục nhận ra giá trị mà chúng tôi đang mang lại. Chúng tôi không thấy họ phản đối việc tăng giá”.

Tờ CNN đặt vấn đề: “Không rõ các nhà bán lẻ có thể tiếp tục tăng giá bao lâu nữa trước khi người tiêu dùng ngừng bỏ tiền, thậm chí thắt chặt mua sắm cả những mặt hàng không thiết yếu”.

Lo ngại như vậy là hợp lý, bởi tại Liên minh châu Âu (EU), dữ liệu từ Eurostat cho thấy doanh số bán lẻ tại khu vực này đã giảm 0,4% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh hơn mức giảm 0,1% mà các nhà kinh tế kỳ vọng, đồng thời đảo ngược mức tăng 0,4% hồi tháng 2. Dữ liệu đáng thất vọng đã làm tăng thêm lo ngại rằng khu vực đồng euro có nguy cơ rơi vào lạm phát đình trệ, tức tình trạng tăng trưởng trì trệ và lạm phát cao.

Ông Melanie Debono, nhà kinh tế cấp cao tại Pantheon Macroeconomics, cho biết: “Dữ liệu doanh số bán lẻ của tháng 3 là một tín hiệu rõ ràng cho thấy việc lạm phát tăng vọt trong khối (7,5% trong tháng 4) đang làm giảm tốc độ tăng trưởng chi tiêu”.

Theo vị này, việc giá năng lượng và thực phẩm tăng vọt tại EU dự kiến sẽ làm xói mòn sức mua của các hộ gia đình, đặc biệt là khi tiền lương không tăng theo lạm phát. Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng do Ủy ban châu Âu khảo sát vào tháng 4 đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm, tờ Financial Times đưa tin.

Tại Trung Quốc, Cơ quan thống kê Quốc gia (NBS) cho biết doanh số bán lẻ ở quốc gia này đã giảm mạnh 11,1% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh Bắc Kinh duy trì chính sách Zero-COVID trong đợt bùng phát dịch nghiêm trọng gần đây.

Không riêng ở các nền kinh tế lớn, ngay tại Việt Nam, dù chỉ số tiêu dùng đến nay vẫn được kiểm soát ở mức ổn định và tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng vẫn tăng trưởng khá, nhưng các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo rủi ro lạm phát vượt 4% trong năm nay và sự cần thiết phải kích cầu mạnh mẽ hơn.

Cần các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước mạnh mẽ hơn

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong nước hiện đang ở mức 1,777 triệu tỷ đồng, lớn nhất từ trước đến nay so với cùng kỳ các năm về trước. 

(Ảnh: GSO)

Dữ liệu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ qua các tháng cũng ghi nhận mức tăng đáng kể, ước 4 tháng đầu năm tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có tới 3/4 khoản đóng góp vào tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ghi nhận mức tăng mạnh trong 4 tháng là du lịch lữ hành tăng 10,5%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 5,2%; bán lẻ hàng hóa tăng 5,2%. Chỉ riêng dịch vụ khác giảm 0,66% trong 4 tháng.

Nếu tính trong tháng 4, các dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ du lịch lữ hành phục hồi mạnh mẽ với doanh thu tháng 4 tăng lần lượt 14,8% và 49,4% so với cùng kỳ năm trước. Bán lẻ hàng hóa cũng tăng 12,4% và dịch vụ khác tăng 6,7%, thể hiện sự phục hồi gần đây.

Đó là những tín hiệu tích cực cho thấy cầu tiêu dùng đang trên đà phục hồi, tạo thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm nay. Tuy nhiên, theo TS. Vũ Sỹ Cường, chuyên gia kinh tế từ Học viện Tài chính, chia sẻ trong một hội thảo gần đây của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cầu tiêu dùng đến nay chưa thể hồi phục hoàn toàn.

Cụ thể, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ 4 tháng đầu năm đạt 6,5% nhưng vẫn thấp hơn mức tăng tương ứng 7,2% của cùng kỳ năm ngoái. Nếu loại trừ yếu tố giá, tốc độ tăng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ thậm chí còn chậm hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế (quý I là 1,6% so với tốc độ tăng GDP 5,03%).

 “Với việc tổng cầu phục hồi còn chậm, khả năng đạt được tăng trưởng cao là rất khó. Nếu không có biện pháp tăng tổng cầu thì nguy cơ tăng trưởng dưới 6-6,5% là hiện hữu”, TS. Cường khẳng định.

Điều này đồng nghĩa các giải pháp kích cầu trong thời gian tới là cần thiết, đặc biệt là việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói hỗ trợ tài khóa - tiền tệ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trị giá gần 350 nghìn tỷ của Chính phủ.

Trong khuôn khổ Chương trình này, gói giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% với hàng loạt hàng hóa, dịch vụ theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế được xem là gói có tác dụng trực tiếp kích cầu tiêu dùng. 

Bộ Tài chính cho biết việc thực hiện thuế suất thuế VAT theo Nghị định số 15 sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước năm 2022 khoảng 49.400 tỷ đồng. Số tiền thuế được hỗ trợ này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19. 

Tuy nhiên, theo phản ánh, việc thực hiện gói trong thời gian qua còn nhiều bất cập buộc các bộ ngành vào cuộc gỡ vướng. Chẳng hạn, cùng một đơn hàng, doanh nghiệp phải chia 2-3 hóa đơn cho mỗi loại hàng hóa được giảm thuế. Do vậy cùng một khách hàng, thay vì lập một hóa đơn ghi nhiều thuế suất khác nhau như 5%, 8%, 10%, doanh nghiệp phải lập hóa đơn ghi thuế suất 8% riêng làm tăng thêm chi phí.

Trước phản ánh này, Bộ Tài chính đang soạn thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 15/2022. Quy định mới tại dự thảo lần này cho phép doanh nghiệp xuất một hóa đơn áp dụng các mức thuế khác nhau, nhưng cần ghi rõ thuế suất hoặc mức tỷ lệ % thuế VAT được giảm của từng hàng hóa, dịch vụ trên hóa đơn, thay vì phải tách riêng hàng hóa, dịch vụ giảm VAT. 

Dù vậy, để tác động kích cầu lan tỏa mạnh mẽ hơn, việc ban hành các hướng dẫn, nghị định sửa đổi vẫn cần khẩn trương hơn nữa, bởi chính sách giảm thuế VAT dự kiến chỉ thực hiện trong năm 2022.