NHNN: Ngân hàng và doanh nghiệp cần đối thoại trực tiếp để tháo gỡ khó khăn

Đông Bắc 15:23 | 24/02/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố rà soát tình hình tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp, nắm rõ thông tin về các doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay ở ngân hàng nào, nguyên nhân không tiếp cận được...

  

Ngày 21/2, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có công văn số 953/NHNN-TD yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố; các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại các địa phương; hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng năm 2023 theo Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 17/01/2023 của NHNN.

Theo đó, Thống đốc NHNN yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố (NHNN chi nhánh) triển khai tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn trong tháng 2/2023 để đối thoại trực tiếp, nắm bắt các khó khăn vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để kịp thời xử lý, tháo gỡ.

 Doanh nghiệp không tiếp cận được vốn tín dụng, NHNN yêu cầu giải trình. Ảnh BTC.

Các NHNN chi nhánh phối hợp với Sở Kế hoạch & Đầu tư, các Sở, ban, ngành và hiệp hội có liên quan tại địa phương rà soát tình hình tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp; nắm rõ thông tin về các doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay ở ngân hàng nào (doanh nghiệp không đủ điều kiện hay ngân hàng không cho vay), nguyên nhân không tiếp cận được và thông tin công khai và làm rõ tại Hội nghị.

Thống đốc cũng yêu cầu các NHNN chi nhánh lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; yêu cầu các NHTM trên địa bàn có trách nhiệm xử lý, trả lời người dân, doanh nghiệp và báo cáo kết quả xử lý.

Các nội dung trên phải được báo cáo về NHNN trước ngày 28/2.

Đối với các TCTD, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các nội dung kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tham gia Hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, thống đốc NHNN cũng chỉ đạo các TCTD thành lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị (điện thoại, email) của người dân và doanh nghiệp và xử lý, trả lời rõ ràng cho từng trường hợp cụ thể.

Ngoài ra, chủ động, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong hệ thống; báo cáo chính quyền địa phương, NHNN, các bộ, ngành liên quan về các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền; đề xuất, kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện.

Chính phủ giao NHNN xem xét giãn nợ cho doanh nghiệp bất động sản khó khăn

Tại Dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững của Chính phủ, các giải pháp quan trọng được đưa ra với mục đích tháo gỡ khó khăn về thể chế, nguồn vốn và nguồn cung cho thị trường, thúc đẩy nhà ở xã hội.

Theo dự thảo Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng nhà nước Việt Nam rà soát việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản và có giải pháp phù hợp, hiệu quả góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững theo tinh thần Công điện số 1156/CĐ-TTg ngày 12/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, xem xét, đề xuất phương án tín dụng phù hợp để hỗ trợ cho nền kinh tế trong năm 2023 và các năm tiếp theo; xem xét chỉ đạo, hướng dẫn giãn nợ gốc, lãi vay cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn (doanh nghiệp, dự án bất động sản phục vụ tiêu dùng, sản xuất, công nghiệp, du lịch, nghỉ dưỡng...); chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Dự thảo Nghị quyết cũng đề xuất Quốc hội dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 10% nhu cầu vốn của giai đoạn 2022-2030) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013-2016 trước đây).

Trong đó, dành khoảng 50% gói tín dụng, tương đương 55.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay ưu đãi. Khoảng 50% còn lại sẽ dành cho khách hàng cá nhân là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.