Nhóm Ngân hàng đang phát hành trái phiếu nhiều nhất từ đầu năm

Đông Bắc 10:25 | 20/11/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành trái phiếu cao nhất với khoảng 263.000 tỷ đồng, tăng 154% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 72% tổng giá trị phát hành.

  

Trái phiếu phát hành của nhóm ngân hàng tăng 154%

Trong báo cáo phân tích thị trường trái phiếu mới công bố, Công ty chứng khoán MB (MBS) thống kê, giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công trong tháng 10 năm 2024 đạt hơn 36.200 tỷ đồng, giảm 49% so với tháng trước và tăng 24% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành ngân hàng tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, tương đương 48% giá trị phát hành.

Các đợt phát hành đáng chú ý trong tháng gồm những nhà băng như: LPBank phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 5,4%; VIB phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 5,05%; Eximbank phát hành 1.7000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 5,3%.

  Ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Á Châu (ACB) là một trong những ngân hàng phát hành giá trị lớn nhất từ đầu năm đến nay. Ảnh ACB.

Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đã vượt tổng mức phát hành trong năm 2023 khi đạt hơn 336.600 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân gia quyền trong 10 tháng đầu năm ước khoảng 7%, thấp hơn so với mức trung bình 8,3% của năm 2023.

Ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với khoảng 263.000 tỷ đồng, tăng 154% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 72%, lãi suất bình quân gia quyền là 5,6%/năm, kỳ hạn bình quân 5,2 năm. Các Ngân hàng phát hành giá trị lớn nhất từ đầu năm đến nay gồm có: Ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Á Châu (ACB) 31.800 tỷ đồng, Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) 26.900 tỷ đồng, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam (OCB) 26.700 tỷ đồng.

Thời gian tới sẽ có một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu như HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý IV/2024 với tổng giá trị tối đa 3.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, mệnh giá 100 triệu đồng/ trái phiếu. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm với lãi suất cố định tối đa 5,5%/năm.

Hay HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ trái phiếu xanh trong năm 2024 với tổng giá trị tối đa 2.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu và kỳ hạn 2 năm...

Cũng theo MBS Research, sau 2 tháng vắng bóng, ngành xây dựng – vật liệu xây dựng đã quay trở lại với thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi ghi nhận 3 đợt phát hành với tổng trị giá đạt 620 tỷ đồng, lãi suất bình quân xấp xỉ 10,5%/năm. Theo đó, giúp nâng tổng trị giá phát hành lũy kế của ngành xây dựng – vật liệu xây dựng trong 10 tháng 2024 lên khoảng 8.300 tỷ đồng, tăng mạnh 967% so với cùng kỳ.

Tổng giá trị phát hành của nhóm Bất động sản đạt khoảng 56.100 tỷ đồng giảm 23% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 15%. Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu bất động sản ở mức 11,6%/năm, kỳ hạn bình quân là 2,6 năm. Các doanh nghiệp phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: Công ty CP Vinhomes 14.500 tỷ đồng, Tập đoàn Vingroup 10.000 tỷ đồng và Công ty TNHH ĐT và PT BĐS Hải Đăng 5.400 tỷ đồng.

Trong tháng 10, giá trị trái phiếu doanh nghiệp mua lại trước hạn ước tính khoảng 17.500 tỷ đồng, giảm 14% so với tháng trước, trong đó Ngân hàng chiếm 72%, nhóm Bất động sản chiếm 22%. Lũy kế từ đầu năm đến nay, khoảng 161.700 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được mua lại trước hạn, giảm 17% so với cùng kỳ.

Áp lực trái phiếu đáo hạn cuối năm

Theo số liệu từ VnDirect, tính đến ngày 1/11/2024, trong tháng 10/24 có 25 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thành công với tổng giá phát hành đạt hơn 24.5000 tỷ đồng, giảm 55,2% so với tháng trước và giảm 19,2% so với cùng kỳ.

Trong tháng 10/2024 có hơn 17.400 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn, giảm 14,7% so với tháng trước và giảm 1% so với cùng kỳ. Hoạt động đàm phán thay đổi điều khoản và điều kiện trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ vẫn diễn ra tích cực trong T10/24. Tính đến ngày 01/11/24 đã có khoảng hơn 100 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn thời hạn trái phiếu với trái chủ với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được gia hạn là khoảng hơn 158.000 tỷ đồng.

Áp lực trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ giảm trong tháng 11 trước khi tăng mạnh trở lại trong tháng 12. Dự kiến trong tháng 11/2024 sẽ có khoảng hơn 16.700 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn, giảm 21,5% so với tháng trước, tuy nhiên áp lực sẽ tăng mạnh trở lại trong tháng 12/2024 với 38.620 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn.

  Trong tháng 10/2024 có hơn 17.400 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn. Ảnh BTC.

Theo số liệu của Mirae Asset, khoảng 30 trái phiếu dự kiến sẽ đáo hạn trong tháng 11/2024, với tổng giá trị đáo hạn đạt khoảng 11.100 tỷ đồng. Cụ thể, khoảng 7.650 tỷ đồng trái phiếu đến hạn từ lĩnh vực bất động sản; 1.700 tỷ đồng từ lĩnh vực sản xuất; và ngành ngân hàng thương mại chiếm gần 700 tỷ đồng.

Dự kiến khoảng 5.300 tỷ đồng trái phiếu có thể đối mặt với việc chậm thanh toán hoặc cần tái cơ cấu từ các tổ chức phát hành rơi vào một số doanh nghiệp bất động sản.

Tương tự, trước đó, theo VIS Ratings, tổng giá trị trái phiếu chậm thanh toán trên thị trường đã đạt khoảng 189.000 tỷ đồng từ tháng 4/2022 đến tháng 9/2024. Nhìn chung, mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa có cải thiện đáng kể về phát hành mới, vẫn tập trung chủ yếu ở các ngân hàng thương mại để bổ sung vốn cấp 2, nhưng nhìn chung đã có những dấu hiệu phục hồi ban đầu.

Tổng giá trị trái phiếu mất khả năng thanh toán được ghi nhận mới trong tháng 9 chỉ đạt 1.700 tỷ đồng, thấp hơn mức trung bình bốn quý là 14.900 tỷ đồng. Trong đó, 781 tỷ đồng gốc quá hạn đã được hoàn trả cho trái chủ chỉ riêng trong tháng 9, nâng tỷ lệ thu hồi lên 21,2%, phần lớn nhờ vào các tổ chức phát hành như Saigon Glory và Đầu tư Hải Phát.

Trong số 42 trái phiếu đáo hạn trong tháng 11/2024, VIS Ratings đánh giá rằng có 14 trái phiếu có nguy cơ chậm trả nợ gốc. Hầu hết những trái phiếu này đã chậm trả lãi trái phiếu trước đó. 33% số trái phiếu đáo hạn tháng 11 năm 2024 có nguy cơ chậm trả gốc, cao hơn so với tỷ lệ 10.5% trái phiếu chậm trả nợ gốc trong 10 tháng đầu năm 2024.

Trong vòng 12 tháng tới, có khoảng 109.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn thuộc nhóm ngành Bất động sản Nhà ở, chiếm gần một nửa tổng giá trị trái phiếu đáo hạn. Trong số này, ước tính có khoảng 30.000 tỷ đồng trái phiếu có nguy cơ chậm trả nợ gốc.