Những cung đường vàng bám biển

09:00 | 23/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Khi các địa phương đang đẩy mạnh triển khai tuyến đường ven biển, thị trường bất động sản xung quanh được các chuyên gia đánh giá sẽ có sự tăng trưởng về giá trị. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cân nhắc một số yếu tố trước khi xuống tiền ở những khu vực này.

Với chiều dài bờ biển 3.260 km, Việt Nam có lợi thế khai thác các khu kinh tế (KKT) ven biển. Hiện, cả nước có 8 KKT ven biển, và con số này dự kiến sẽ là 19 KKT đến năm 2030 theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ.

Để góp phần kết nối thuận lợi giữa các KKT ven biển, nước ta đã quy hoạch tuyến đường bộ ven biển với chiều dài 3.041 km, bắt đầu từ TP Móng Cái (Quảng Ninh) và kết thúc tại Hà Tiên (Kiên Giang). Trong đó, giai đoạn từ năm 2020, cả nước sẽ xây mới, nâng cấp 1.058 km đường ven biển.

Rầm rập khởi công

Nhằm hiện thực hóa quy hoạch nói trên, thời gian qua nhiều địa phương trên cả nước đã bắt tay triển khai xây dựng các tuyến đường ven biển. 

Tại Thái Bình, tuyến đường ven biển của tỉnh này được triển khai từ năm 2018, tính đến tháng 12/2021 đã hoàn thành gần 35% khối lượng, tương đương gần 1.250 tỷ đồng. Tháng 12/2021, tỉnh Thanh Hóa đã khởi công xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa với chiều dài gần 24 km, tổng mức đầu tư 2.242 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2024. Tại Quảng Bình, hồi tháng 1, địa phương đã khởi công dự án thành phần 1 thuộc dự án đường ven biển với chiều dài 86 km, tổng mức đầu tư gần 2.200 tỷ đồng. Đến tháng 3, Thừa Thiên – Huế cũng khởi công tuyến đường ven biển giai đoạn 1 với chiều dài gần 8 km, tổng vốn 2.400 tỷ đồng.

Cuối tháng 4, Quảng Trị đã khởi công đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây, tổng chiều dài khoảng 55 km, tổng mức đầu tư 2.060 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào 2025. Tại Bình Định, trong tháng 4, tỉnh đã khởi công tuyến đường ven biển đoạn Cát Tiến – Diêm Vân (13,6 km, 2.674 tỷ đồng). Trước đó vào tháng 1, tỉnh đã hoàn thành tuyến đường ven biển đoạn Cát Tiến - Đề Gi hơn 23 km (1.262 tỷ đồng). Tại Quảng Ngãi, địa phương vừa duyệt làm đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh giai đoạn 2 (hơn 6,5 km, 899 tỷ đồng), thời gian thực hiện 2022 - 2025. Giai đoạn 1 dự án đã hoàn thành từ năm 2017 (30 km, 1.500 tỷ đồng)…

Cú hích cho BĐS biển

Sự hình thành của tuyến đường ven biển, theo lãnh đạo các địa phương, sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản (BĐS).

Tại Thừa Thiên – Huế, tuyến đường ven biển dự kiến sẽ tạo ra quỹ đất ven biển khoảng 1.500 ha để hình thành các đô thị ven biển, thu hút các dự án du lịch, dịch vụ, các khu resort, du lịch nghỉ dưỡng. Về phía Quảng Trị, Bình Định, các địa phương này cũng đánh giá đường ven biển sẽ tạo ra quỹ đất rộng lớn để từng bước hình thành các khu đô thị, khu du lịch - dịch vụ bờ biển…

Tại một sự kiện trực tuyến vào năm 2021, TS.KTS Nguyễn Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam đã chia sẻ, các tỉnh nằm trong hành lang kinh tế biển đều có tiềm năng và cơ hội phát triển BĐS. Ông Quảng lấy ví dụ về các tỉnh duyên hải Bắc bộ, Quảng Ninh, Hải Phòng đều đã có KKT, tại Thái Bình có KKT 31.000 ha đã được duyệt quy hoạch, chiều dài bám biển 54 km. “Khi tuyến cao tốc ven biển Quảng Ninh - Thanh Hóa hoàn thành, chắc chắn BĐS ở Hải Phòng, Thái Bình hay Nam Định đều sẽ tăng trưởng. Điều quan trọng là nhà đầu tư cần lựa chọn sản phẩm BĐS phù hợp với định hướng phát triển của địa phương”, vị KTS chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Quý Duy, Giám đốc kinh doanh của CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest) cho hay, một quy luật chung của thị trường BĐS, là tất cả những tỉnh bám biển đều có lợi thế riêng về mặt khai thác biển. Dễ thấy những tỉnh ven biển phía đông của Hà Nội hay TP HCM đều có sự phát triển tốt, như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Hải Phòng, Quảng Ninh… “Nói về tuyến đường ven biển, tôi nhận thấy con đường này đã được triển khai ở khá nhiều địa phương: Quảng Ninh đã hình thành, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa cũng đã có. Trong 3 - 5 năm tới, khu vực đường ven biển này sẽ có rất nhiều sự thay đổi về mặt giá trị địa tô”, theo ông Duy.

Không phải mọi con đường đều dẫn tới mỏ vàng

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARs) đồng tình với quan điểm của các chuyên gia, rằng các tuyến đường ven biển là động lực thúc đẩy tăng trưởng cho thị trường BĐS. Tuy nhiên, theo ông Đính, để BĐS tăng giá, chỉ phụ thuộc vào đường ven biển thôi là chưa đủ. Nhà đầu tư cần nhìn ra được những yếu tố cộng hưởng, tiến độ quy hoạch và thực trạng đầu tư của khu vực. 

“Khi đầu tư BĐS quanh đường ven biển, cần nghiên cứu kỹ quy hoạch ở từng khu vực mà tuyến đường đi qua: Khu vực đó có nằm gần các dự án hạ tầng, giao thông khác hay không; hệ thống tiện ích như thế nào; tiến độ xây dựng các khu kinh tế, khu đô thị, khu nghỉ dưỡng… xung quanh ra sao. Tôi lấy ví dụ ở Hạ Long, đường bao biển hình thành đã khiến cho BĐS khu vực tăng giá, tuy nhiên sự tăng trưởng đó còn cộng hưởng nhiều yếu tố khác, như xung quanh có nhiều khu vui chơi, giải trí, có nhiều nhà đầu tư lớn đang hiện diện, cảnh quan đẹp… Nhìn chung, các nhà đầu tư sẽ hướng đến những khu vực có quy hoạch chất lượng. Ngược lại, cũng là nơi có đường ven biển đi qua, nhưng xung quanh ít tiện ích, kém đồng bộ hạ tầng thì chắc chắn sẽ kém hấp dẫn hơn”, Chủ tịch VARs nhận định.

Ông Đính cũng chia sẻ thêm một yếu tố nữa để đánh giá thị trường, đó chính là đầu cơ. Bản chất của đầu cơ có thể tiêu cực, nhưng ở một góc độ nào đó, đây lại là yếu tố thúc đẩy cho sự tăng trưởng của BĐS. Khu vực nào có dấu hiệu đầu cơ chứng tỏ ở đấy có sức hút, tiềm năng đã được nhìn ra.

Còn theo ông Đỗ Quý Duy, với địa phương có quy hoạch đường bám biển và KKT, quỹ đất giá vốn rẻ, nhà đầu tư BĐS cần có tầm nhìn trung và dài hạn, có thể mạnh dạn sử dụng những đòn bẩy tài chính phù hợp ở mức 40 - 50%, đặc biệt chú ý đến sự chuẩn chỉnh về pháp lý.