Những dấu mốc quan trọng trong quan hệ kinh tế Việt - Mỹ và cơ hội phát triển sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden

Thùy Dương 11:27 | 10/09/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngày 10/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cùng với quan hệ chính trị tốt đẹp, quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - Mỹ được coi là lĩnh vực hợp tác thành công nhất, đã và đang trở thành trọng tâm, nền tảng, động lực phát triển cho quan hệ chung giữa hai nước.

Trong chuyến thăm, hai bên sẽ rà soát lại quan hệ Đối tác toàn diện trên các lĩnh vực và đề ra những định hướng cho quan hệ thời gian tới với nội hàm tập trung vào hợp tác khoa học công nghệ, kinh tế - thương mại và đầu tư, giao lưu nhân dân, khắc phục hậu quả chiến tranh.

Hiện nay, Mỹ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỷ USD (123 tỷ USD năm 2022) và ta xuất siêu lớn. Mỹ đứng thứ 5 về cung cấp hàng hóa cho nước ta.

Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu. Ảnh: TTXVN.

Về đầu tư, Mỹ thuộc top 10 quốc gia mà Việt Nam có dự án đầu tư. Nhiều năm qua, Mỹ luôn là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với gần 1.150 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 10,3 tỷ USD, xếp thứ 11/141 nền kinh tế có đầu tư tại Việt Nam. Tính đến 2022, đã có hơn 11 tỷ USD đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam.

Đối với Mỹ, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 trên toàn cầu và là lớn thứ nhất trong khu vực ASEAN. Việt Nam cũng đã đầu tư sang Mỹ với số vốn lên đến hàng tỷ USD, góp phần tạo hàng nghìn công ăn việc làm cho người lao động Mỹ.

Thêm nhiều cơ hội hợp tác song phương

Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, kinh tế - thương mại và đầu tư theo ba hướng lớn.

Thứ nhất, hai bên sẽ xác định rõ hơn các ưu tiên hợp tác trong các lĩnh vực liên quan như công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, mạng viễn thông. Thứ hai, Việt Nam và Mỹ dự kiến sẽ khởi động một số sáng kiến và cơ chế hợp tác cụ thể về bán dẫn và đào tạo nhân lực công nghệ cao. Thứ ba, nhân chuyến thăm, các cơ quan và doanh nghiệp hai bên sẽ ký một số bản ghi nhớ, thỏa thuận, tạo cơ sở giúp thúc đẩy Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa về kinh tế xanh, kinh tế số và công nghệ cao.

Hai nước trước đó đã ký nhiều bản ghi nhớ và duy trì các kênh đối thoại về kinh tế số, năng lượng, khoa học công nghệ. Trong đó Mỹ và một số nước đã ký quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), dự kiến vận động 15,5 tỷ USD từ các nguồn khác nhau để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang năng lượng xanh và phát triển kinh tế.

Những dấu mốc quan trọng về kinh tế giữa 2 nước

Ngày 3/2/1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bỏ lệnh cấm vận thương mại kéo dài 19 năm của Mỹ đối với Việt Nam tại Nhà Trắng.

Ngày 13/7/2000, Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan và Đại diện Thương mại Mỹ Barshefsky ký Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Mỹ tại Washington sau 4 năm đàm phán.

Giai đoạn 2006 - 2023 có tổng 8 chuyến thăm chính thức của lãnh đạo giữa 2 nước, trong đó Mỹ đã 4 lần qua thăm Việt Nam. Chuyến thăm lần này của Tổng thống Joe Biden là lần thứ 5 của Mỹ. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nhà Trắng. Ảnh: TTXVN.