Những doanh nghiệp tay ngang đang rót bao nhiêu tiền đầu tư chứng khoán?
Nền kinh tế trong nước đã trải qua hai năm 2020 - 2021 đầy biến động do dịch COVID-19. Những tưởng mọi chuyện sẽ về lại guồng quay ổn định trong 2022, tuy nhiên bối cảnh càng khó khăn hơn do ảnh hưởng lạm phát, căng thẳng địa chính trị, thị trường bất động sản đóng băng và loạt yếu tố khác. Không ít doanh nghiệp đã và đang phải gồng mình chống chọi qua giai đoạn khắc nghiệt, nhất là tại các lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng, bất động sản hay xuất khẩu,... khi nhu cầu của khách hàng xuống thấp.
Bên cạnh đó, chứng khoán lại có cú lao dốc mạnh trong 2022, VN-Index giảm hơn 32%, Việt Nam lọt nhóm những thị trường giảm sâu nhất trên thế giới. Song, người ta vẫn nói “trong nguy có cơ”, diễn biến này đã mở ra cơ hội cho những nhà đầu tư biết nắm bắt. Không chỉ cá nhân, công ty chứng khoán hay các quỹ đầu tư, hàng loạt công ty cổ phần cũng hòa mình vào cuộc chơi khi quyết định giải ngân.
Trong khi nền kinh tế chưa có nhiều khởi sắc, VN-Index đã tăng hơn 21% trong 7 tháng đầu năm cùng việc thu hút dòng tiền mạnh mẽ, xuất hiện nhiều phiên giao dịch trị giá tỷ USD. Diễn biến này nhờ dòng tiền và niềm tin của nhà đầu tư đã trở lại. Hàng loạt cổ phiếu đã dần hồi phục, thậm chí có nhiều mã đã nhân đôi, nhân ba từ đáy vào cuối 2022.
Nếu như công ty chứng khoán có lãi từ tự doanh, việc “mua cổ, bán chứng” cũng mở ra kỳ vọng cho các doanh nghiệp thu về khoản lãi đầu tư tài chính, hỗ trợ cho hiệu quả kinh doanh - vốn còn đang bị kìm hãm bởi môi trường kinh tế chậm tăng trưởng.
Gelex và Pan Group sở hữu danh mục trị giá hàng ngàn tỷ đồng
Xu hướng gia tăng tỷ trọng chứng khoán kinh doanh ngắn hạn ghi nhận trong giai đoạn 6 tháng đầu năm, với những gương mặt quen thuộc như MHC, Nhà Đà Nẵng, Licogi 14, Gelex...
Tập đoàn Gelex (Mã: GEX) ghi nhận giá trị chứng khoán đầu tư tại cuối tháng 6 đạt 2.424 tỷ đồng, tăng 7% so với thời điểm cuối 2022. Trong đó, công ty đã tăng gần 130% danh mục cổ phiếu, tương ứng với gần hơn 970 tỷ đồng; ngược lại, thu hẹp một nửa giá trị trái phiếu nắm giữ, còn 680 tỷ đồng. Công ty không thuyết minh đang sở hữu mã nào.
Cũng sở hữu danh mục hàng ngàn tỷ còn có Pan Group (Mã: PAN), với 6.676 tỷ đồng, gấp 3 lần sau 6 tháng. Pan Group cũng không thuyết minh danh mục cụ thể. Báo cáo tài chính 2022 cho biết trong 2.206 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh tại cuối năm, công ty nắm giữ đến 2.200 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn, khoản đầu tư cổ phiếu chiếm tỷ trọng không đáng kể.
Gelex và Pan Group là hai tổ chức hoạt động theo mô hình holding, có nghĩa rằng những khoản đầu tư lớn có thể không mang bản chất đầu tư tài chính, mà có thể lượng cổ phần đang nắm giữ là kết quả của những thương vụ M&A. Trong khi đó, với một số cái tên khác, giao dịch chứng khoán có thể được xem như một nghề "tay ngang" của họ, các tổ chức sẽ được điểm tên dưới đây.
Đầu tư chứng khoán cứu MHC thoát lỗ
Đơn cử, CTCP MHC (Mã: MHC) là công ty chuyên đầu tư ngắn hạn. Danh mục cổ phiếu tại 30/6 đạt 570 tỷ đồng, tăng 90% sau 6 tháng. So với giá gốc, công ty đang lãi khoảng 58 tỷ đồng. Các cổ phiếu trong danh mục bao gồm EIB (321 tỷ đồng), VIX (77 tỷ đồng), GEX (96 tỷ đồng),... đều đang có lãi. Kể từ đầu năm đến 17/8, thị giá EIB, VIX và GEX trên sàn HOSE có mức tăng lần lượt 6%, 227% và 91%.
Trong khi hoạt động chính là vận tải đường thủy, MHC lại thường xuyên có khoản lãi từ đầu tư chứng khoán. 6 tháng đầu năm, công ty thu được 35 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm trước. Khoản lãi tài chính này có ý nghĩa không nhỏ khi giúp MHC có lãi sau thuế 10 tỷ đồng, bất chấp việc đang kinh doanh dưới giá vốn và lỗ gộp 1,4 tỷ đồng (tại hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ).
Licogi 14 (L14) bán hết cổ phiếu CEO, HDC, gom vào NVL, DIG, PDR, CSC, ITA
Trong khoảng 2-3 năm gần đây, Licogi 14 (Mã: L14) nổi lên là một trong những doanh nghiệp có chủ trương mua bán cổ phiếu cùng ngành để kiếm lời trên sàn chứng khoán. Giá trị danh mục chứng khoán kinh doanh từng có lúc đạt mức 700 tỷ đồng giai đoạn nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên sau đó, con số này đã giảm dần khi công ty thực hiện thoái vốn.
Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 của Licogi 14 (mã L14) cho thấy khoản chứng khoán kinh doanh tại thời điểm 30/6 đạt 36,4 tỷ đồng, tăng 184%, tức gấp 2,8 lần sau 6 tháng. So với giá gốc, công ty đang lãi khoảng 13%, tương ứng với 4,1 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, Licogi 14 đã bán toàn bộ 500.000 cổ phiếu của Tập đoàn C.E.O (CEO) và 135.100 cổ phiếu của Hodeco (HDC) với trị giá 12,8 tỷ đồng. Ngược lại, công ty đã thực hiện mua vào loạt cổ phiếu ngành bất động sản gồm 500.000 cổ phiếu DIC Corp (DIG), 1 triệu cổ phiếu Novaland (NVL), 500.000 cổ phiếu Phát Đạt (PDR), 425.000 cổ phiếu Tân Tạo (ITA), và 8.700 cổ phiếu Cotana (CSC) thuộc ngành xây dựng.
Nhà Đà Nẵng rót hơn 300 tỷ đồng vào HPG, STB, VHM
Một gương mặt ngành bất động sản khác là CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (Mã: NDN), với danh mục tại cuối tháng 6 đạt 399 tỷ đồng. Khoản mục này chiếm đến với 34% tài sản ngắn hạn và 29% tổng sản. So với thời điểm cuối năm 2022, giá trị danh mục tăng tăng 75%. Nhà Đà Nẵng có nhiều năm "lướt sóng" trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tính đến cuối tháng 6/2023, các khoản đầu tư lớn nhất của Nhà Đà Nẵng gồm HPG (110 tỷ), STB (96 tỷ) và VHM (108 tỷ đồng). Phần lớn cổ phiếu trong danh mục đều có lãi, với HPG lãi 25 tỷ, STB lãi 6 tỷ, VND lãi 5 tỷ đồng. Trong khi đó, khoản đầu tư vào VHM đang lỗ 12,3 tỷ đồng và TCB lỗ 8,6 tỷ đồng.
3 khoản đầu tư chủ lực của Vĩnh Hoàn đều tăng trưởng
“Nữ hoàng cá tra” - Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) gia nhập thị trường chứng khoán đầu năm 2020 trong làn sóng bùng nổ nhà đầu tư F0 khi dịch COVID-19 bùng nổ. Kể từ thời điểm đó, công ty duy trì danh mục đầu tư cổ phiếu. Giá trị danh mục cổ phiếu đạt gần 124 tỷ đồng tại 30/6, tăng 20% sau 6 tháng. Ba khoản đầu tư chủ lực gồm NLG (65 tỷ), DXS (30,5 tỷ) và KBC (24,2 tỷ đồng) đều tăng trưởng.
Đáng chú ý, Vĩnh Hoàn đã trích lập dự phòng tổng cộng 51 tỷ đồng tại các khoản đầu tư này (trích lập dự phòng gần 77 tỷ đồng tại cuối 2022). DXS là khoản đầu tư mà Vĩnh Hoàn mua từ thời điểm Đất Xanh Service lên sàn và họ vẫn đang "gồng lỗ" cho đến thời điểm hiện tại.
Những cái tên gia nhập thị trường
Khác với các đơn vị trên, nhiều trường hợp chỉ mới phát sinh đầu tư trong 6 tháng đầu năm nay, khi giá trị chứng khoán kinh doanh ngắn hạn tại đầu năm 2023 bằng 0 hoặc nhỏ không đáng kể.
Báo cáo tài chính của CTCP Đầu tư và Xây dựng Vina2 (Mã: VC2) xuất hiện khoản chứng khoán kinh doanh trị giá 198 tỷ đồng tại cuối tháng 6. Con số này tương đương 1/10 tài sản ngắn hạn. Báo cáo không thuyết minh rõ công ty đã mua vào mã nào.
Trong quý II, Thép Nam Kim (Mã: NKG) quyết định rót 120 tỷ đồng (giá gốc) đầu tư trái phiếu phát hành bởi CTCP Bất động sản Hano-Vid, hưởng lãi suất 7,3%/năm. Tại 31/1/2022 và 30/6/2023, phía Nam Kim chưa xác định được giá trị hợp lý để thuyết minh vì khoản đầu tư này chưa niêm yết trên thị trường.
CTCP CMC (Mã: CVT) cũng vừa phát sinh khoản đầu tư trái phiếu ngắn hạn trị giá 100 tỷ đồng ghi nhận tại cuối tháng 6, hưởng lãi suất 9%/năm.
Sau 3 năm (2020 - 2022), CTCP Dược phẩm Bến Tre (Mã: DBT) đã quay lại hoạt động đầu tư chứng khoán ngắn hạn với việc rót hơn 39 tỷ đồng mua gần 3,5 triệu cổ phiếu đơn vị cùng ngành là CTCP Dược phẩm Trung ương Codupha (Mã: CDP). Qua đó, Dược phẩm Bến Tre trở thành cổ đông lớn tại Codupha với sở hữu 19% (cổ đông lớn nhất vẫn là Tổng Công ty Dược Việt Nam với hơn 66%).
CDP có thanh khoản thấp trên sàn HNX, thị giá gần như đi ngang qua một năm, kết phiên 17/8 tại 11.600 đồng/cp.
Như vậy, bắt nhịp hồi phục và khởi sắc của thị trường chứng khoán, một số doanh nghiệp đã giải ngân đầu tư cổ phiếu với giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng. Cũng có doanh nghiệp chi ra ở mức vài chục tỷ đồng, nhưng tại các doanh nghiệp nhỏ, cổ phiếu có thanh khoản thấp, thì họ cũng là những “ông lớn”.