Những khó khăn khi giải quyết tranh chấp bảo hiểm thông qua trung tâm trọng tài

16:37 | 17/07/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Ngoài những ưu điểm như thời gian, tính linh hoạt của thủ tục, vẫn có một số khó khăn, trở ngại đối với một số vụ tranh chấp bảo hiểm giải quyết thông qua trung tâm trọng tài.

Theo thống kê, số vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm kể từ 2011 đến nay gia tăng đáng kể tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Sự gia tăng các vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm có thỏa thuận điều khoản xử lý tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho thấy hoạt động của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam ngày càng hiệu quả, các phán quyết của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đã phần nào thuyết phục được các doanh nghiệp bảo hiểm và bên được bảo hiểm gửi trọn niềm tin.

Những khó khăn khi giải quyết tranh chấp bảo hiểm thông qua trung tâm trọng tài - ảnh 1
Bà Phạm Thanh Hải, Trưởng Ban bán chuyên trách, Pháp chế phi nhân thọ, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Tuy nhiên, bà Phạm Thanh Hải, Trưởng Ban bán chuyên trách, Pháp chế phi nhân thọ, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, hiện nay Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam vẫn gặp phải một số khó khăn, trở ngại trong giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm.

Thứ nhất, trọng tài thiếu các thiết chế hỗ trợ đi kèm và không có đầy đủ các quyền năng như Tòa án nên trong quá trình xét xử, trong một số thủ tục liên quan, trọng tài không thể tự mình mà cần phải thông qua Tòa án để thực hiện. Ví dụ trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm đảm bảo chứng cớ, trọng tài không thể ra quyết định mang tính chất bắt buộc về điều đó mà phải thông qua Tòa án thi hành.

Thứ hai, sự thành công của quá trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài chủ yếu phụ thuộc vào thái độ, thiện chí của các bên tranh chấp. Thực tiễn các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp khác, doanh nghiệp tư nhân, cá nhân (khách hàng của doanh nghiệp bảo hiểm) hiện nay chưa thực sự quan tâm đến việc lường trước các tranh chấp có thể phát sinh nên vẫn mơ hồ về các hình thức trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài...

Các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân chưa hiểu về trọng tài nên lựa chọn toà án, dẫn đến quá trình thương lượng trở nên khó khăn. Đặc biệt với các cá nhân như doanh nghiệp tư nhân tàu cá, xe cộ, bảo hiểm con người... sự hiểu biết về trọng tài còn thiếu. Do đó, theo bà Hải, cần đẩy mạnh hơn nữa những ưu điểm của trung tâm trọng tài trong quá trình đàm phán hợp đồng liên quan tranh chấp này.

Cùng với đó, có những tranh chấp liên quan người thụ hưởng. Có thể khi làm hợp đồng chỉ đưa tên người thụ hưởng nhưng bản thân người thụ hưởng không trực tiếp ký vào hợp đồng, dẫn tới vụ việc kéo dài và khó giải quyết.

Bà Hải nhấn mạnh, trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp định hướng cho các doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng để tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời làm giảm sự quá tải về số lượng vụ việc cho hệ thống tòa án.