Nợ công sau 5 năm giảm mạnh, bội chi ngân sách dần được kiểm soát

11:56 | 14/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cả 3 tiêu chí nợ công/GDP, nợ Chính phủ/GDP và nợ Nước ngoài quốc gia/GDP đều dưới ngưỡng mục tiêu đã đặt ra.

Cả 3 tiêu chí nợ công/GDP, nợ Chính phủ/GDP và nợ Nước ngoài quốc gia/GDP đều dưới ngưỡng mục tiêu đã đặt ra. 

Nợ công sau 5 năm giảm mạnh, bội chi ngân sách dần được kiểm soát - ảnh 1

Trong báo cáo mới đây về thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã cập nhật một số thông tin đáng chú ý về tình hình nợ công quốc gia, trong đó có nợ do Chính phủ bảo lãnh tới 2019 và dự kiến đến hết 2020. 

Sau một giai đoạn nợ công liên tục mở rộng, để đảm bảo thực hiện việc kiểm soát an toàn nợ công trong giai đoạn 2016-2020, từ cuối năm 2015, các đầu mối chức năng đã xây dựng lộ trình nhằm đảm bảo mục tiêu đến năm 2020 dư nợ vay được Chính phủ bảo lãnh có thể ở mức 15,6% tổng dư nợ công và trong khoảng 10% GDP theo kịch bản đã trình Quốc hội (với giả định GDP dự kiến tăng 6,5-7%/năm và lạm phát khoảng 5%/năm).

Trong 9 tháng đầu năm 2020, Chính phủ chưa cấp bảo lãnh cho dự án mới. Dư nợ Chính phủ bảo lãnh theo đó tiếp tục giảm mạnh.

Tính đến cuối tháng 9/2020, dư nợ Chính phủ bảo lãnh tiếp tục giảm khoảng 30,6 nghìn tỷ đồng (tương đương mức giảm 7,6%) so với cuối năm 2019, chủ yếu do các dự án vay trong nước, nước ngoài tiếp tục trả nợ ròng.

Với những diễn biến khó lường và tác động toàn diện từ đại dịch Covid-19, Chính phủ dự kiến năm 2020 bội chi ngân sách nhà nước ước khoảng 4,99% GDP, nợ công khoảng 56,8% GDP, nợ Chính phủ khoảng 50,8% GDP.

Liên quan đến tình hình nợ công, trước đó tại dự thảo báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ cũng đã đánh giá nợ công năm 2020 có thể tăng đến 56 - 57% GDP, song vẫn thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2016 - 2020 là không quá 65% GDP.

Cũng tại dự thảo báo cáo này, Chính phủ cho biết sau 5 năm, đã có 14/22 các mục tiêu được giao đã hoàn thành và dự kiến hoàn thành (chiếm gần 68,2%). Trong đó, có 5 mục tiêu liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân sách dự kiến vượt xa so với kế hoạch đề ra.

Đó là, mục tiêu quy mô nợ công giảm mạnh từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55% GDP cuối năm 2019.

Thứ hai là quy mô nợ chính phủ đã giảm mạnh từ 52,7% năm 2016 xuống 48% GDP đến cuối năm 2019, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu không quá 54%.

Thứ ba là dư nợ thị trường trái phiếu đến năm 2019 đạt 40,14% vượt xa so với mục tiêu đến năm 2020 đạt 30% GDP. (Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 của Thủ tướng đã nâng mục tiêu này lên 45% GDP vào năm 2020).

Một mục tiêu khác đã hoàn thành là tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm mạnh từ 44% năm 2015 xuống 41,9% năm 2016, và ước năm 2020 còn 33,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu dưới 40%.

Cuối cùng là năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 43,16%, vượt xa so với mục tiêu 30%-35% được đề ra. 

Theo Tuấn Việt  - Nhịp sống doanh nghiệp

Xem thêm: NHNN công bố quyết định bổ nhiệm Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ