Ông chủ của dự án hơn 4.400 tỷ vừa được Hà Tĩnh đề xuất chuyển đổi hơn 1.000 ha đất rừng là ai?
Hơn 1.000 ha đất rừng cho siêu dự án
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn cho biết, dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước khu kinh tế Vũng Áng gồm công trình hồ Rào Trổ và đập dâng Lạc Tiến là dự án có quy mô, diện tích thực hiện 2.845 ha với dung tích 162,4 triệu m3 nước, có cao trình đỉnh tường chắn sóng +84,6m.
Mục tiêu của dự án là cấp nước cho khu công nghiệp Vũng Áng với công suất 762.000m3/ngày đêm, cấp nước sinh hoạt cho thị trấn Kỳ Anh 12.000m3/ngày đêm, cấp nước tưới ốn định cho 1.335 ha đất canh tác và 300ha đất nuôi trồng thủy sản, góp phần giảm lũ cho hạ du, cải thiện môi trường cảnh quan phục vụ du lịch.
UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất với Bộ NN&PTNT trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cho phép chuyển đổi 1.107 ha đất rừng cho công trình hồ Rào Trổ và đập dâng Lạc Tiến thuộc dự án cấp nước khu kinh tế Vũng Áng.
Trong đó, hồ Rào Trổ 1.089 ha gồm rừng tự nhiên 371 ha, rừng trồng nguyên liệu 252 ha, rừng trồng cao su 465 ha; diện tích cho đập dâng Lạc Tiến là 17,9 ha rừng trồng nguyên liệu.
Hiện tại số diện tích rừng đề nghị chuyển đổi mục đích sang thực hiện dự án có 366 ha thuộc quyền quản lý của Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, 479 ha thuộc quyền quản lý của công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh và 261 ha do hộ gia đình quản lý.
Trước năm 2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao công ty Cổ phần Kinh doanh nước Hà Tĩnh làm chủ đầu tư với nguồn vốn xã hội hóa. Công ty này triển khai thực hiện dự án với giá trị khối lượng ước đạt hơn 33 tỷ đồng.
Nhưng do dự án thực hiện chậm tiến độ nên ngày 25/3/2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư dự án của công ty Cổ phần Kinh doanh nước Hà Tĩnh. Khoảng một tháng sau đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản đồng ý cho công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Sơn lập hồ sơ, thủ tục dự án cấp nước cho KKT Vũng Áng.
Công ty Hoàng Sơn là cổ đông chính (nắm giữ 92% vốn điều lệ) của công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vũng Áng - chủ đầu tư dự án hệ thống cấp nước KKT Vũng Áng (công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vũng Áng được Ban quản lý KKT Vũng Áng cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào tháng 8/2011).
Đến tháng 9/2012, chủ đầu tư có quyết định phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư lên tới hơn 4.415 tỷ đồng, bao gồm vốn tự có, vốn vay và vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Tháng 4/2013, Thủ tướng Chính phủ đồng ý ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các hạng mục đầu tư của dự án 1.269 tỷ đồng. Hiện tại, ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách, vốn chủ sở hữu tại dự án 1.000 tỷ đồng, vốn vay từ ngân hàng 2.146 tỷ đồng.
Những dự án 'khủng' của Hoành Sơn Group
Ông Phạm Hoành Sơn, Chủ tịch HĐQT Hoành Sơn sinh năm 1972, được biết đến là người sáng lập Tập đoàn Hoành Sơn từ năm 2001, đồng thời được xem là một đại gia tại Hà Tĩnh hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, xây dựng, khoáng sản, đầu tư cảng biển... Từ buổi đầu chỉ có lưng vốn ít ỏi, sau 20 năm, ông chủ Tập đoàn Hoành Sơn (Hoành Sơn Group) đã triển khai đầu tư nhiều dự án lớn với giá trị hàng chục ngàn tỷ đồng.
Hoành Sơn Group đầu tư mở rộng quy mô hoạt động trên mọi lĩnh vực thương mại, giao thông, vận tải, xây dựng, khai thác khoáng sản, sản xuất phân bón... đồng thời mở rộng thị trường hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa xây dựng sang các nước và vùng lãnh thổ, đặc biệt lĩnh vực đầu tư xây dựng các dự án lớn, tiềm năng như: cảng biển, năng lượng điện tái tạo, nhà ở chung cư cao cấp, khu đô thị, các công trình thủy lợi lớn, nhà máy nhiệt điện mặt trời... từ đó Hoành Sơn Group đã trở thành một Tập đoàn kinh doanh tổng hợp đa ngành nghề, nắm trong tay nhiều dự án với nguồn vốn đầu tư lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng.
Hoành Sơn Group đã đầu tư thành công nhiều công trình dự án, như dự án thủy lợi Rào Trổ cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng. Đây là công trình có số vốn đầu tư lên tới 4.500 tỷ đồng, một dự án đòi hỏi thời gian cấp bách, đa mục tiêu kịp thời cung cấp nước phục vụ cho cả khu kính tế Vũng Áng và Khu liên hiệp gang thép Formosa.
Tiếp đến là dự án tổng hợp quốc tế Cảng nước sâu Vũng Áng. Đây là dự án cảng tổng hợp quốc tế và dịch vụ hậu cần, nhằm tiếp nhận tàu hàng trọng tải từ 40.000 tấn, tổng diện tích 16 ha với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ .
Hoành Sơn Group cũng được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận đầu tư Dự án điện mặt trời tại xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) với tổng mức đầu tư trên 1.458 tỷ đồng, công suất dự kiến 50 MW, bao gồm 200.000 tấm pin mặt trời loại đa tinh thể, hòa vào lưới điện quốc gia theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt. Thời hạn hoạt động dự án là 50 năm.
Hoành Sơn Group hiện cũng đã và đang triển khai thực hiện nhiều dự án khác trên địa bàn cả nước như Dự án xây dựng chung cư nhà ở xã hội cho cán bộ chiến sỹ Bộ Công an thuộc khu tập thể 282 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội; Dự án Tổ hợp thương mại và nhà ở Sao Vàng Hoành Sơn - 231 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội; Dự án điện gió, điện mặt trời tại Quảng Trị; Dự án nhà máy sản xuất phân lân và NPK công suất 800.000 tấn/năm tại KKT Vũng Áng... Đặc biệt, Dự án trung tâm thương mại Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh bao gồm tòa nhà trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng cho thuê, khách sạn tiêu chuẩn 4 sao …
Cuối năm 2019, Hoành Sơn Group tiếp tục triển khai dự án Nhà máy bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh công suất 50 triệu lít/năm tại Khu công nghiệp Cổng Khánh 2, phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh.
Chủ tịch Tập đoàn Hoành Sơn được CTCP Cao su Sao Vàng bầu vào làm thành viên HĐQT Cao su Sao Vàng nhiệm kỳ 2016-2021. Được biết, mối liên hệ giữa SRC và Tập đoàn Hoành Sơn thể hiện ở việc góp vốn thành lập Công ty TNHH Sao Vàng - Hoành Sơn, đơn vị thực hiện dự án tổ hợp thương mại và nhà ở cùng tên tại 231 Nguyễn Trãi (khu đất thuộc sở hữu SRC). Trong đó, SRC nắm 26% và Tập đoàn Hoành Sơn nắm 44,59% vốn.