Ông Jerome Powell: FED sẽ kiềm chế lạm phát trong dài hạn nhưng sẽ không tránh khỏi rủi ro

Phương Lê 16:45 | 30/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Phát biểu tại diễn đàn của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 29/6, Thống đốc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell nhấn mạnh lập trường cứng rắn của mình trong việc đối phó với lạm phát đang ở mức cao nhất trong hơn 40 năm.

Tại diễn đàn của Ngân hàng Trung ương châu Âu hôm 29/6 diễn ra ở Bồ Đào Nha, Thống đốc FED Jerome Powell phát biểu:  "Chúng ta đang sống trong một thế giới mà nền kinh tế phải chịu tác động bởi nhiều lực lượng khác nhau kể từ sau đại dịch. Chúng ta không thể biết chắc chắn liệu thế giới có thể quay lại như trước kia được hay không”.

Bà Christine Lagarde, người đồng cấp của ông Powell ở châu Âu, đưa ra một nhận định ảm đạm hơn, rằng kỷ nguyên lạm phát thấp trước năm 2020 khó có thể quay trở lại. Đề cập đến căng thẳng Nga  - Ukraine, bà Lagarde nói: “Nhiều yếu tố nảy sinh từ hậu quả của đại dịch, cú sốc địa chính trị đã làm thay đổi bức tranh kinh tế”. 

Các nhà chức trách nhấn mạnh thách thức mà các ngân hàng trung ương phải đối mặt khi lạm phát gia tăng tại nhiều nền kinh tế phát triển. Giá cả hàng hóa và nhiều loại dịch vụ trở nên đắt đỏ hơn là hậu quả của những cú sốc không lường trước như việc đóng cửa nhà máy, gián đoạn vận tải, logistic tắc nghẽn, giá cả thực phẩm và nhiên liệu nhảy vọt do xung đột ở Ukraine. 

Trong bối cảnh đó, các ngân hàng trung ương siết chặt chính sách tiền tệ để tiền vay trở nên đắt đỏ nhằm làm chậm nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp để phù hợp với nguồn cung hàng hóa và dịch vụ hạn chế.

 Dự báo lãi suất điều hành của các thành viên thị trường mở FOMC trong 2 cuộc họp gần nhất. 

Khi lạm phát gia tăng với tốc độ nhanh nhất trong bốn thập kỷ ở Mỹ, các nhà hoạch định chính sách FED đã nhanh chóng tăng lãi suất. Trong đó, mức tăng lãi suất vào tháng 6 là 0,75%.  Ông Powell cho biết: “Mục đích của việc tăng lãi suất là nhằm làm chậm lại tốc độ tăng trưởng để nguồn cung có cơ hội bắt kịp nhu cầu. Đó là một sự điều chỉnh cần thiết." Ông nhấn mạnh: "Có quá nhiều cú sốc đang đẩy lạm phát lên cao, trách nhiệm của chúng tôi là ngăn điều đó xảy ra". Ông Powell cũng nhấn mạnh cần phải nắm bắt triển vọng lạm phát trong dài hạn để tình trạng này không trở nên bám rễ sâu vào nền kinh tế.

Kể từ khi FED bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3, các chỉ số thị trường về kỳ vọng lạm phát đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, các cuộc khảo sát khác cho thấy người tiêu dùng dự đoán giá sẽ tiếp tục leo thang. Trách nhiệm khó khăn của FED là hạ nhiệt lạm phát nhưng không làm suy thoái kinh tế. Ông Powell trước đó đã nói về việc đưa nền kinh tế hạ cánh nhẹ nhàng, nhưng sau đó thừa nhận rằng những nỗ lực của ngân hàng trung ương nhằm giảm nhu cầu tiêu dùng và kinh doanh để hạ nhiệt lạm phát “rất có thể sẽ dẫn đến một số nỗi đau” cho nền kinh tế. 

Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, trong bối cảnh nguy cơ lạm phát cao kéo dài cùng triển vọng tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng có kế hoạch tăng lãi suất lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ tại cuộc họp vào tháng 7. Bà Lagarde đã báo hiệu rằng khi ECB tăng lãi suất tăng trở lại vào tháng 9 với mức tăng lớn hơn.

Ngân hàng Trung ương Anh bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 12 và cố gắng đi một "con đường hẹp" giữa việc kiềm chế lạm phát và ngăn không cho nền kinh tế đình trệ. Lạm phát tại Anh đạt mức cao nhất trong 40 năm là 9,5% vào tháng 5, chi phí sinh hoạt, thực phẩm và nhiên liệu tăng vọt. 

Ông Andrew Bailey, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, khẳng định: “Nếu lạm phát kéo dài dai dẳng hơn, chúng tôi sẽ hành động mạnh mẽ hơn”.

Khu vực đồng euro và Anh đều đã trải qua những cú sốc giá năng lượng nặng nề, tình hình càng trở nên trầm trọng hơn khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Các ngân hàng trung ương ở châu Âu cực kỳ cảnh giác với lạm phát vòng hai khi các doanh nghiệp trong nước tạo ra giá cao hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ.

Khi các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới siết chặt chính sách tiền tệ, nền kinh tế toàn cầu dường như đang bị tổn hại theo hướng suy giảm rõ rệt. Ngân hàng Thanh toán Quốc tế tuần này đã cảnh báo trong báo cáo thường niên rằng nguy cơ “lạm phát đình trệ" và "hạ cánh khó khăn” sẽ xảy ra nếu lạm phát ở mức cao kéo dài khiến các ngân hàng trung ương kìm hãm tăng trưởng, thị trường tài chính cũng như các công ty mắc nợ rơi vào tình trạng căng thẳng.