'Ông lớn' bất động sản Trung Quốc Evergrande lỗ hơn 81 tỷ USD
Cụ thể, trong năm 2021, Evergrande lỗ 476 tỷ NDT (66,36 tỷ USD) và năm 2022 là 105,9 tỷ NDT (14,76 tỷ USD). Công ty cho biết phần lớn tổn thất đến từ chi phí trả lại đất đai, ghi giảm tài sản, tổn thất tài sản tài chính và chi phí tài chính.
Vào năm ngoái, tổng nợ phải trả của Evergrande lên tới 2.400 tỷ NDT, tăng 23% so với năm 2020, trong khi tổng tài sản trị giá 1.800 tỷ NDT, giảm 20%. Cùng năm, doanh thu của Evergrande giảm 55% so với năm 2020, xuống còn 230,1 tỷ NDT.
Các nhà phân tích nhận định khoản lỗ của Evergrande phù hợp với dự báo khi doanh thu theo hợp đồng lần lượt giảm xuống 443 tỷ NDT và 31,7 tỷ NDT, thấp hơn nhiều so với mức 723 tỷ NDT của năm 2020.
Trong bản báo cáo của hai công ty Prism Hong Kong and Shanghai Limited, chịu trách nhiệm kiểm toán cho Evergrande, các kiểm toán viên cho biết họ không đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính của công ty vì không thể thu thập đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở.
Evergrande – nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc – vào năm 2021 bị vỡ nợ và hiện vẫn đang nỗ lực hoàn thành các dự án, cũng như trả nợ cho nhiều nhà cung cấp và các chủ nợ.
Vào tháng Ba năm ngoái, Evergrande đã không thể công bố kết quả kiểm toán năm 2021 theo khung thời gian quy định của sàn giao dịch chứng khoán HongKong (Trung Quốc), với lý do phải thực hiện "một số lượng lớn các thủ tục kiểm toán bổ sung" và ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.
Kết quả là ngày 21/3/2022, cổ phiếu của Evergrande niêm yết trên sàn HongKong bị ngừng giao dịch kể từ ngày 21/3/2022, trong khi chờ báo cáo tài chính năm 2021 và 2022, cũng như cuộc điều tra về khoản tiền gửi 13,4 tỷ nhân dân tệ (NDT) bị tịch thu từ một công ty con của Evergrande, cùng với một số các khoản tài chính khác. Công ty thậm chí có nguy cơ bị hủy niêm yết nếu cổ phiếu bị đình chỉ trong 18 tháng.
Evergrande đã trở thành hiện thân của một cuộc khủng hoảng rộng lớn hơn trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc - chiếm khoảng 1/4 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế. Trong ba năm gần đây, các nhà phát triển lớn - bao gồm cả Evergrande - đã không thể hoàn thành các dự án nhà ở mới, gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường, với các cuộc biểu tình và tẩy chay thế chấp từ người mua nhà.
Từ cuối năm 2022, Trung Quốc và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã công bố các biện pháp mới, nhằm thúc đẩy "sự phát triển ổn định và lành mạnh" của ngành bất động sản. Các biện pháp này bao gồm hỗ trợ tín dụng cho các nhà phát triển đang mắc nợ, cho vay tài chính để đảm bảo hoàn thành dự án và cung cấp các khoản vay trả chậm cho người mua nhà./.