Evergrande đưa ra đề xuất tái cơ cấu sơ bộ nhằm trấn an chủ nợ nước ngoài
Tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc ngày 29/7 cho hay họ sẽ cung cấp các gói tài sản cho chủ nợ nước ngoài, trong đó có thể bao gồm cổ phiếu của hai đơn vị niêm yết ở nước ngoài như một động thái xoa dịu, khi cuộc khủng hoảng thanh khoản trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc vẫn tiếp tục.
Theo bản cập nhật về đề xuất tái cơ cấu sơ bộ của Evergrande, hai đơn vị được niêm yết sẽ là công ty dịch vụ bất động sản Evergrande Property Services Group Ltd và nhà sản xuất xe điện China Evergrande New Energy Vehicle Group Ltd.
Một nguồn tin quen thuộc với kế hoạch tái cơ cấu cho hay Evergrande muốn hoàn thành công việc thẩm định của tập đoàn vào tháng tới, trước khi bắt đầu đàm phán với các chủ nợ về các điều khoản cụ thể. Mục tiêu của nhà phát triển là công bố một kế hoạch tái cơ cấu với nhiều chi tiết hơn và sẽ có sự chấp thuận của các chủ nợ chính vào tháng 11.
Cũng trong thông báo ngày thứ Sáu, Evergrande cho biết quá trình thẩm định vẫn đang tiếp tục do quy mô và độ phức tạp của tập đoàn, cũng như những "khó khăn" mà họ đang gặp phải.
Trong khi đó, một số trái chủ nước ngoài tỏ ra không mấy ấn tượng với bản cập nhật mới nhất của Evergrande. Một người cho biết bản cập nhật thật đáng thất vọng nhưng không nằm ngoài dự đoán. Theo người này, Evergrande không thể đưa ra bất cứ thông tin cụ thể nào vì tất cả đều biết rằng tập đoàn hiện nay đã trở thành một "xác sống".
Cũng trong tuyên bố hôm thứ Sáu, Evergrande dự kiến họ sẽ mất một thời gian tương đối dài để khôi phục hoạt động và giá trị tài sản cho tất cả các bên liên quan, do tình hình thị trường bất động sản ở Trung Quốc cũng quy mô tổng thể của tài sản và nợ phải trả của công ty.
[Evergrande đã tìm được bên muốn mua lại tòa nhà trụ sở tại Hong Kong]
Trong nửa đầu năm 2022, doanh thu theo hợp đồng của Evergrande đạt 12,3 tỷ nhân dân tệ (1,8 tỷ USD), giảm rất sâu so với con số 356,8 tỷ nhân dân tệ (52,9 tỷ USD) ghi nhận cùng kỳ một năm trước đó. Tập đoàn cũng cho biết họ đang nỗ lực hết sức để nối lại hoạt động và Evergrande đã "tiếp tục một phần hoặc hoàn toàn" việc xây dựng 96% các dự án đã bán và chưa giao của mình.
Đề xuất tái cơ cấu sơ bộ mới nhất của Evergrande được đưa ra trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, một trụ cột chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang chao đảo hết cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác. Lĩnh vực này đã chứng kiến một chuỗi các vụ vỡ nợ do các nhà phát triển thiếu hụt tiền mặt.
Với khoản nợ hơn 300 tỷ USD phải trả, Evergrande - từng là nhà phát triển bán chạy hàng đầu Trung Quốc, đã trở thành tâm điểm của cuộc khủng hoảng trên. Kế hoạch tái cơ cấu nợ của họ được coi là một khuôn mẫu khả thi cho những công ty khác./.