PG Bank đặt mục tiêu lãi trước thuế tăng 33%, không tăng vốn 12 năm liên tiếp
Kế hoạch lợi nhuận tăng 33%, không tăng vốn điều lệ
Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, PG Bank dự kiến trình cổ đông phương án tăng tổng tài sản 7,7%, tương đương 3.138 tỷ đồng so với cuối năm 2021 lên 43.659 tỷ đồng. Tổng huy động (cả thị trường 1 và thị trường 2) dự kiến tăng 7,8%, đạt 38.453 tỷ đồng tăng 7,8%, trong đó huy động vốn thị trường 1 đạt 30.848 tỷ đồng, tăng 9,9% so với năm 2021. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 29.885 tỷ đồng, tăng 8,7%. Dự kiến thu hồi nợ tổng cộng 700,6 tỷ đồng.
Ngân hàng dự kiến tăng tổng giá trị danh mục trái phiếu chính phủ thêm khoảng 406 tỷ đồng. Lợi nhuận từ trái phiếu tự doanh dự kiến đạt 20 tỷ đồng trong năm. Doanh số mua bán ngoại tệ dự kiến 10 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 430 tỷ đồng, tức tăng 33,1% so với mức thực hiện năm 2021 là 323 tỷ đồng.
Trước đó, tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản PG Bank đạt 40.521 tỷ đồng, tăng 12,19% tương đương tăng 4.368 tỷ đồng so với cuối năm 2020. Tổng huy động vốn đạt 35.680 tỷ đồng, đạt 109,7% kế hoạch năm và tăng 13,0% so với năm 2020. Dư nợ tín dụng đến ngày 31/12/2021 đạt 27.929 tỷ đồng, đạt 100,7% kế hoạch và 7,1%.
Nợ xấu (3-5) là 694 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu 2,52%. Con số này tăng 0,08% so với tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2020 là 2,44%. Trong năm 2021, ngân hàng thu xử lý nợ được 918,5 tỷ đồng, đạt 130% kế hoạch.
Tổng giá trị danh mục trái phiếu chính phủ đến 31/12/2021 đạt 1.858 tỷ đồng, trái phiếu tự doanh đạt 200 tỷ đồng. Tổng doanh số mua bán ngoại tệ 12 tháng đạt 6.286,8 triệu USD, lợi nhuận đạt 21,7 tỷ đồng, tương đương 130% kế hoạch.
Lợi nhuận kế toán trước thuế năm 2021 đạt 323,3 tỷ đồng, tương đương 104,3% kế hoạch.
Về kế hoạch vốn điều lệ, PG Bank tiếp tục không đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ trong năm nay, mà vẫn duy trì mức vốn 3.000 tỷ đồng bằng với năm 2021. Như vậy, đây dự kiến là năm thứ 12 liên tiếp PG Bank không tăng vốn điều lệ kể từ năm 2010, khi ngân hàng này quyết định tăng vốn từ 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần mới và chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu.
Với việc không tăng vốn điều lệ 12 năm liên tục, PG Bank hiện là nằm trong nhóm những ngân hàng vốn điều lệ thấp nhất trong số 27 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, PG Bank dự kiến trình cổ đông phương án trích 5% cho quỹ bổ sung vốn điều lệ và 10% cho quỹ dự phòng tài chính từ phần lợi nhuận sau thuế hơn 258 tỷ đồng. Như vậy, sau trích quỹ, lợi nhuận chưa phân phối năm 2021 dự kiến còn 219,6 tỷ đồng.
Giảm mạnh room ngoại về 2%
Một nội dung quan trọng khác sẽ được PG Bank trình cổ đông thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 là việc giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa từ mức 30% hiện tại về chỉ còn 2%.
Theo đó, tờ trình cho biết Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hiện đang triển khai việc thoái toàn bộ vốn tại PG Bank thông qua hình thức đấu giá công khai tại Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Do đó, để đảm bảo nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tham gia và trúng đấu giá không vi phạm tỷ lệ sở hữu của NĐTNN tối đa theo quy định là 30%, PG Bank đề xuất ĐHĐCĐ thông qua phương án điều chỉnh tạm thời room ngoại, theo đó giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại giao dịch trên sàn UPCOM về 2% vốn điều lệ PG Bank.
Dự kiến thời gian áp dụng tỷ lệ sở hữu nước ngoài điều chỉnh tạm thời là từ khi có Giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng do Ủy ban chứng khoán Nhà nước cấp cho phía Petrolimex cho tới khi Petrolimex nhận được công văn từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trả lời về kết quả chào bán cổ phiếu ra công chúng.
Trước đó, nội dung giảm room ngoại này đã được ĐHĐCĐ bất thường ngày 21/7/2021 thông qua. Hiện tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại PG Bank ở mức gần 0%.