PGS.TS Phạm Thế Anh: Chứng khoán, bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn năm 2022

Nguyễn Minh Quyết 16:11 | 24/01/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế Vĩ mô, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhận định chứng khoán, bất động sản vẫn sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2022.

Chia sẻ quan điểm về xu hướng dòng vốn và chính sách tiền tệ tại buổi tọa đàm mới đây, PGS.TS. Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế, Trưởng bộ môn Kinh tế Vĩ mô, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết chính sách của Việt Nam tương đối đi sau so với thế giới. Trong hai năm qua, nới lỏng tiền tệ tại các quốc gia trên thế giới diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là các nước phát triển.

Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, Việt Nam mới bàn thảo, thông qua về gói kích thích kinh tế. Trong hai năm qua, Việt Nam cũng đã thực hiện các chính sách nới lỏng tiền tệ ở quy mô vừa phải.

Vấn đề đặt ra là khi các gói kích thích, bơm tiền ra nền kinh tế được thực hiện sẽ dẫn đến nguy cơ lạm phát tăng cao. 

PGS TS Phạm Thế Anh. (Ảnh: VEPR).  

Theo ông Thế Anh, thời gian vừa qua CPI của Việt Nam đang được duy trì ở mức thấp, song nếu chỉ nhìn vào CPI là chưa đầy đủ, chưa phản ánh được thực trạng giá cả trên thị trường. 

Bên cạnh giá cả tiêu dùng còn phải nhìn vào cả giá tài sản. Thực tế cho thấy, nới lỏng tiền tệ đang khiến giá các loại tài sản tăng mạnh. Do dòng vốn, nguồn lực trong nền kinh tế đang tắc nghẽn không đi vào sản xuất kinh doanh và lãi suất hạ thấp càng khiến tâm lý đầu cơ vào thị trường tài sản. 

Với xu hướng tăng lãi suất trên thế giới, trong năm 2022, ông Thế Anh đánh giá lãi suất của Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm hoặc giữ ở mức ổn định. Với các quyết sách Chính phủ hiện nay, sẽ rất khó để tăng lãi suất trong năm 2022 để phục vụ cho sự phục hồi của nền kinh tế. 

Về tỷ giá, đồng Việt Nam có thể mất giá đôi chút, nhưng nếu có giảm thì cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều do năm vừa qua đồng Việt Nam đã tăng giá.

Đánh giá về thị trường tài sản tại Việt Nam, mặc dù nền kinh tế đang phải đối diện với nguy cơ lạm phát và bong bóng tài sản tăng cao, song theo ông Phạm Thế Anh, khả năng vỡ bong bóng khó xảy ra. 

"Nguyên nhân là do khi thị trường chứng khoán và đặc biệt là bất động sản đã lên cao rồi sẽ rất khó xuống. Có thể, sau những đợt tăng nóng, thị trường sẽ điều chỉnh giảm một chút so với mức đỉnh, nhưng để xảy ra cú sập là rất khó", ông Phạm Thế Anh chia sẻ.

Theo ông, Việt Nam đang thiếu vắng các kênh đầu tư, tích trữ tài sản. Vì vậy, giới nhà giàu và những người có tiền đều đổ vốn vào bất động sản. Bất động sản chỉ tập trung ở phần trăm dân số rất ít những người giàu, họ chấp nhận giữ tài sản đó trong vòng 3 - 5 năm, khi chưa có nhu cầu sử dụng nguồn vốn lớn, thì sẽ chưa rút tiền ra khỏi bất động sản.

Mặt khác, với mức tăng dân số, tốc độ đô thị hoá cao, nhu cầu của nhà đầu tư đối với bất động sản hiện nay là rất lớn. Nhu cầu lớn sẽ càng đẩy giá bất động sản tăng cao.

Tương tự, đối với thị trường chứng khoán, ông Thế Anh cho rằng, sau đợt tăng nóng, thời gian gần đây, thị trường chứng khoán đang điều chỉnh mạnh. Tuy nhiên, những doanh nghiệp niêm yết trên sàn không đại diện cho toàn bộ các doanh nghiệp trong nền kinh tế. 

Bởi Việt Nam có khoảng 700.000 doanh nghiệp nhưng số doanh nghiệp niêm yết trên sàn chỉ 1.000 doanh nghiệp. 

Hơn nữa, tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam không phải mức quá nóng so với các thị trường khác trên thế giới. Do đó, rủi ro sập thị trường là rất khó xảy ra.

Trong năm 2022, nếu lãi suất ngân hàng tiếp tục được giữ ở mức thấp, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ tiếp tục hấp dẫn, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế chưa thực sự phục hồi chắc chắn.

Chia sẻ thêm, ông Thế Anh cho rằng trừ trường hợp trong năm 2022 lạm phát tăng mạnh, Chính phủ mới nghĩ đến các kịch bản tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ. Còn quan điểm chủ đạo hiện nay là sẽ cố gắng giữ lãi suất ở mức thấp nhằm giúp các doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn giá rẻ để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam, nhận định mặc dù nguy cơ bong bóng tài sản, lạm phát đang dần hiện hữu nhưng với quan điểm điều hành của Chính phủ xác định mục tiêu là phục hồi kinh tế, chính sách tiền tệ linh hoạt có thể tiếp tục được duy trì và nếu có thì tín hiệu thu hẹp thận trọng sẽ được phát ra vào cuối năm 2022. 

Vấn đề quan trọng là dòng vốn có thực sự chảy vào sản xuất, hay tiếp tục chảy vào thị trường tài sản? Bên cạnh đó, tỷ giá vẫn sẽ ổn định khi nhìn vào cán cân thanh toán, lượng ngoại tệ vào nước ta vẫn dồi dào. Đó là cơ sở để giữ tỷ giá dù thay đổi cũng không thay đổi nhiều.