Phát triển bền vững sẽ tạo thị trường trị giá ít nhất 12.000 tỷ USD

17:52 | 06/07/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đó là thông tin được ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD) trích dẫn tại Hội nghị toàn quốc về Phát triển Bền vững 2018, diễn ra tại Hà Nội, ngày 5/7.

Phát triển bền vững sẽ tạo thị trường trị giá ít nhất 12.000 tỷ USD - ảnh 1

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về Phát triển Bền vững 2018. (Ảnh: DNVN/Nhật Tân).
Doanh nghiệp-trung tâm thực hiện phát triển bền vững

Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc được coi là nền tảng để Việt Nam đưa ra chương trình hành động riêng cho mình. Đây là chương trình bám sát mục tiêu của LHQ và sẽ được báo cáo kết quả thực hiện  với Liên Hợp Quốc.

Trong quá trình thực hiện mục tiêu trên, doanh nghiệp chính là một đối tượng trung tâm của việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Ông Lộc đưa ra thông báo Chính phủ đã thành lập Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh với sự tham gia của các bộ, ngành, các tổ chức và đại diện của các doanh nghiệp.

VCCI cũng thành lập Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững trên cơ sở triển khai chương trình hành động của Hội đồng quốc gia và bám sát mục tiêu của LHQ.

“Chúng tôi đã có những thành viên sáng lập ban đầu gồm gần 100 doanh nghiệp hàng đầu trong nước và quốc tế. Trong thời gian qua, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững đã làm được nhiều việc, đặc biệt là nâng cao nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu mô hình kinh nghiệm tốt về phát triển bền vững. Xây dựng bộ chỉ số phát triển bền vững để hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc một cách cụ thể, thiết thực và phù hợp với trình độ và điều kiện của các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Lộc cho biết.

Không sợ quy mô siêu nhỏ, chỉ sợ không đạt chuẩn

Phát triển bền vững sẽ tạo thị trường trị giá ít nhất 12.000 tỷ USD - ảnh 2
17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Nguồn: VCCI 
Mặc dù các doanh nghiệp của Việt Nam phần lớn là nhỏ, vừa, thậm chí siêu nhỏ nhưng đứng trước yêu cầu phát triển bền vững, Chủ tịch VCCI cho rằng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đóng vai trò là người tiên phong.

“Chúng ta sẽ không sợ quy mô siêu nhỏ, nhưng chúng ta sợ không đạt chuẩn. Đạt chuẩn, hướng tới mô hình phát triển bền vững thì chúng ta sẽ kết nối được giá trị toàn cầu để phát triển. Nếu doanh nghiệp lớn mà không đạt chuẩn, không hướng tới mô hình phát triển bền vững, thì sẽ không cạnh tranh được. Rất mong là chúng ta sẽ có được những mô hình thành công về phát triển bền vững ở Việt Nam để có thể nhân rộng”, ông Lộc nói.

Thị trường ít nhất 12.000 tỷ USD, đem lại 380 triệu việc làm

Phát triển bền vững sẽ tạo thị trường trị giá ít nhất 12.000 tỷ USD - ảnh 3
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị. (Ảnh: DNVN/Nhật Tân). 
Tại Hội nghị, dẫn báo cáo của Liên Hợp Quốc, Chủ tịch VCCI cho biết, việc thực hiện thành công các mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững sẽ tạo ra được một thị trường trị giá ít nhất là 2.000 tỷ USD cho khu vực tư nhân vào năm 2030 và thậm chí còn cao hơn như thế.

Trong đó, trên 50% giá trị thị trường được tạo ra do việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững là từ các nước đang phát triển chứ không phải là từ các nước phát triển.

Ông Lộc cũng trích dẫn thông tin từ Báo cáo “Kinh doanh tốt hơn, Thế giới tốt hơn” của Ủy ban Kinh doanh và Phát triển Bền vững (BSDC), theo đó đến năm 2030, những cơ hội kinh doanh bền vững nhằm thực hiện các mục tiêu toàn cầu trong 4 lĩnh vực được khảo sát có thể tạo ra một thị trường kinh doanh trị giá ít nhất 12.000 tỷ USD, đem lại thêm 380 triệu việc làm cho nền kinh tế toàn cầu.

Đây chính là lý do Chủ tịch VCCI mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam hãy nỗ lực vượt bậc, để vươn tới những chuẩn mực cao, cũng giống như Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam trở thành một trong bốn nền kinh tế có chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh hàng đầu ASEAN.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn phải hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao chiến lược cạnh tranh của mình thông qua việc cải cách môi trường kinh doanh, vươn tới tiêu chuẩn quốc tế và tiếp cận được cách mạng 4.0. Đây là các yêu cầu rất quan trọng.

 “Chúng tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Chúng ta không thể kỳ vọng rằng doanh nghiệp đó là doanh nghiệp lớn nhưng tôi mong đó là hệ thống doanh nghiệp đạt chuẩn quốc tế, để kết nối với mạng lưới kinh tế toàn cầu”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.