Phát triển nông nghiệp cần dựa vào các hạt nhân là doanh nghiệp
(DNVN) - Đó là nhận định của ông Cao Đức Phát, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 về việc phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 năm (2008 - 2017) tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt bình quân 2,66% mỗi năm, năm 2018 đạt khoảng 3,76%; quy mô GDP của ngành năm 2017 gấp 1,25 lần năm 2008. Thị trường nông sản không ngừng mở rộng, xuất khẩu chuyển mạnh sang chính ngạch và hiện nông sản Việt Nam đã có mặt trên 185 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm (2008 - 2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm; năm 2018 đạt mức cao kỷ lục hơn 40 tỷ USD, tăng 23,55 tỷ USD so với năm 2008; đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới, tăng bình quân 9,24%/năm. Trong đó, 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ một tỷ USD trở lên, với 6 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu lớn, ông Cao Đức Phát, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn “rất mỏng"; trong số 500.000 doanh nghiệp hiện nay chỉ có 6.000 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, Phó trưởng Ban Kinh tế cho biết, Việt Nam hiện có 10 triệu hộ nông dân rất nhỏ, siêu nhỏ so với các hộ nông dân trên thế giới. "Ở Mỹ, một hộ có 500 ha chỉ 2 vợ chồng làm. Còn ở Việt Nam, đơn cử như tỉnh Thái Bình, chỉ có khoảng 2.000-3.000 m2 cho một hộ gia đình. Muốn phát triển nền nông nghiệp vững mạnh có khả năng cạnh tranh cao trong giai đoạn mới thì không chỉ phát huy vai trò kinh tế hộ như đã làm thời gian qua, mà cần phát triển vai trò hạt nhân là các doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có sự liên kết vững chắc".
Nhìn nhận về chính sách phát triển cho nông nghiệp, ông Trần Quốc Toản, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ, thời gian qua Bộ này đã thực hiện nhiều chính sách để mở cửa thị trường cũng như khuyến khích tiêu thụ tại thị trường trong nước, như: Chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; đưa hàng vào các siêu thị... Nông sản của Việt Nam đã có mặt tại hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp rất lớn. Từ tín hiệu phản hồi của thị trường, các doanh nghiệp đã hoàn thiện sản phẩm, đáp ứng những thị trường khó tính nhất, đồng thời tạo ra sản phẩm đặc thù cho từng thị trường khác nhau. Ngoài ra, các doanh nghiêp đã triển khai tốt việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Tuy nhiên, ông Toản cũng cho rằng, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa phát huy được vai trò của mình, chưa tạo sức hút để các thành viên đi theo tạo nên thương hiệu... Ông đề nghị các doanh nghiệp quan tâm hơn nữa tín hiệu thị trường để sản xuất các sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng.
Đồng quan điểm, ông Ngô Minh Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn TH cho biết, hơn 10 năm qua, Tập đoàn đã thành công trong việc đầu tư nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi bò sữa. Theo ông, chìa khoá vàng của thành công là ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi bò sữa, từ đó, tạo thương hiệu có tầm ảnh hưởng, sản phẩm đem lại niềm tin cho người tiêu dùng.
"Chúng tôi đang chuyển sang giai đoạn tiếp theo, đưa ngành chăn nuôi lên quy mô rộng hơn, cấp nông hộ để phát triển mạnh trong tương lai. Chúng tôi đã tổ chức ở Lâm Đồng công ty Đà Lạt milk với HTX bò sữa", ông Hải nói và cho biết, đây chính là mô hình liên kết chuỗi giá trị để phát triển bền vững.
Quá trình triển khai chuỗi liên kết nông hộ ở Đà Lạt, Tập đoàn TH đã rút ra bài học chia sẻ lợi ích, rủi ro giữa các thành viên trong chuỗi; xây dựng quy chuẩn về sản phẩm, ký hợp đồng với nông hộ để người dân giao sản phẩm đảm bảo chất lượng. Tập đoàn đã thay đổi tư duy của người dân, xuất phát từ nông hộ quy mô nhỏ sang trang trại kiểu mẫu.
Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất - điều kiện tiên quyết thúc đẩy mô hình tăng trưởng vì nếu sản xuất lấy công làm lãi thì không thể phát triển. "Khi chúng tôi đưa con chip vào cổ con bò thì nhiều người hoài nghi bà con có đồng ý không. Tuy nhiên, người dân lại rất thích dù chưa biết hiệu quả như thế nào. Cũng như điện thoại thông minh, dùng nhiều sẽ nghiện, không thể bỏ được. Đây là thành công trong chuỗi liên kết", ông Hải chia sẻ.
Phó Chủ tịch Tập đoàn TH cũng cho hay, muốn phát triển chuỗi liên kết cần phải tổ chức đào tạo nâng cao nguồn nhân lực cho người nông dân; kết nối nguồn hỗ trợ về tài chính. Ông Hải đưa ra ví dụ: “Chúng tôi có HTX cung cấp dịch vụ thú y, phối giống, thức ăn cho người dân, nhưng bà con đang cần nguồn vốn hỗ trợ. Chúng tôi kết nối với ngân hàng để bà con vay được vốn để phát triển".
Từ đó, ông đề nghị cần có doanh nghiệp đầu tàu để dẫn dắt chuỗi liên kết. Đó có thể là doanh nghiệp nắm đầu ra, hoặc nắm sản phẩm trung gian, miễn là đảm bảo điều kiện về tiềm lực tài chính, đủ sức tạo ra ảnh hưởng mạnh, hoạt động chuyên nghiệp và có thương hiệu... Đồng thời, Nhà nước cũng nên đặt ra những quy chuẩn đạo đức cho doanh nghiệp, quy chuẩn đạo đức doanh nhân, ví dụ như phải cống hiến, phụng sự đất nước.