Phía Grab trần tình sau vụ việc hàng trăm tài xế tắt app đình công và tung gói hoàn tiền cho tài xế

15:40 | 08/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trước những phản đối của tài xế đòi quyền lợi, Grab khẳng định sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để cân bằng quyền lợi giữa các bên liên quan.

Tài xế đình công

Như đã đưa tin, vào chiều ngày 7/12, hàng trăm tài xế GrabBike tắt ứng dụng, kéo đến trụ sở Grab ở đường Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) để phản đối mức khấu trừ mỗi chuyến xe vừa tăng từ 20% lên hơn 27,2%. Theo đó, tỷ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe bao gồm hoa hồng trả cho hãng, 10% thuế VAT và 1,5% thuế thu nhập cá nhân của tài xế. 

Phía Grab trần tình sau vụ việc hàng trăm tài xế tắt app đình công và tung gói hoàn tiền cho tài xế - ảnh 1
Hàng trăm tài xế tắt app, đình công tại Hà Nội. Ảnh: Một thế giới

Hàng trăm tài xế đều cho rằng mức phí khấu trừ này quá cao, ảnh hưởng đến thu nhập của họ.

Mức này tăng từ 20-25% lên 27,273-32,841% (tùy theo hợp đồng hợp tác 2 bên). Tuy nhiên, Grab cho biết vẫn giữ nguyên mức hoa hồng, việc tăng khấu trừ là ở phần tăng thuế VAT theo Nghị định 126. Để bù lại lại phần tăng thuế VAT lên 10%, Grab chủ động tăng giá dịch vụ GrabBike thêm 6%.

Không chỉ kéo đến trụ sở Grab ở Duy Tân, các tài xế chạy qua nhiều tuyến phố như Cầu Giấy, Kim Mã, Nguyễn Chí Thanh để kêu gọi tắt ứng dụng, nhưng ngay sau đó đã bị lực lượng chức năng giải tán.

Liên quan đến vụ việc này, tối 7/12, đại diện Grab cho hay doanh nghiệp này đang tuân thủ chặt chẽ Luật Thuế giá trị gia tăng 2008, Luật Quản lý thuế 2019, các văn bản hướng dẫn thi hành của cơ quan chức năng. Đặc biệt là Nghị định 126/2020/NĐ-CP (NĐ 126), có hiệu lực từ ngày 5/12/2020.

Theo quy định của NĐ 126, thuế VAT 10% (theo pháp luật thuế mà Grab đang thực hiện) được áp dụng cho toàn bộ doanh thu từ hoạt động kinh doanh vận tải, trong đó gồm cả phần doanh thu vận tải của đối tác tài xế.
 
Phía Grab trần tình sau vụ việc hàng trăm tài xế tắt app đình công và tung gói hoàn tiền cho tài xế - ảnh 2Hàng trăm tài xế Grab đều cho rằng mức phí khấu trừ này quá cao, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của họ. Ảnh: Saostar

Grab đã cân nhắc cẩn trọng để đề xuất giá cước mới phù hợp, đồng thời khấu trừ nghĩa vụ thuế VAT 10% từ cước phí chuyến xe mà người dùng hiện đang chi trả. Chiết khấu khi sử dụng ứng dụng Grab đối với đối tác tài xế vẫn giữ nguyên.

Tuy nhiên, theo NĐ 126, cá nhân hợp tác kinh doanh mà cụ thể là đối tác tài xế không thuộc trường hợp trực tiếp khai thuế, nộp thuế nên doanh nghiệp có trách nhiệm thu hộ, nộp hộ thuế cho đối tác tài xế.

Vì vậy, phần thuế Grab khấu trừ khoản thuế phải nộp, kê khai, và nộp hộ cho các đối tác tài xế là tuân thủ quy định của NĐ 126. Số thuế này đã được nộp cho Kho bạc Nhà nước và đã được cơ quan thuế xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

“Về việc các tài xế tụ tập căng băng rôn khẩu hiệu, còi xe inh ỏi, gây rối trật tự công cộng, trong ngày hôm nay, sai tới đâu thì phía cơ quan chức năng sẽ xử lý tới đó. Còn Grab không giải quyết vấn đề này. Việc các tài xế thắc mắc thì chúng tôi cũng đã giải thích”, đại diện Grab thông tin.

Chia sẻ trên Báo Lao động, Ông Trần Bằng Việt - nhà sáng lập kiêm CEO Công ty Giải pháp Phát triển DongA Solutions, cựu CEO Mai Linh Taxi cho biết, việc thu thuế VAT 10% đối với dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ là đúng, sòng phẳng và công bằng với các ngành khác và các đơn vị cạnh tranh khác trên cùng ngành.

Tuy nhiên, cần phải hiểu đúng - thuế VAT này là tính trên doanh thu, chứ không phải thuế thu nhập cá nhân. "Thuế 10% này là hành khách trả, doanh nghiệp thu hộ, lái xe chỉ là người làm thuê nên không có liên quan gì ở đây cả. Đừng ghép lái xe vào rồi chụp cái mũ "làm ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động", ông Việt cho hay.

Theo ông Việt, xe công nghệ bây giờ sẽ có hai lựa chọn: Một là tăng giá để bù khoản 7% thuế tăng thêm; hai là không tăng giá để giữ được nhiều khách hàng hơn.

Hai là, hai bên bị ảnh hưởng sẽ là công ty vận hành app (Grab/Gojek) và chủ xe. Sẽ tuỳ vào điều khoản cụ thể trong hợp đồng giữa chủ xe và hãng để biết ai thiệt hại như thế nào và bao nhiêu.

"Nếu khách hàng bị tăng giá cước, thì có thể không lựa chọn dịch vụ của hãng xe này nữa", ông Việt nói, đồng thời cho biết, ông ủng hộ việc ứng dụng công nghệ vào quản lý và trong trường hợp cụ thể này là vào ngành giao thông vận tải.

 Grab hoàn tiền tài xế sau bão tắt app đình công 
 
Theo thông tin mới nhất, sau khi phải hứng chịu nhiều phản đối, hôm nay ngày 8/12, Grab tung ra một chương trình hoàn tiền nhằm khuyến khích tài xế tiếp tục hoạt động với tên gọi "Hỗ trợ Đối tác hoạt động mùa lạnh, mưa rét".
 
Phía Grab trần tình sau vụ việc hàng trăm tài xế tắt app đình công và tung gói hoàn tiền cho tài xế - ảnh 3
Grab hoàn tiền tài xế giữa bão đình công. Ảnh: Grab
 
Chương trình có thời hạn 8/12 - 20/12 và ở trong các khung giờ 6h-9h; 11-13h và 16h-20h.TP.HCM không có trong danh sách các địa phương áp dụng. Chương trình hiện chỉ có hiệu lực với các tài xế tại Hà Nội, Bắc Ninh, Đã Nẵng, Quảng Nam với các dịch vụ cơ bản như GrabBike, GrabFood, GrabMart và Grab Express Siêu Tốc.
 
Theo đó, các tài xế sẽ nhận về 5% giá trị mỗi cuốc xe hoàn thành trong khung giờ chương trình qui định. Giá trị tối đa hoàn tiền cho mỗi cuốc là 10.000 đồng.
 
Trước những phản đối của tài xế đòi quyền lợi, Grab vẫn khẳng định sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để cân bằng quyền lợi giữa các bên liên quan.
 
Grab lên tiếng sau vụ việc nhiều tài xế công nghệ phản đối tăng chiết khấu. Nguồn: VTV24
 
Hải Yến