PVcombank 'ôm' nhiều trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

12:00 | 28/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Từng ôm trái đắng nợ ở Vinashin, Vinalines, nhóm khách hàng liên quan đến cổ đông cũ của Westernbank nhưng PVcomBank vẫn dẫn đầu là công cụ nợ của các tổ chức kinh tế.

PVcomBank là ngân hàng được thành lập năm 2013 sau khi sáp nhập Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC) và ngân hàng Phương Tây (Western Bank), đang trong giai đoạn thực hiện đề án tái cơ cấu theo quyết định của NHNN.

Đây cũng là ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu “đau đớn”, thế nhưng điều đáng nói kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng này thời gian vừa qua luôn là một “bí mật” với việc công bố thông tin chậm, muộn, không những thế còn sơ sài, thiếu đủ các thông tin là điểm nổi bật trong BCTC của ngân hàng này.

BCTC năm 2014 và 2015 của PVcomBank đều chỉ vọn vẹn có 5 trang giấy trình bày tóm tắt với 3 phần bảng cân đối Kế toán; kết quả kinh doanh; báo cáo lưu chuyển tiền tệ mà không hề có phần thuyết minh BCTC theo quy định của NHNN về BCTC của các NHTM.

PVcombank 'ôm' nhiều trái phiếu doanh nghiệp bất động sản - ảnh 1

Theo nội dung báo cáo được PVcomBank đăng tải, năm 2014, Pvcombank báo lãi 151 tỷ đồng trước thuế, gấp 5,4 lần so với 2013. Nếu tính đến ngày 31.12.2015, tổng tài sản của ngân hàng này là 98.605 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó thu nhập lãi thuần là 409 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 72 tỷ đồng, giảm 2,3 lần tương ứng 56% so với năm 2014.

Đến năm 2015, BCTC được kiểm toán cho biết, lợi nhuận của ngân hàng chỉ đạt 50,5 tỷ đồng. Kết thúc năm 2016, PVcomBank đạt mức lợi nhuận sau thuế 65,5 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu dừng lại ở mức 1,38% giảm từ mức trên 5% giai đoạn đầu sáp nhập. 

Bước sang năm 2017 và 2018, việc công bố báo cáo tài chính có vẻ như không phải là công việc “cần thiết hay bắt buộc” đối với ngân hàng này. Để tìm bản BCTC của PVcomBank là việc vô cùng “gian nan” của nhà đầu tư. Thay vào đó, trên một vài trang tin chỉ xuất hiện bản báo cáo kết quả kinh doanh “ngắn gọn” của ngân hàng này.

Trong báo cáo kết quả kinh doanh năm 2017, doanh thu 8.021 tỷ đồng, lãi sau thuế 79 tỷ đồng, trong khi đó nửa đầu năm 2018 này kết quả kinh doanh vẫn chưa được ngân hàng công bố.

PVcomBank hiện vẫn đang áp chung các chính sách kế toán riêng theo Đề án tái cấu trúc Ngân hàng giai đoạn 2016 – 2020. Một số điểm đáng chú ý như giữ nguyên nhóm nợ đối với khoản nợ của Vinashin, Vinalines, nhóm khách hàng liên quan đến cổ đông cũ của Westernbank; xử lý các khoản đầu tư kế thừa từ Westernbank theo lộ trình 10 năm (2015 – 2024); sử dụng các quỹ từ lợi nhuận sau thuế để xử lý tổn thất tài chính trước khi hợp nhất; bán nguyên trạng một số khoản nợ cho VAMC, không thực hiện trích lập dự phòng bổ sung đồng thời thoái lãi dự thu trong 10 năm theo khả năng tài chính của PVcomBank…  

Các chính sách kế toán riêng này được xây dựng trên cơ sở Đề án tái cơ cấu Ngân hàng giai đoạn 2016 - 2020 đã được chấp thuận bởi Chính phủ và phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.

Chưa dừng lại ở đó, dường như nhà băng này vẫn cố "vươn ra biển lớn" khi ôm những lô trái phiếu bất động sản nghìn tỷ mà không lường trước được rủi ro và hậu quả thế nào, nhất là trong thời điểm hiện tại thị trường BĐS ngày càng khó khăn.

Cụ thể, vào ngày 16/4, Công ty TNHH Viễn Thông Trịnh Gia Nguyễn (Trịnh Gia Nguyễn) đã thực hiện thành công đợt phát hành 1.400 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 84 tháng. 

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, có tài sản bảo đảm. Ban đầu, lãi suất kỳ đầu tiên của lô trái phiếu này được áp dụng theo quy định của Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) tại thời điểm giải ngân tiền mua trái phiếu.

Sau đó, Trịnh Gia Nguyễn có thông báo thay đổi nội dung về lãi suất. Theo đó, lãi suất kỳ đầu tiên của lô trái phiếu trên là 12,5%/năm. Đối với các kỳ tiếp theo, lãi suất được tính bằng lãi suất cơ sở cộng với biên độ tối thiểu 5,5%/năm. Lãi suất cơ sở chính là lãi suất tiền gửi “tiết kiệm đại chúng” lĩnh lãi cuối kỳ cao nhất, có loại tiền tương ứng với loại tiền vay, kỳ hạn 12 tháng theo biểu lãi suất mà PVcomBank công bố từng thời kỳ.

Trịnh Gia Nguyễn là doanh nghiệp bất động sản được thành lập vào năm 2017. Gần đây, công ty này đã nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Du lịch Nha Trang (Nha Trang Intravet), qua đó thâu tóm dự án Khu du lịch Nha Trang Seahorse Resort & Spa có diện tích 16,26ha tại Lô D8a- Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Đóng vai trò tham chiếu lãi suất, PVcomBank cũng là nơi nhận thế chấp toàn bộ quyền tài sản và lợi ích phát sinh liên quan tới dự án này. Cụ thể, tài sản bảo đảm là toàn bộ phần vốn góp của Trịnh Gia Nguyễn tại Nha Trang Intravet trị giá 1.749 tỷ đồng (tương đương 100% vốn điều lệ công ty) và các lợi ích phát sinh từ phần vốn góp này.

Đây là thương vụ trái phiếu bất động sản thứ 3 trong vòng chưa đầy 1 năm trở lại đây mà PVcomBank là ngân hàng quyết định lãi suất, đồng thời nhận thế chấp tài sản. Quy mô của các đợt trái phiếu này tổng cộng gần 4.000 tỷ đồng.

Hồi tháng 8/2019, Công ty Phúc Long Vân (Phúc Long Vân), chủ đầu tư dự án Khu dân cư Phúc Long Vân tại xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An đã phát hành lô trái phiếu có quy mô 1.350 tỉ đồng cho một nhà đầu tư tổ chức.

Lãi suất cho lô trái phiếu này cũng được xác định là neo theo lãi suất tiền gửi “Tiết kiệm đại chúng” lĩnh cuối kỳ cao nhất của khách hàng cá nhân, có loại tiền tương ứng với loại tiền vay, kỳ hạn 12 tháng theo biểu lãi suất huy động của PVcomBank công bố từng thời kỳ cộng với biên độ tối thiểu 4,25%/năm.

Toàn bộ quyền, nghĩa vụ phát sinh từ dự án này đã được chủ đầu tư mang đi thế chấp tại PVcomBank. Bên cạnh đó, cổ phần của Công ty Phúc Long Vân cũng được cổ đông thế chấp ngân hàng này.

Tháng 11/2019, Công ty Cổ phần Veracity công bố phát hành thành công 1.135 tỷ đồng trái phiếu. Đây là số trái phiếu không chuyển đổi, có tài sản bảo đảm, kỳ hạn 18 tháng.

Lãi suất kỳ đầu tiên tối thiểu bằng 11,75%/năm, các kỳ lãi suất tiếp theo được tính bằng lãi suất tiền gửi cao nhất kỳ hạn 12 tháng tại PVcomBank cộng thêm biên độ tối thiểu 4,25%/năm.

Trước đó, Veracity đã nhận chuyển nhượng toàn bộ dự án Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại - Summit Building tại số 216 đường Trần Duy Hưng, TP. Hà Nội, đối diện khu phức hợp Grand Plaza.

Đây là dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 800 tỷ đồng, được thực hiện dự án từ cuối năm 2016 đến nay đang trong quá trình hoàn thiện. Dự án có diện tích xây dựng công trình khoảng 1.185 m2 và tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 52.217 m2.

Tương tự như 2 đợt phát hành trái phiếu trên, toàn bộ tài sản đảm bảo và lợi ích từ dự án này đều được Veracity cầm cố tại PVcomBank.

Trong báo cáo tài chính gần nhất được công bố, đến giữa năm 2019, tổng tài sản của PVcomBank là hơn 151 nghìn tỷ đồng, trong đó quy mô cho vay gần 75 nghìn tỷ. Đáng chú ý, tổng giá trị các tài sản có khác, bao gồm các khoản phải thu lên đến gần 30 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 20% tổng tài sản của ngân hàng.

Theo báo cáo này, PVcomBank cũng đang nắm giữ khoảng 12.000 tỷ đồng trái phiếu và công cụ nợ của các tổ chức kinh tế.

Về việc ngân hàng này liên tục chậm, muộn công bố báo cáo tài chính không theo đúng quy định cũng như các vấn đề nợ xấu tồn đọng, PV đang liên hệ với Ngân hàng Nhà nước để làm rõ trách nhiệm của nhà băng này. (Còn nữa).

 Minh Quân