Quản trị tốt doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa
16:54 | 30/11/2018
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Sắp xếp đổi mới doanh nghiệp (DN) để nâng cao hiệu quả tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sau cổ phần hóa là một trong những mục tiêu quan trọng của Chính phủ. Tuy nhiên trên thực tế, quản trị DN nhà nước sau khi cổ phần hóa vẫn còn tồn đọng rất nhiều mối lo.
Theo số liệu của Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, trong năm 2017, cả nước đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 57 doanh nghiệp NN (gấp 1,03 lần so với 55 DNNN năm 2016). Sáu tháng đầu năm 2018, Chính phủ đã phê duyệt tiếp phương án cổ phần hóa 19 DNNN (bằng 86,2% so với cùng kỳ năm 2017). Tổng thu từ cổ phần hóa DN 6 tháng đầu năm 2018 đạt 28.055.29 tỷ đồng trong đó thu từ cổ phần hóa 22.456.29 tỷ đồng, thu từ thoái vốn 5.598 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, tổng số thu từ cố phần hóa, thoái vốn đạt khoảng 198.000 tỷ đồng ( năm 2016 là 30.000 tỷ đồng; năm 2017 là 140.000 tỷ đồng; năm 2018 là 28.000 tỷ đồng).
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, đến tháng 11/2018, mới có 35/526 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại. Đến ngày 18/11/2018 mới cổ phần hóa được 12 DN trong khi kế hoạch năm 2018 phải cổ phần ít nhất 85 DN. Về kế hoạch thoái vốn, chỉ có 31 đơn vị thực hiện thoái vốn (kế hoạch 2017 có 135 DN, năm 2018 có 181 DN). Chậm bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (còn 35 DN chưa bàn giao). Tính đến ngày 15/11, còn 667 DNNN đã cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Phát biểu tại Diễn đàn “Quản trị sự thay đổi và tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước trong bổi cảnh toàn cầu hóa” sáng 30/11 tại Hà Nội, TS. Nguyễn Văn Khách - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá, tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn còn rất chậm.
Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2018, cả nước đã cổ phần hóa được hơn 600 DNNN, tổng giá trị thu về cho ngân sách Nhà nước từ bán vốn Nhà nước thông qua cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước đạt khoảng 200.000 tỷ đồng. Dù phần lớn các DNNN đều có quy mô lớn, là lực lượng nòng cốt thực hiện những cân đối lớn trong nền kinh tế, song vẫn có nhiều tồn tại, trong đó vẫn chưa phân định rõ giữa chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước.
Theo TS. Nguyễn Văn Khách, trên thực tế cùng một lúc có nhiều cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước như bộ, ngành chủ quản, địa phương, SCIC, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Trong khi đó, bộ máy quản lý điều hành chưa đáp ứng được yêu cầu quản trị DN. Cơ chế giám sát, đánh giá hoạt động của HĐQT tại DNNN còn hạn chế; mối quan hệ liên kết trong nội bộ tổng công ty, tập đoàn kinh tế Nhà nước còn nhiều phức tạp, vướng mắc và chưa được giám sát chặt chẽ.
Bên cạnh việc cổ phần hóa còn chậm, theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Tài chính-Ngân hàng, kỹ năng quản trị doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần đang bộc lộ điểm yếu cơ bản. Hiện thế giới có hai cấp độ quản trị doanh nghiệp, một là không cần Ban kiểm soát và hai là có Ban kiểm soát nhưng kiểm soát độc lập, kiểm soát cả thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT).
Tuy nhiên, hiện hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam áp dụng hình thức thứ 2 nhưng Ban kiểm soát thuộc HĐQT và không có nhiều quyền hạn và yếu kém năng lực kiểm soát nên dường như là tàng hình trong các vấn đề của doanh nghiệp Nhà nước. Do đó, có rất nhiều vấn đề trong kỹ năng quản trị của doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam sau cổ phần như tính kỷ luật, minh bạch và công bằng chưa được thực hiện hoặc thực hiện nửa vời cho có, ông Lực nhấn mạnh.
Nhằm giải quyết các vấn đề đang đặt ra và thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình cải cách DNNN trong bối cảnh toàn cầu hóa, TS. Nguyễn Văn Khách đã đưa ra các giải pháp thúc đẩy quản trị sự thay đổi và tái cấu trúc DNNN, đó là: Đối với DNNN nói chung, thực hiện việc tách biệt chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước, thông qua hình thành tổ chức chuyên trách thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư (Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã được thành lập) thay mặt Chính phủ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn nhà nước tại các tập đoàn kinh tế nhà nước, các tổng công ty và các DNNN quy mô lớn quan trọng.
Mặc khác, dù Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN đã được thành lập, thay mặt Chính phủ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn nhà nước tại các tập đoàn kinh tế nhà nước, các tổng công ty và các DNNN quy mô lớn quan trọng nhưng cần phải xây dựng hệ thống quản trị DNNN tiệm cận thông lệ quốc tế, cụ thể là các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp hiện đại của OECD, từng bước áp dụng cho các DNNN đã cổ phần hóa, DNNN nói chung.
Bên cạnh đó, cần phải nâng cao tính minh bạch và năng lực giám sát DNNN. Nhà nước cần xây dựng và công khai hóa chiến lược, chính sách đầu tư tại các DNNN. Minh bạch hoá thông tin hằng năm về đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, danh sách và số lượng doanh nghiệp có vốn nhà nước; mức độ đầu tư, hiệu quả đầu tư; hiệu quả kinh doanh của các DNNN.
Thể chế hóa công tác giám sát, đánh giá DNNN bằng quy định pháp luật. Hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện chức năng chủ sở hữu Nhà nước, các tiêu chí giám sát, đánh giá hiệu quả vốn đầu tư Nhà nước cả về định tính và định lượng, các tiêu chí đánh giá, giám sát rủi ro tài chính và quản trị doanh nghiệp Nhà nước theo cấp độ công ty mẹ và cả tập đoàn.
Ngoài ra, cần nâng cao tính độc lập, chuyên nghiệp và năng lực chuyên môn của Ban Kiểm soát, yêu cầu các DNNN bổ nhiệm chuyên gia độc lập bên ngoài làm thành viên Ban Kiểm soát để có trình độ kinh nghiệm cao và giàu kinh nghiệm thực tế.