Quế Việt Nam: Cần 'bệ phóng' để tiến vào các thị trường cao cấp

Lạc Lạc 10:51 | 21/01/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Là một trong ít quốc gia có thuận lợi để phát triển ngành gia vị, đặc biệt là quế, hồi; kể từ khi chuỗi hồi hữu cơ được thiết lập với những cam kết chặt chẽ từ khâu trồng trọt đến chất lượng, xuất khẩu hồi của Việt Nam đang tăng nhanh vào thị trường các thị trường "khó tính" . Thế nhưng Việt Nam được nhận định vẫn chưa tận dụng hết lợi thế để nâng cao sản lượng và giá trị xuất khẩu ngành gia vị nói chung.

Theo Hiệp hội gia vị thế giới, nhu cầu về quế tăng nhanh hơn mức tăng nguồn cung toàn cầu đã đẩy giá quế ngày càng tăng cao, nhất là từ năm 2016 đến nay.

Trong khi đó, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia sở hữu diện tích quế rất lớn trên thế giới, với sản lượng quế đứng thứ ba toàn cầu, theo Hiệp hội Gia vị Thế giới.  Con theo số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc - FAO, năm 2020, Việt Nam nằm trong số 4 quốc gia đóng góp tới 98% tổng sản lượng quế toàn cầu. Với nguồn tài nguyên này, Việt Nam là nhà cung cấp đầy tiềm năng của thị trường gia vị và hương liệu thế giới, được định giá 21,3 tỷ USD năm 2021 và sẽ tăng lên 27,4 tỷ USD năm 2026 (theo Marketsandmarkets.com). 

Một báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp thì cho biết Việt Nam hiện có tổng diện tích quế gần 170.000 ha, tập trung tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Quảng Nam, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu. Tổng trữ lượng vỏ quế ước khoảng 900.000 – 1.200.000 tấn, sản lượng thu hoạch bình 70.000 – 80.000 tấn/ ha. Giá trị xuất khẩu quế, hồi của Việt Nam năm 2020 đạt khoảng 245,4 triệu USD, năm 2021 đạt khoảng 274 triệu USD và dự kiến sẽ đạt khoảng 276 triệu USD trong năm 2022. 

Hiện nay, quế, hồi Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều khu vực Nam Á (như Ấn Độ, Bangladesh), Trung Đông (UAE, Pakistan), Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc, Hàn Quốc), Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu.

Trước xu hướng gia tăng nhu cầu nguyên liệu trong các ngành công nghiệp thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm… cùng nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, giới chuyên gia nhận định đây là "thời cơ" cho sản phẩm quế và gia vị Việt Nam phát triển.

Ở các nước có ngành công nghiệp chế biến phát triển, quế và hồi là nguyên liệu chính trong sản xuất mỹ phẩm và dược phẩm. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ quế và hồi còn tương đối khiêm tốn so với các sản phẩm gỗ khác nhưng với hơn 200.000 ha vùng nguyên liệu, quế và hồi hiện đang là sinh kế bền vững cho hơn 200.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa.

Cần "bệ phóng" để thâm nhập những thị trường khó tính

Dù là Việt Nam là đất nước sở hữu nguồn nguyên liệu cùng thời tiết, khí hậu vô cùng thuận lợi, thế nhưng cách canh tác thô sơ, và chuyên môn chưa cao trong chế biến đã khiến quế cũng như các cây gia vị nói chung chưa thể phát huy được hết giá trị trong tiêu thụ và xuất khẩu.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Huyền - Giám đốc công ty quế hồi Việt Nam Vinasamex cho biết: "Chỉ hơn 10 năm trước, cứ thu hoạch xong quế là người dân đem bán. Họ không biết cách bảo quản hay tích trữ sản phẩm. Bên cạnh đó là sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khiến đầu ra sản phẩm càng thêm bấp bênh".

“Hôm nay tư thương mua với giá 15.000 đồng/kg; ngày mai họ hạ xuống 10.000 đồng/kg và ngày kia có thể họ chẳng mua nữa nhưng chúng tôi vẫn phải bán bằng mọi giá, đó là tâm sự quen thuộc của những người dân khi nói chuyện với doanh nghiệp", bà Huyền dẫn chứng.

 Bà Nguyễn Thị Huyền - Giám đốc của công ty quế hồi Việt Nam Vinasamex. Ảnh: Trang Mai

Hiện nay, nắm bắt triển vọng của ngành gia vị trong nước, các công ty như Vinasamex đang hướng tới định hướng xuất khẩu, đặc biệt là tiến vào các thị trường xuất khẩu cao cấp.

“Chúng tôi tập trung chủ yếu xuất sang bốn thị trường khó tính nhất là Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Để có được các giấy chứng nhận hữu cơ quốc tế và bước chân vào các nước này, doanh nghiệp đã phải hoàn thiện hệ thống và các quy trình của mình một cách rất nghiêm ngặt.

Cụ thể, chúng tôi xây dựng chuỗi giá trị và kiểm soát chất lượng theo chuỗi giá trị, nghĩa là ký hợp đồng trực tiếp với từng hộ nông dân trên vùng nguyên liệu, sau đó tiến hành đào tạo, tập huấn cho bà con về các tiêu chuẩn, yêu cầu quốc và cách để đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn đó. Sau khi thu hoạch, sản phẩm tươi sẽ được qua chế biến, đóng gói, đồng thời lưu mẫu để có thể truy xuất nguồn gốc từng lô hàng”, bà Huyền nói thêm về quy trình chế biến và xuất khẩu.

Hiện nông dân trồng quế ở Việt Nam đang bán quế khô cho thương lái với giá phổ biến khoảng 50.000 đồng/kg khô. Vì quế hữu cơ phải được chế biến nghiêm ngặt nên Vinasamex thu mua quế tươi, hiện với giá 27.000 đồng/kg. Bình quân 5 kg quế tươi cho 1 kg quế khô, giá thu mua quế khô của công ty khoảng 135-140.000 đồng/kg, cao gấp 2,5 lần so với quế bình thường.

Nhờ có thị trường vững chắc, trong những năm đại dịch, vị nữ Giám đốc cho hay Vinasamex không bị ảnh hưởng, thậm chí còn tăng trưởng doanh thu. “Doanh thu trong 2 năm 2019-2020 đều có sự tăng trưởng, thậm chí là năm sau tăng gấp đôi năm trước. Sang 2022, là sau thời kỳ đại dịch nhưng Vinasamex cũng rất may mắn là tình hình kinh doanh không hề sụt giảm. Những thành công này một phần do xây dựng mô hình phát triển bền vững và đa dạng hóa thị trường, đặc biệt là những thị trường cao cấp. Cùng với đó là đa dạng hóa sản phẩm phục vụ nhu cầu khác nhau của thị trường, ví dụ như làm dược phẩm, thực phẩm chức năng, đồ uống để tăng hệ miễn dịch, sản phẩm hóa mỹ phẩm, chăm sóc da, trang trí,..."

Nói về triển vọng ngành trong tương lai, bà Huyền cho biết, do điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu, quế của Việt Nam có hương vị khác biệt, tốt hơn so với các nước trong khu vực, do đó, tiềm năng cũng lớn hơn rất nhiều. "Tuy nhiên, trong quế của Việt Nam có thành phần coumarin, một chất gây loãng máu tự nhiên. Đây là lợi thế, và cũng là bất lợi cho sản phẩm quế của Việt Nam. Do vậy, chúng ta phải tìm nhóm đối tượng khách hàng khác nhau để cung cấp sản phẩm phù hợp, đồng thời đa dạng hóa để có những cơ hội cạnh tranh và vượt lên so với nước khác”, nữ CEO phân tích.

Thiếu công nghệ, thiếu vốn, thiếu cả định hướng

Chia sẻ về những thách thức của ngành, ông Nguyễn Văn Diện – Vụ trưởng Vụ phát triển sản xuất Lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp -  Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay, ngành quế của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đó là môi trường chính sách còn thiếu định hướng chiến lược phát triển quế bền vững ở cấp quốc gia; chưa có diễn đàn điều phối hợp tác công – tư, chia sẻ thông tin, tìm kiếm nguồn lực…; thiếu cơ chế để đưa ra những nghiên cứu nhằm kịp thời phản hồi yêu cầu thị trường.

Về năng lực sản xuất và chế biến, ngành quế cũng như gia vị nói chung vẫn còn thiếu công nghệ và vốn đầu tư chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; năng lực kỹ thuật chuyên sâu của khuyến nông – lâm chưa đáp ứng yêu cầu thực thế, thiếu chuyên gia và tài liệu.

Bên cạnh đó là khó khăn về liên kết tiêu thụ sản phẩm, phát triển thị trường. Trong đó, liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với người trồng quế chưa phát triển; chưa có các nghiên cứu đánh giá tiềm năng khác từ quế để thúc đẩy giải pháp gia tăng giá trị, ví dụ như về thị trường các - bon, giá trị các sản phẩm phụ từ quế,…

Hiện nay, đang có hai phương án được đưa ra: một là, thành lập Hiệp hội quế; hai là, kết hợp quế vào Hiệp hội hồ tiêu. Với hai phương án này đang chờ quyết định của Bộ NN&PTNT. Về việc thành lập Tổ công tác quế, hiện đã trình dự thảo để Bộ NN&PTNT phê duyệt.

Về tiến độ thực hiện một số công tác để thúc đẩy ngành quế phát triển, thông tin tại Hội thảo phát triển quế Việt Nam bền vững năm 2022 do Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp cùng Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững (IDH) vào tháng 11/2022 cũng cho biết, về vấn đề cần có quy hoạch vùng sản xuất, kế hoạch, định hướng phát triển cây quế, hiện chưa có định hướng phát triển ở cấp Trung ương, tuy nhiên, các tỉnh đã có định hướng nhưng chưa giải quyết hết thách thức.

Về tiếp tục xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị, hiện nhiều doanh nghiệp đã triển khai liên kết chuỗi giá trị, tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa bàn chưa có liên kết thị trường. Về vấn đề tìm hiểu khả năng phát triển tín chỉ các bon cho quế, hiện đã xây dựng được dự thảo; đồng thời, đã huy động được nguồn lực cho một số hoạt động phát triển ngành hàng quế,…