Nông nghiệp BAF thông qua kế hoạch phát hành và sử dụng 600 tỷ đồng trái phiếu

Trang Mai 08:16 | 22/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngày 29/12, HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (mã: BAF) đã thông qua nghị quyết về phương án phát hành, sử dụng và trả nợ vốn thu được từ đợt chào bán trái phiếu ra công chúng, thông qua việc niêm yết trái phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán.

Trước đó, vào tháng 11, BAF đã thông qua phương án phát hành 6 triệu trái phiếu, giá phát hành 100.000 đồng/ trái phiếu, tương đương tổng cộng 600 tỷ đồng. Đây là trái phiếu chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và phát hành tại thị trường trong nước.Trái phiếu có kỳ hạn 7 năm với lãi suất cố định là 5,25%/năm. Nếu tổ chức mua trái phiếu không chuyển đổi, trái chủ sẽ nhận bổ sung thêm 5,25%/năm cho các kỳ tính lãi, nâng lãi suất thực đợt phát hành lên 10,5%/năm.

Trong phương án mới được HĐQT thông qua, 6 triệu trái phiếu sẽ được chào bán thành 2 đợt, tương ứng tên BAFH2225001 và BAFH2225002 với thời gian tương ứng đợt 1 từ quý I/2022 đến quý II/2022, đợt 2 từ quý II/2022 đến quý IV/2022. Mỗi đợt sẽ chào bán 3 triệu trái phiếu, tổng mệnh giá phát hành dự kiến là 300 tỷ, có kỳ hạn 36 tháng kể từ ngày phát hành. 

Với 600 tỷ đồng dự kiến thu được, sau khi trừ đi các chi phí, số tiền sẽ được sử dụng để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của BAF, bao gồm: Thanh toán công nợ đến hạn; chi phí thuê trang trại; chi phí mua sắm các trang trại lợn; mua thuốc thú y, phụ gia, nguyên liệu sản xuất cám và các chi phí khác liên quan đến hoạt động của các trang trại lợn và Công ty. 

Trước đó, BAF dự kiến dùng 280 tỷ đồng góp vốn để tăng vốn điều lệ Công ty Cổ phần Chăn nuôi công nghệ cao Hải Đăng Tây Ninh từ 120 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng; 110 tỷ đồng sẽ góp vốn để tăng vốn điều lệ tại Công ty TNHH đầu tư trang trại xanh 2 để tăng từ 20 tỷ đồng lên 130 tỷ đồng. Đồng thời, BAF cũng dự tính góp lần lượt 70 tỷ đồng vào 3 công ty là Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Bắc An Khánh, Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Đông An Khánh và Công ty TNHH chăn nuôi Nam An Khánh.

Đơn vị mua trái phiếu là tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài có nhu cầu. 

BAF dự kiến sử dụng nguồn tiền thu được từ hoạt động kinh doanh của mảng FEED - FARM - FOOD (3F) trong giai đoạn từ 2022 đến 2025 để thanh toán gốc và lãi trái phiếu. 

 BAF dự phóng kết quả kinh doanh 2022-2025. Ảnh: BAF

Trong một diễn biến khác, loạt thành viên HĐQT đã đăng ký bán cổ phiếu BAF. Cụ thể, ngày 20/12, ông Phan Ngọc Ấn - Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc BAF đã đăng ký bán toàn bộ 2,48 triệu cổ phiếu mình nắm giữ, tương đương 1,73% vốn điều lệ, qua đó giảm tỷ lệ nắm giữ xuống 0%. Mục đích giao dịch là do nhu cầu tài chính cá nhân.

Phương thức dự kiến là khớp lệnh/ thoả thuận, thời gian dự kiến từ 26/12 đến 20/1/2023. Tạm tính giá kết phiên 20/12 là 18.050 đồng/cp, ước tính ông Ấn sẽ thu về 44,6 tỷ đồng. 

Trước đó, từ ngày 7/10 đến ngày 11/10, ông Ấn đã bán thành công gần 6,6 triệu cổ phiếu BAF, giảm tỷ lệ sở hữu từ 6,32% xuống 1,73% và không còn là cổ đông lớn của doanh nghiệp. 

Bà Bùi Hương Giang - thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc cũng đăng ký bán ra 499.750 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 3,6% về 3,25% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 26/12 đến ngày 20/1/2023 bằng phương thức giao dịch khớp lệnh/ thoả thuận. Ước tính bà Giang sẽ thu về gần 9 tỷ đồng nếu giao dịch thuận lợi. 

CÙng thời gian trên, ông Lê Xuân Thọ - thành viên HĐQT cũng đăng ký bán 795.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 839.200 cổ phiếu (0,58% vốn điều lệ) về 44.200 cổ phiếu (0,03% vốn điều lệ). Ước tính ông Thọ sẽ thu về 14 tỷ đồng. 

Như vậy, tổng cộng bà Bùi Hương Giang, ông Phan Ngọc Ấn và ông Lê Xuân Thọ đăng ký bán 3,8 triệu cổ phiếu BAF. 

Ngược lại với động thái bán từ các thành viên HĐQT, CTCP Siba Holdings, tổ chức liên quan ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT đã đăng ký mua 4,6 cổ phiếu BAF để nâng sở hữu từ 37,32% lên 40,5% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 26/12 đến ngày 20/1/2023. Siba Holdings hiện là cổ đông lớn nhất của BaF với tỷ lệ nắm giữ là 20,5%. Nếu gia tăng sở hữu thành công, tỷ lệ nắm giữ sẽ tăng lên 37,65%. Được biết, Siba Holdings chính thức là cổ đông lớn của BAF từ đầu năm 2022.

Được biết, cổ phiếu BAF là một cổ phiếu mới niêm yết trên sàn HoSE hơn 1 năm, cổ phiếu niêm yết ngày 3/12/2021. Trong đó, Chủ tịch là ông Trương Sỹ Bá, đồng thời ông cũng là Chủ tịch Tập đoàn Tân Long.

Về tình hình kinh doanh của BAF trong quý III, theo báo cáo tài chính hợp nhất, doanh thu thuần của công ty ghi nhận 1.919,6 tỷ đồng, giảm gần 50% so với cùng kỳ năm trước. BAF báo lãi ròng sau thuế 158 tỷ đồng, tăng 259% so với cùng kỳ. 

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu của BAF ở mức 4.890 tỷ đồng, giảm 46%. Lợi nhuận sau thuế 286 tỷ đồng, tăng gần 17% so với cùng kỳ năm trước.

 

Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm, BAF Việt Nam ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 240,6 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 156,4 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 461,2 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 741,04 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.

Được biết, theo dữ liệu iBoard của Chứng khoán SSI, từ năm 2019 tới năm 2021, chưa năm nào dòng tiền kinh doanh của BAF âm vượt 240,6 tỷ đồng. Trong đó, năm dòng tiền âm lớn nhất là năm 2019 với giá trị âm 230,48 tỷ đồng.

Theo chứng khoán An Bình (ABS) nhận xét, lợi thế từ việc là doanh nghiệp hàng đầu về thương mại nông sản và giá trị tổng đàn heo đạt top 5 sẽ giúp BAF cải thiện dần biên lợi nhuận sẽ được lên mức trung bình ngành với kế hoạch lợi nhuận 2022 ghi nhận tăng trưởng ở mức 25%/năm và tiếp tục duy trì mức tăng trưởng này trong các năm tới. ABS kỳ vọng lợi nhuận sau thuế của BAF tăng trưởng trung bình trên 30%/năm trong thời gian tới nhờ các yếu tố: Quy mô đàn tăng trưởng ở mức cao và hưởng lợi từ vị thế top đầu ngành phân phối thức ăn cho vật nuôi; Biên lợi nhuận gộp gia tăng tới từ hoàn thiện chuỗi giá trị 3F. Chuyên gia dự phóng lợi nhuận sau thuế 2022 của BAF quanh mức 419 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ.