Quốc hội thông qua đề xuất chuyển hơn 1.000 ha rừng làm cao tốc Bắc – Nam
Sáng 11/7, mở đầu phiên họp thứ 13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Đây là dự án đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp bất thường tháng 1/2022, tại Nghị quyết số số 44/2022/QH15.
Nghị quyết số 44 quy định: “Giao Chính phủ hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương trước khi quyết định đầu tư Dự án”.
Vì vậy, để có cơ sở quyết định dự án đầu tư và triển khai các bước tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét nội dung trên.
Cụ thể, diện tích rừng đề nghị chuyển mục đích sử dụng 1.054,63 ha, bao gồm: 111,84 ha rừng phòng hộ, 4,45 ha rừng đặc dụng, 802,91 ha rừng sản xuất, 135,43 ha rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng (có nguồn gốc rừng phòng hộ 14,89 ha, từ rừng đặc dụng 0,22 ha, từ rừng sản xuất 120,32 ha).
Diện tích đất lâm nghiệp 1.863,94 ha, bao gồm: đất rừng phòng hộ 138,10 ha, đất rừng đặc dụng 4,61 ha, đất rừng sản xuất 1.721,23 ha. Diện tích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên 1.721,96 ha.
Sau khi nghe các ý kiến giải trình từ Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, Phó thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể và một số ý kiến khác... 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết đồng ý ban hành nghị quyết, thống nhất với đề xuất của Chính phủ.
Ngày 15/4/2022, Bộ Tài Nguyên Môi trường đã có báo cáo về kết quả thẩm định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Phạm vi nghiên cứu của dự án dự kiến có chuyển mục đích sử dụng rừng giai đoạn 2021 - 2025 và thời kỳ 2021 - 2030 gồm 7 tỉnh là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa.
Diện tích rừng đề nghị chuyển mục đích sử dụng là hơn 1.054 ha, bao gồm khoảng 112 ha rừng phòng hộ; 4,45 ha rừng đặc dụng; gần 803 ha rừng sản xuất và trên 135 ha rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng (có nguồn gốc rừng phòng hộ gần 15 ha, từ rừng đặc dụng 0,22 ha, từ rừng sản xuất hơn 120 ha).
Về việc chuyển mục đích sử dụng đất, trên cơ sở báo cáo của các địa phương có dự án đi qua, diện tích đề nghị chuyển đổi là hơn 1.721 ha đất trồng lúa, gồm: đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lệ là hơn 1.537ha; đất trồng lúa còn lại là hơn 184 ha.
Để có cơ sở quyết định dự án đầu tư và triển khai các bước tiếp theo, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ trở lên. Giao Chính phủ chỉ đạo ủy ban nhân dân các tỉnh có dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện làm căn cứ thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Triển khai thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định pháp luật.